Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế (KKT) Vân Phong đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050, Ban Quản lý (BQL) KKT Vân Phong đã tập trung nỗ lực lập quy hoạch 19 phân khu chức năng trong KKT. Đơn vị phấn đấu đến cuối năm 2024, toàn bộ 19 quy hoạch phân khu chức năng đều được cấp có thẩm quyền phê duyệt, làm cơ sở thu hút đầu tư, phát triển kinh tế trong khu vực.
Phấn đấu hoàn thành quy hoạch phân khu vào cuối năm 2024
Theo báo cáo của BQL KKT Vân Phong, hiện nay, 4 đồ án quy hoạch phân khu làm cơ sở triển khai các dự án trọng điểm của khu vực Bắc Vân Phong đã được đơn vị lập xong và đang trình thẩm định, gồm: Khu du lịch sinh thái đảo Hòn Lớn (phân khu 1); Khu du lịch núi Khải Lương (phân khu 2); Trung tâm cảng biển - đô thị Đầm Môn (phân khu 3) và Khu đô thị du lịch Cổ Mã - Tu Bông (phân khu 8). Trong quá trình thực hiện, ban đã phối hợp tổ chức lấy ý kiến cộng đồng dân cư và các cơ quan, đơn vị liên quan theo quy định; đồng thời đã làm việc với Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh tổ chức lấy ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học phản biện về các đồ án quy hoạch này. Sau khi tiếp thu giải trình và hoàn thiện hồ sơ các quy hoạch, ban sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh lấy ý kiến Bộ Xây dựng. Dự kiến, 4 đồ án quy hoạch này sẽ được trình HĐND tỉnh thông qua và UBND tỉnh phê duyệt vào cuối năm nay.
|
Một góc khu vực Bắc Vân Phong. |
Đối với 8 phân khu đã được phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch, gồm: Khu đô thị, du lịch Vĩnh Yên - Mũi Đá Son (phân khu 4); Khu đô thị, thương mại, dịch vụ Tuần Lễ - Hòn Ngang (phân khu 5); Khu đô thị, du lịch Ninh Hải - Dốc Lết (phân khu 14); Khu dịch vụ đô thị công nghiệp Tây Ninh An (phân khu 15); Khu dịch vụ đô thị và dân cư Đông Bắc Ninh Hòa (phân khu 16); Khu đô thị và công nghiệp Bắc Hòn Hèo (phân khu 17); Khu đô thị dịch vụ trung tâm Ninh Hòa (phân khu 18); Khu chức năng công nghiệp và cảng biển Nam Vân Phong (phân khu 19), BQL KKT Vân Phong đang lập nhiệm vụ khảo sát, lập dự toán đồ án các phân khu để trình xin kinh phí thực hiện. Đối với Khu du lịch đảo Điệp Sơn (phân khu 6); Khu đô thị Vạn Giã và vùng phụ cận (phân khu 11), ban đã lập xong nhiệm vụ quy hoạch và trình Sở Xây dựng thẩm định. Còn lại 5 quy hoạch phân khu sẽ được ban triển khai trong năm 2024, gồm: Khu đô thị sinh thái Đại Lãnh (phân khu 7); Khu du lịch sinh thái núi tây Tu Bông (phân khu 9); Khu sinh thái núi tây Vạn Giã (phân khu 10); Khu đô thị Nam Vạn Giã (phân khu 12); Khu công nghiệp, đô thị dịch vụ Vạn Hưng (phân khu 13). Dự kiến, sẽ trình thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch trong quý I/2024 và trình thẩm định, phê duyệt quy hoạch trong quý IV/2024.
Tập trung thu hút đầu tư
Trao đổi với phóng viên, đồng chí Trịnh Quốc Hồng - Trưởng phòng Quy hoạch và Xây dựng, BQL KKT Vân Phong cho biết, theo kế hoạch của UBND tỉnh, trong năm 2023, ban phải triển khai lập, trình thẩm định và phê duyệt quy hoạch 12 phân khu. Tuy nhiên, việc thực hiện đồng loạt các quy hoạch phân khu có diện tích hàng nghìn héc-ta với khối lượng công việc gồm nhiều bước, trong đó có những nội dung theo quy định không thể rút ngắn thời gian, như: Lấy ý kiến của cộng đồng dân cư; lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức đấu thầu, tư vấn; lấy ý kiến của Bộ Xây dựng (quy định quy hoạch phân khu từ 200ha trở lên phải lấy ý kiến Bộ Xây dựng)… và những công việc phát sinh cũng ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các quy hoạch. Vì vậy, BQL KKT Vân Phong đã tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh kế hoạch để tập trung trình phê duyệt 4 quy hoạch phân khu đã lập xong đồ án trong năm 2023. Các phân khu đã phê duyệt nhiệm vụ sẽ trình phê duyệt đồ án vào đầu năm 2024. Với sự chỉ đạo kịp thời của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; sự nỗ lực, tập trung của đơn vị tư vấn; sự phối hợp của các cơ quan, đơn vị trong tỉnh và Bộ Xây dựng, đến nay, các bước triển khai lập quy hoạch phân khu trong KKT Vân Phong đã cơ bản đáp ứng về tiến độ theo kế hoạch của UBND tỉnh. Dự kiến, đến cuối năm 2024 sẽ phê duyệt quy hoạch toàn bộ 19 phân khu trong KKT Vân Phong để làm cơ sở kêu gọi, thu hút đầu tư.
