PHÁT BIỂU
CỦA ĐỒNG CHÍ NGUYỄN HẢI NINH, ỦY VIÊN BAN CHẤP HÀNH
TRUNG ƯƠNG ĐẢNG, BÍ THƯ TỈNH ỦY KHÁNH HÒA
KHAI MẠC HỘI NGHỊ TỈNH ỦY LẦN THỨ 12
(Thứ sáu, ngày 30 tháng 9 năm 2022, Hội trường Tỉnh ủy)
Kính thưa các đồng chí đại diện cơ quan Trung ương,
Kính thưa các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh,
Thưa các đồng chí tham dự Hội nghị.
Thực hiện Chương trình làm việc toàn khóa và chương trình công tác của Tỉnh ủy năm 2022, hôm nay Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa tổ chức Hội nghị lần thứ 12 để thảo luận, cho ý kiến và thông qua nhiều nội dung quan trọng. Trước hết, thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy, tôi xin nhiệt liệt chào mừng các đồng chí đại diện cơ quan Trug ương, Tỉnh ủy viên và các đồng chí đại biểu đã đến dự Hội nghị của chúng ta ngày hôm nay.
Kính thưa các đồng chí,
Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 12 diễn ra trong bối cảnh Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa đang chung sức đồng lòng, nỗ lực phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, phấn đấu hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu kinh tế xã hội đã đề ra. Theo số liệu thống kê, trong 9 tháng đầu năm 2022, GRDP của tỉnh ước tăng 18%, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 25,4%, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 63.532,2 tỷ đồng, tăng 57,9% so cùng kỳ (tương đương 103% kế hoạch năm 2022); ngành du lịch tỉnh Khánh Hòa tiếp tục phục hồi ấn tượng với doanh thu du lịch đạt 10.801,1 tỷ đồng, tăng 5,5 lần so với cùng kỳ (tương đương 270% kế hoạch năm 2022), số lượt khách lưu trú tăng 4,4 lần, thu hút 156.000 lượt khách quốc tế, tăng 7,7 lần so với cùng kỳ; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng 28,1%, ước đạt 1.206,8 triệu USD, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tăng 108,6%, ước đạt 1.306,5 triệu USD; thu ngân sách nhà nước ước đạt 12.270 tỷ đồng, đạt 102,1% dự toán và tăng 23,2% so với cùng kỳ… và nhiều chỉ tiêu kinh tế xã hội khác đều có mức tăng trưởng vượt kế hoạch. Bên cạnh đó, công tác giảm nghèo, an sinh xã hội, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân tiếp tục được quan tâm bảo đảm; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định, quốc phòng được giữ vững…
Đây là những tín hiệu rất tích cực, là kết quả của sự nỗ lực không mệt mỏi của cả hệ thống chính trị, trước hết là sự điều hành quyết liệt của UBND tỉnh và cấp ủy, chính quyền địa phương.
Cùng với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh đã quyết tâm đổi mới thực chất phong cách lãnh đạo, phương pháp công tác, lề lối làm việc của cấp ủy và chính quyền các cấp để triển khai nhanh chóng và thực sự có hiệu quả các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa. Trong đó, tiếp tục quan tâm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, trước hết là áp dụng ngay trong hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã bước đầu áp dụng chương trình “họp không giấy”, nhiều nội dung họp được gửi trước cho đại biểu thông qua phần mềm, không trình bày tại hội nghị, vừa giảm thời gian họp, vừa nâng cao tính chủ động trong nghiên cứu nội dung họp của đại biểu; các dự án trọng điểm đã áp dụng giao việc và kiểm soát, báo cáo quá trình thực hiện thông qua Phần mềm quản lý công việc Basework; đã ban hành Quy định về giao nhiệm vụ trọng tâm và đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ trọng tâm. Bên cạnh đó, tỉnh đã chú trọng công tác cán bộ, chỉ đạo thực hiện kịp thời việc luân chuyển, điều động, bố trí cán bộ tại một số vị trí công tác, bảo đảm chặt chẽ, dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch, phù hợp với năng lực, sở trường và yêu cầu công việc ngày càng cao trong tình hình mới, được dư luận chung đồng tình, ủng hộ; các đồng chí được luân chuyển, điều động ở vị trí công tác mới bước đầu thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Từ đầu năm đến nay, đã thực hiện điều động, bổ nhiệm 13 đồng chí, luân chuyển 04 đồng chí.
