PHÁT BIỂU BẾ MẠC CỦA ĐỒNG CHÍ PHÓ BÍ THƯ TỈNH ỦY
TẠI HỘI NGHỊ TẬP HUẤN NGHIỆP VỤ KIỂM TRA, GIÁM SÁT VÀ KỶ LUẬT CỦA ĐẢNG
(Ngày 24/3/2022)
-----
Kính thưa quý vị đại biểu và các đồng chí !
Thưa toàn thể Hội nghị !
Qua 04 buổi nghiên cứu, học tập nghiêm túc, với tinh thần trách nhiệm cao, Hội nghị tập huấn nghiệp vụ công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng đã hoàn thành nội dung đề ra. Tại Hội nghị tập huấn, hơn 2.000 học viên là các đồng chí cấp ủy viên, đại diện lãnh đạo các cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy, đại diện lãnh đạo các cơ quan có xây dựng quy chế phối hợp với ủy ban kiểm tra và các đồng chí trong ngành kiểm tra từ tỉnh đến cơ sở đã được các báo cáo viên của Vụ Địa bàn V - Cơ quan Ủy ban Kiểm tra Trung ương truyền đạt các chuyên đề về: Nội dung cơ bản của các quy định, hướng dẫn của Trung ương về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng; một số kinh nghiệm, kỹ năng trong thực hiện thẩm tra, xác minh và các nội dung quan trọng khác như kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, giải quyết tố cáo, khiếu nại kỷ luật đảng… Qua đây, các học viên đã được thảo luận, trực tiếp trao đổi và được báo cáo viên giải đáp những vấn đề, vướng mắc trong quá trình thực hiện công tác kiểm tra, giám sát.
Những nội dung tập huấn lần này góp phần giúp cho đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra các cấp trong toàn Đảng bộ tỉnh từng bước nâng cao trình độ, nắm vững các quy định, quy trình, phương pháp, nghiệp vụ và kỹ năng xử lý tình huống trong quá trình thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát; triển khai tốt các quy định của Trung ương về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng từ tỉnh đến cơ sở.
Thưa các đồng chí !
Có thể khẳng định Hội nghị của chúng ta đã thành công tốt đẹp. Để có được kết quả trên, trước hết, thay mặt Thường trực Tỉnh ủy, tôi bày tỏ sự trân trọng và cảm ơn đến lãnh đạo Vụ đào tạo bồi dưỡng, Vụ Địa bàn V - Cơ quan Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã quan tâm, hỗ trợ báo cáo viên truyền đạt kiến thức, nghiệp vụ cho cán bộ kiểm tra của Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa. Cảm ơn các đồng chí báo cáo viên mặc dù trong thời gian ngắn nhưng đã cố gắng truyền đạt đầy đủ những nội dung mới, quan trọng mà cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp phải thực hiện trong thời gian tới để đảm bảo nâng cao năng chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát.
Tôi cũng ghi nhận tinh thần trách nhiệm, thái độ học tập nghiêm túc, chú ý lắng nghe, tập trung nghiên cứu, quán triệt, tiếp thu kiến thức về công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng và thảo luận để nắm vững những vấn đề cơ bản.
Thưa các đồng chí !
Như các đồng chí đã biết, cuộc vận động xây dựng chỉnh đốn Đảng trong thời gian qua đã đạt được những kết quả quan trọng. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập đó là chưa tạo được chuyển biến cơ bản, toàn diện trên các mặt chính trị, tư tưởng, tổ chức. Tình trạng tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trên một số lĩnh vực, địa bàn vẫn còn nghiêm trọng, phức tạp với những biểu hiện ngày càng tinh vi, gây bức xúc trong xã hội. Tham nhũng vẫn là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ ta. Nhiều vụ việc, vụ án xảy ra trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đang được các cơ quan chức năng chuẩn bị đưa ra xét xử, điều đó thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật, công lý. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng để lại cho chúng ta nhiều bài học đau xót trong công tác xây dựng, chỉnh đốn đảng, quản lý giáo dục cán bộ, đảng viên, về kiểm tra, giám sát, giữ gìn kỷ cương, kỷ luật của đảng. Nếu chúng ta kiểm tra, giám sát kịp thời sẽ ngăn chặn và hạn chế được vi phạm, không bị thất thoát tiền bạc, tài sản nhà nước và cán bộ.
Tổng kết Kết luận số 53-KLTW, ngày 24/12/2012 của Bộ Chính trị khóa XI, đã chỉ rõ một số hạn chế, yếu kém và bất cập trong phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng an ninh của Đảng bộ tỉnh, nhất là Bộ Chính trị đã chỉ rõ:"Công tác xây dựng đảng, xây dựng hệ thống chính trị và quản lý Nhà nước trên một số lĩnh vực, ở một số giai đoạn còn yếu kém và khuyết điểm lớn. Công tác xây dựng đảng và hệ thống chính trị chưa được quan tâm đúng mức". Sau khi chỉ rõ những hạn chế, yếu kém và khuyết điểm, Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 28/1/2022 của Bộ Chính trị đã đề ra 10 nhiệm vụ và giải pháp để phát triển tỉnh Khánh Hòa trong thời gian tới, Trong đó đã nhấn mạnh" Tập trung xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; trọng tâm là ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa, gắn với đẩy mạnh thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, các nghị quyết kết luận của Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị"
Thực tế đó đặt ra cho ngành kiểm tra đảng nhiệm vụ hết sức nặng nề, đó là phải ngăn chặn có hiêụ quả các hành vi vi phạm của cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng, xây dựng các tổ chức đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh; kiên quyết và kịp thời xử lý những cán bộ, đảng viên vi phạm. Xử lý trách nhiệm những người đứng đầu cơ quan, đơn vị để xảy ra tham nhũng, tiêu cực, theo kỷ luật Đảng và pháp luật nhà nước. Công tác kiểm tra của Đảng phải tích cực tham gia vào thực hiện nhiệm vụ quan trọng này, góp phần làm trong sạch nội bộ, giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng.
Xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ tỉnh. Trong thời gian tới, tôi đề nghị các cấp ủy, tổ chức đảng, ủy ban kiểm tra các cấp trong Đảng bộ tỉnh cần tiếp tục tăng cường và nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng; tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Thứ nhất, tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm nghị quyết, chỉ thị, quy định, hướng dẫn của Trung ương về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, các tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên về công tác kiểm tra, giám sát. Tăng cường, đổi mới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức đảng nhất là người đứng đầu cấp uỷ, tổ chức đảng đối với nhiệm vụ kiểm tra, giám sát. Chủ động cập nhật kiến thức, tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ nhằm nâng cao trình độ, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ kiểm tra.
Bám sát yêu cầu, nhiệm vụ chính trị và tình hình thực tế của địa phương, đơn vị để xây dựng và thực hiện tốt chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát hàng năm. Tập trung kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nghị quyết, quy chế, quy định của Trung ương về công tác xây dựng Đảng, công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng, trong đó chú trọng kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XIII) về xây dựng, chỉnh đốn đảng và hệ thống chính trị; Kết luận số 01 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05 về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; các nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế - xã hội và những nội dung, lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh vi phạm: quản lý đất đai, đầu tư xây dựng, công tác cán bộ.
Chủ động xây dựng chương trình kế hoạch kiểm tra, giám sát đối với tổ chức đảng, đảng viên, nhất là người đứng đầu tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể ở các cấp trong việc thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao, chấp hành quy chế làm việc, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, giữ gìn phẩm chất, đạo đức lối sống; thực hiện các quy định về phòng, chống tham nhũng..
Tôi nhấn mạnh tính chủ động trong xây dựng chương trình, kế hoạch kiểm tra giám sát của chủ thể kiểm tra. Đây là vấn đề vừa có tính lý luận, vừa có tính thực tiễn trong công tác kiểm tra, giám sát. Dấu hiệu vi phạm mới manh nha đã chủ động phát hiện. Phải chủ động phát hiện, kiểm tra khi vi phạm còn mới manh nha. Dù bất kỳ trong điều kiện nào công tác kiểm tra không được bị động. Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: "Nếu để sai lầm và khuyết điểm trở nên to tát rồi mới đem ra "chỉnh" một lần, thế là "đập" cán bộ. Cán bộ bị "đập" mất cả lòng tự tin, người hăng hái cũng hóa thành nản chí, từ nản chí đi đến vô dụng"
- Khi phát hiện tổ chức đảng và đảng viên có dấu hiệu vi phạm, phải tiến hành kiểm tra để xem xét, kết luận, xử lý công minh, chính xác, kịp thời; không để khuyết điểm phát triển thành vi phạm, từ chưa nghiêm trọng thành nghiêm trọng; từ một đảng viên, một tổ chức đảng vi phạm thành nhiều đảng viên, nhiều tổ chức đảng vi phạm.
- Khi vi phạm đã trở nên nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng mới tiến hành kiểm tra thì không còn tác dụng giáo dục, phòng ngừa nữa và sẽ phải xử lý.
- Quá trình kiểm tra, giám sát phải kịp thời phát hiện, biểu dương, cổ vũ mặt tích cực, tiến bộ, bảo vệ cán bộ năng động, dám nghĩ, dám làm, đồng thời ngăn ngừa, khắc phục mặt tiêu cực, lạc hậu, khuyết điểm, hạn chế, yếu kém.
Thứ hai, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát phải gắn với công tác tư tưởng, công tác tổ chức và đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng. Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa ủy ban kiểm tra các cấp với các tổ chức đảng, chính quyền, các ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân trong việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng. Kết hợp chặt chẽ giữa công tác kiểm tra, giám sát của Đảng với thanh tra, kiểm tra của Nhà nước và giám sát của Nhân dân.
Thứ ba, Uỷ ban kiểm tra các cấp tích cực tham mưu, giúp cấp uỷ tăng cường và đổi mới trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát. Tổ chức các cuộc kiểm tra, giám sát, đảm bảo chất lượng, hiệu quả. Chú trọng công tác chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên chấp hành nghiêm túc các kết luận kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng. Cán bộ thực hiện công tác kiểm tra, giám sát cần chủ động, bản lĩnh trong thực hiện nhiệm vụ. Giải quyết kịp thời, dứt điểm đơn thư tố cáo đối với tổ chức đảng và đảng viên. Xử lý nghiêm minh đối với tổ chức đảng và đảng viên có vi phạm, giữ nghiêm kỷ cương kỷ luật của Đảng.
Với tinh thần đó, tôi tuyên bố bế mạc Hội nghị tập huấn công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng.
Xin chúc quý vị đại biểu cùng toàn thể các đồng chí mạnh khỏe, hạnh phúc và thành công .
Xin trân trọng cảm ơn!
BBT Website