Đồng chí Nguyễn Trọng Hoàng - Trưởng BQL KKT Vân Phong cho biết, thời gian tới, ban sẽ tập trung thu hút đầu tư vào nhiều lĩnh vực. Trong đó, đối với xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo, công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, dược liệu biển và sinh thái biển, quy mô vốn đầu tư mỗi dự án phải từ 1.500 tỷ đồng trở lên. Đối với đầu tư xây dựng và kinh doanh trung tâm thương mại, tài chính, mỗi dự án phải có quy mô vốn đầu tư từ 12.000 tỷ đồng trở lên. Đối với đầu tư xây dựng và kinh doanh khu đô thị, mỗi dự án phải có quy mô diện tích đất từ 300ha hoặc có quy mô dân số từ 50.000 người trở lên. Ngoài ra, mảng công nghiệp năng lượng sạch, công nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ cao, cơ khí chính xác, chế biến dầu khí, điện tử, khu dịch vụ chăm sóc sức khỏe ở KKT Vân Phong cũng chỉ thu hút các dự án có quy mô vốn đầu tư hơn 6.000 tỷ đồng.
Theo đồng chí Hoàng, để thu hút đầu tư vào KKT Vân Phong theo tinh thần Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 55 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa, việc triển khai lập quy hoạch phân khu xây dựng các khu chức năng trong KKT Vân Phong có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc thu hút đầu tư vào KKT. Tại khu vực Nam Vân Phong, một số dự án công nghiệp có quy mô lớn đã và đang triển khai. Hiện nay, có nhiều doanh nghiệp lớn quan tâm đầu tư vào KKT Vân Phong, như: Tập đoàn Sun Group, Công ty Flamingo Holding, Công ty Cổ phần SSI, Công ty Cổ phần Dầu khí Phương Đông, Công ty Cổ phần Shinec, Công ty Cổ phần Tân cảng Sài Gòn, Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Trung Nam, Tổng Công ty Sonadezi, Tổng Công ty Becamex, VISHIP... UBND tỉnh đã lên kế hoạch để lựa chọn nhà đầu tư vào 2 dự án trọng điểm và 9 dự án lớn tại KKT Vân Phong.
Ngày 27-3, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 298 phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng KKT Vân Phong đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050. Theo quy hoạch, KKT Vân Phong có tổng diện tích khoảng 150.000ha. Trong đó, phần mặt nước khoảng 79.178ha, phần đất liền và đảo khoảng 70.822ha. Phạm vi bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên các xã: Vạn Thạnh, Vạn Thọ, Đại Lãnh, Vạn Phước, Vạn Bình, Vạn Long, Vạn Khánh, Vạn Thắng, Vạn Phú, Vạn Lương, Vạn Hưng và thị trấn Vạn Giã (huyện Vạn Ninh); các phường: Ninh Hiệp, Ninh Giang, Ninh Đa, Ninh Thủy, Ninh Diêm, Ninh Hải và các xã: Ninh An, Ninh Thọ, Ninh Phước (thị xã Ninh Hòa). Quy hoạch định hướng đến năm 2030, dân số khoảng 350.000 - 380.000 người; đến năm 2040, dân số khoảng 500.000 - 550.000 người. Quy hoạch nhằm đưa KKT Vân Phong trở thành trung tâm kinh tế năng động, thông minh, có sự gắn kết giữa phát triển kinh tế - xã hội với đảm bảo an ninh - quốc phòng, góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, phát triển bền vững, thịnh vượng.
Theo https://baokhanhhoa.vn/chinh-tri/dua-nq09-vao-cuoc-song/202311/tap-trunglap-quy-hoach-phan-khu-trong-khu-kinh-te-van-phongthuc-day-nhanh-thu-hut-dau-tu-5d9634b/