Thường trực Tỉnh ủy đã làm việc với Ban Thường vụ các huyện, thị xã, thành phố; qua đó, đã kịp thời chỉ đạo, định hướng, giải quyết các nội dung về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, đề nghị UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo tháo gỡ một số khó khăn, vưỡng mắc của chính quyền các địa phương. Để kịp thời khắc phục những hạn chế, khuyết điểm trong một số lĩnh vực, tỉnh đã tiến hành sơ kết, tổng kết việc thực hiện các Nghị quyết của Trung ương, các văn bản quan trọng của Tỉnh ủy về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng; qua đó, đã nghiêm túc chỉ ra những khuyết điểm, hạn chế, phân tích rõ nguyên nhân và đề ra các nhiệm vụ, giải pháp để khắc phục. Bên cạnh đó, Tỉnh ủy đã xây dựng ngay các Đề án của Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 42 của Chính phủ (đề án nuôi biển, giảm nghèo bền vững, đề án xây dựng huyện đảo Trường Sa trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển của cả nước, đề án Trung tâm nghiên cứu quốc gia về công nghệ đại dương…) và HĐND tỉnh đã thông qua nhiều Nghị quyết cụ thể hóa Nghị quyết số 55 của Quốc hội. Có thể nói, trong 9 tháng đầu năm, cả hệ thống chính trị tỉnh nhà đã hoàn thành một khối lượng lớn các công việc quan trọng và đạt được nhiều kết quả rất tích cực.
Kính thưa các đồng chí,
Hôm nay, Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 12 sẽ thảo luận, cho ý kiến và xem xét thông qua nhiều công việc quan trọng. Để có cơ sở các đồng chí trao đổi, thảo luận đúng trọng tâm, trọng điểm, tôi xin gợi ý một số nội dung để các đồng chí tham khảo:
Thứ nhất, về công tác cán bộ
Tỉnh ủy sẽ thảo luận và bầu bổ sung Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2020 - 2025. Đây là công việc để tiếp tục thực hiện việc kiện toàn công tác cán bộ đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, phù hợp với năng lực, sở trường của cán bộ, theo tinh thần Kết luận của Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 11.
Thứ hai, về một số chương trình hành động, kế hoạch của Tỉnh ủy
1. Tỉnh ủy sẽ thảo luận, thông qua 4 Chương trình hành động của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII và sửa đổi, bổ sung 1 Kết luận của Tỉnh ủy.
(1) Về dự thảo Chương trình hành động của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất; tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.
Đây là nội dung rất quan trọng đối với tỉnh nhà, trong bối cảnh công tác quản lý đất đai vừa qua còn nhiều hạn chế. Chúng ta xây dựng Chương trình hành động để triển khai Nghị quyết số 18 của Trung ương nhưng đồng thời cũng là tiếp tục phát huy những việc đã làm được, khắc phục những hạn chế, thiếu sót được nhận diện sau khi tiến hành sơ kết Chỉ thị số 22-CT/TU, ngày 03/10/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa. Do vậy, đề nghị các đồng chí xem xét, nghiên cứu kỹ để phát hiện, đề xuất những nội dung xuất phát từ thực tiễn và góp phần giải quyết những công việc sát với tình hình địa phương.
(2) Về dự thảo Chương trình hành động của Tỉnh ủy triển khai thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đối với tỉnh ta, trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn rất cần chú ý tới ngư nghiệp, ngư dân, ngư trường. Đề nghị các đồng chí nghiên cứu, cho ý kiến về những nội dung trong Chương trình hành động, phù hợp với thực tế phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn tỉnh nhà, nhất là định hướng phát triển kinh tế biển, trong đó có nuôi trồng, đánh bắt thủy sản, gắn với phát triển đề án nuôi biển công nghệ cao, tạo sinh kế, thu nhập tốt hơn cho người dân.
(3) Về dự thảo Chương trình hành động của Tỉnh ủy triển khai thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới.
Trong thời gian qua, kinh tế tập thể của tỉnh nhà đã có nhiều bước phát triển, song trong giai đoạn mới, bối cảnh tình hình mới, cần phát triển kinh tế tập thể, trong đó có phát triển các hợp tác xã một cách hiệu quả, thực chất hơn. Đề nghị các đồng chí quan tâm nghiên cứu, phát biểu ý kiến, nhất là về chỉ tiêu, định hướng các giải pháp nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể của tỉnh nhà.
(4) Về kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW, ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới.
Việc xây dựng tổ chức cơ sở Đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên có ý nghĩa quan trọng đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Đề nghị các đồng chí quan tâm nghiên cứu, phát biểu ý kiến, trong đó tập trung vào 02 vấn đề, đó là công tác phát triển đảng viên mới và các giải pháp nâng cao chất lượng sinh hoạt đảng.
(5) Về việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung tại Kết luận số 64-KL/TU, ngày 18/4/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh liên quan đến Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Nha Trang đến năm 2040.
Tại phiên họp Ban Chỉ đạo công tác lập quy hoạch tỉnh ngày 28/9 vừa qua, trên cơ sở đề xuất của đơn vị tư vấn và Ban cán sự đảng UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo Quy hoạch tỉnh đã thống nhất báo cáo Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh xem xét việc sửa đổi, bổ sung Kết luận theo đúng thẩm quyền để tiếp tục cụ thể hóa một số nội dung cho phù hợp với tình hình mới. Đây là nội dung quan trọng, liên quan trực tiếp tới sự phát triển của thành phố Nha Trang và lợi ích của người dân, doanh nghiệp. Do vậy, đề nghị các đồng chí nghiên cứu kỹ, phát biểu thẳng thắn để Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh có những quyết định đúng đắn, minh bạch, phù hợp với định hướng phát triển chung của thành phố Nha Trang.
2. Thực hiện Quy chế làm việc và quy định của Đảng, Tỉnh ủy sẽ xem xét, thảo luận và cho ý kiến vào:
(1) Báo cáo tổng kết Chương trình công tác kiểm tra, giám sát năm 2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh;
(2) Báo cáo một số hoạt động trọng tâm của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy từ Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 10 đến Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 11, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Thứ ba, về thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội
Tỉnh ủy sẽ xem xét, cho ý kiến vào báo cáo kinh tế xã hội 9 tháng đầu năm và 3 định hướng danh mục các dự án trọng điểm bổ sung giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, cụ thể là:
(1) Báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 9 tháng và nhiệm vụ 3 tháng cuối năm 2022.
Đề nghị các đồng chí đi sâu phân tích những bài học kinh nghiệm của cả những việc chúng ta làm tốt trong thời gian qua và những việc còn thiếu sót, hạn chế chúng ta cần khắc phục trong thời gian tới. Hiện nay, tỉnh ta được Trung ương quan tâm đặc biệt về cơ chế, chính sách để tạo sự phát triển đột phá, đáp ứng mục tiêu, kỳ vọng của Trung ương về một thành phố trực thuộc Trung ương trong tương lai và là một cực tăng trưởng của khu vực Nam Trung Bộ - Tây nguyên và cả nước, đây không chỉ là nhiệm vụ của Khánh Hòa mà còn là nhiệm vụ của cả nước giao cho Khánh Hòa thực hiện. Chúng ta đang đi đúng hướng với tốc độ khẩn trương (các đề án, nghị quyết triển khai các Nghị quyết của Trung ương đã được xây dựng và một số đã được HĐND tỉnh thông qua). Để bảo đảm duy trì tốc độ cao trong chặng đường dài phía trước, đề nghị các đồng chí quan tâm nghiên cứu, phát biểu về một số nội dung sau:
- Mục tiêu chúng ta đến năm 2030 là trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, hiện nay Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp để chuẩn bị sửa đổi Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13, ngày 25/5/2016 về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính, chúng ta đã cập nhật tinh thần mới chưa? Tiêu chí gì chúng ta đã đạt được, tiêu chí gì cần bổ sung, từ đó mới tính toán nguồn lực để đầu tư.
- Chúng ta đã đi gần nửa nhiệm kỳ, nhưng không may mắn là chúng ta bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, vậy kịch bản tăng trưởng của chúng ta đến cuối nhiệm kỳ là như thế nào? Có cần thay đổi kịch bản và các chỉ tiêu không? Nếu không thay đổi thì từng năm chúng ta phải điều chỉnh để thích ứng ra sao? Chúng ta có dự báo, phân tích được không hay cần có các chuyên gia thống kê, chuyên gia kinh tế để giúp việc này?
- Tăng trưởng của chúng ta sau dịch COVID-19 là rất tốt, chứng tỏ nội lực của chúng ta tốt, nhưng phân tích kỹ thì chúng ta đang tăng trưởng dựa trên những nền tảng không mới. Những động lực tăng trưởng mới hiện nay là cơ chế, chính sách mới và những dự án lớn của Trung ương trên địa bàn (các tuyến cao tốc). Chưa xuất hiện những động lực tăng trưởng mới dựa vào nỗ lực thu hút nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách - vốn là rất quan trọng trong cơ cấu nguồn lực đầu tư của địa phương. (Trong 9 tháng đầu năm, tỉnh chỉ thu hút được 7 dự án đầu tư ngoài ngân sách, với tổng vốn đăng ký đầu tư là 478,9 tỷ đồng, thấp hơn cả năm 2021; trong đó không có dự án FDI nào). Vậy nguyên nhân là gì? Chúng ta cần giải pháp nào?
- Về nguồn lực để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng, ngoài việc thu hút đầu tư thì quan trọng là nguồn lực từ đất đai và từ Nghị quyết 55 của Quốc hội. Tuy nhiên từ đầu năm tới nay, chúng ta chưa tiến hành đấu giá đất để có nguồn lực bổ sung cho các công trình trọng điểm. Vậy làm sao để chúng ta có nguồn lực để xóa đói giảm nghèo bền vững ở Khánh Sơn, Khánh Vĩnh và đáp ứng nhu cầu xây dựng các hạ tầng thiết yếu cho 1 thành phố của Trung ương? Vậy chúng ta cần giải pháp gì trong vấn đề này.
- Về tổ chức thực hiện: Chúng ta xác định nhu cầu đầu tư lớn từ nay đến năm 2025 và 2030. Ngoài việc tìm kiếm nguồn lực đầu tư thì vấn đề hấp thụ vốn, tổ chức giải ngân đều là vấn đề khó khăn khi mà giải ngân đầu tư công còn chưa đạt kế hoạch đề ra? Các ban quản lý chuyên ngành của ta có làm chủ đầu tư với số vốn lên tới 30 - 40 nghìn tỷ? Giải pháp như thế nào? Đề nghị các đồng chí quan tâm nghiên cứu, phát biểu.
Kính thưa các đồng chí , những việc tôi vừa gợi ý là những việc có tính chất xuyên suốt cho cả nhiệm kỳ nhưng là việc cần làm ngay để định hướng cho thời gian trước mắt và lâu dài.
Trên cơ sở kết quả thảo luận tại Hội nghị này, Tỉnh ủy sẽ có kết luận để xác định một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong những tháng cuối năm để Ban cán sự đảng UBND tỉnh tập trung triển khai thực hiện.
(2) Về định hướng danh mục các dự án trọng điểm kêu gọi đầu tư ngoài ngân sách tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2021 - 2025; định hướng danh mục dự án kêu gọi nhà đầu tư chiến lược vào Khu kinh tế Vân Phong giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030; định hướng danh mục các dự án đầu tư công trọng điểm giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030.
Hiện nay danh mục đã liệt kê một số công trình, dự án cả đầu tư công và đầu tư ngoài ngân sách đáp ứng nhu cầu đầu tư lớn cho mục tiêu Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Đề nghị các đồng chí cho ý kiến, cần bổ sung dự án gì, loại bỏ dự án gì, ưu tiên dự án nào trước? Từ đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ chỉ đạo tiếp thu, hoàn thiện danh mục cụ thể theo quy định.
Kính thưa các đồng chí,
Trên tinh thần đổi mới phương thức làm việc, trừ công tác cán bộ và báo cáo tổng kết chương trình công tác kiểm tra, giám sát năm 2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, các nội dung khác sẽ không trình bày tại Hội nghị ngày hôm nay, đề nghị các đồng chí tập trung nghiên cứu, tham gia ý kiến, nhất là nội dung liên quan đến tình hình công tác 9 tháng đầu năm, phương hướng nhiệm vụ những tháng cuối năm.
Những nội dung trình tại Hội nghị Tỉnh ủy lần này là những vấn đề lớn, quan trọng đối với việc triển khai Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị, công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị và thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội những tháng cuối năm và cả những năm tiếp theo. Đề nghị từng đồng đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh tại hội nghị phát huy tinh thần trách nhiệm, trí tuệ, đóng góp những ý kiến sâu sắc vào các vấn đề trọng tâm xin ý kiến và các vấn đề khác để kết thúc thành công Hội nghị ngày hôm nay, chúng ta sẽ có những định hướng, chủ trương mới để tiếp tục thực hiện hiệu quả các Nghị quyết của Trung ương đối với Khánh Hòa.
Với tinh thần đó, tôi xin tuyên bố Khai mạc Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa khóa XVIII, chúc Hội nghị của chúng ta thành công tốt đẹp.
Xin trân trọng cảm ơn./.