PHÁT BIỂU CỦA ĐỒNG CHÍ PHÓ BÍ THƯ TỈNH ỦY
TẠI HỘI NGHỊ SƠ KẾT 06 NĂM TRIỂN KHAI CHỈ THỊ SỐ 07-CT/TU,
NGÀY 20/3/2017 CỦA BAN THƯỜNG VỤ TỈNH ỦY VỀ TĂNG CƯỜNG SỰ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG TRONG VIỆC THỰC HIỆN QUY CHẾ DÂN CHỦ CƠ SỞ Ở CƠ QUAN, ĐƠN VỊ, DOANH NGHIỆP GẮN VỚI TỔNG KẾT TÌNH HÌNH THỰC HIỆN QUY CHẾ DÂN CHỦ Ở CƠ SỞ NĂM 2023
(Ngày 29/01/2024)
---
Thưa quý vị đại biểu và các đồng chí !
Thưa toàn thể Hội nghị !
Sau một buổi làm việc khẩn trương, nghiêm túc và hiệu quả, Hội nghị sơ kết 06 năm thực hiện Chỉ thị số 07-CT/TU, ngày 20/3/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy kết hợp với tổng kết tình hình thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở năm 2023 đã hoàn thành chương trình đề ra.
Qua 06 năm thực hiện Chỉ thị số 07-CT/TU, việc thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở ở cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh được triển khai khá hiệu quả. Các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tích cực tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Trách nhiệm của người đứng đầu, của cán bộ, công chức trong các cơ quan, đơn vị được thể hiện rõ nét hơn, niềm tin của Nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, quản lý, điều hành của Nhà nước được tăng cường, củng cố.
Các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội đã xây dựng kế hoạch cụ thể thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở gắn với các nội dung liên quan đến quyền làm chủ của Nhân dân. HĐND các cấp tăng cường công tác giám sát, phản biện, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động theo hướng gần dân, sát dân, lắng nghe ý kiến của Nhân dân. Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, giữ gìn an ninh trật tự, phòng chống các tệ nạn xã hội ở cơ sở.
Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị đã chỉ đạo xây dựng kế hoạch thực hiện quy chế dân chủ, gắn với thực hiện công tác dân vận; tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại địa phương, đơn vị trực thuộc; thực hiện tốt chế độ hội họp, giao ban định kỳ; phối hợp với công đoàn tổ chức hội nghị cán bộ, công chức, viên chức theo quy định; thực hiện công khai và mở rộng dân chủ trong việc lấy ý kiến của cán bộ, công chức, viên chức khi xây dựng chương trình, kế hoạch công tác, bổ sung, điều chỉnh quy chế hoạt động của cơ quan; trong thực hiện chính sách cán bộ. Hoạt động của Ban thanh tra nhân dân các cơ quan, đơn vị được duy trì thường xuyên; tiếp nhận các thắc mắc, khiếu nại của cán bộ, công chức, viên chức để phản ánh, kiến nghị cấp ủy, chính quyền giải quyết kịp thời, qua đó tạo được sự đoàn kết trong nội bộ cơ quan, đơn vị.
Các cơ quan hành chính Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập tích cực thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, gắn với đẩy mạnh chuyển đổi số, tăng cường cải cách hành chính, nâng cao chất lượng giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính và đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến để phục vụ tốt nhu cầu của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp; công khai, minh bạch, tạo thuận lợi để Nhân dân giám sát hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước các cấp, cán bộ, công chức, viên chức; duy trì đối thoại, tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, các bức xúc, kiến nghị, nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của người dân.
Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã phổ biến, tuyên truyền và thực hiện dân chủ tại nơi làm việc theo Nghị định số 145, ngày 14/12/2020 của Chính phủ và Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, qua đó tạo sự chuyển biến trong nhận thức, hành động của người sử dụng lao động và người lao động. Xây dựng và thực hiện các quy chế, quy định của doanh nghiệp; công khai kết quả sản xuất, kinh doanh, thang, bảng lương, nội quy, chế độ, chính sách liên quan đến quyền lợi của người lao động; xây dựng văn hóa tại nơi làm việc... Lãnh đạo doanh nghiệp đã phối hợp với Ban Chấp hành Công đoàn tổ chức rà soát, bổ sung, xây dựng thỏa ước lao động tập thể. Tiến hành tổ chức hội nghị người lao động, xây dựng quy chế đối thoại và tổ chức đối thoại với người lao động theo quy định.
Thay mặt Thường trực Tỉnh ủy, tôi ghi nhận, đánh giáo cao những kết quả trong việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở của các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong giai đoạn vừa qua. Xin chúc mừng các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chỉ thị 07-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy được khen thưởng tại Hội nghị.
Thưa toàn thể Hội nghị !
Để đáp ứng các yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, bên cạnh những nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong báo cáo, tôi đề nghị các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong tỉnh cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung sau:
Thứ nhất, tiếp tục quán triệt, phổ biến, tuyên truyền, triển khai hiệu quả các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, trọng tâm là Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Kết luận số 120-KL/TW, ngày 07/01/2016 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; Chỉ thị số 07-CT/TU, ngày 20/3/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong việc thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở ở cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.
Thứ hai, cấp ủy các cấp tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức đảng trực thuộc, chính quyền, các địa phương, cơ quan, đơn vị thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, đảm bảo nề nếp, hiệu quả, tránh hình thức. Gắn việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở với triển khai học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Kết luận tại Hội nghị Trung ương 4 (khóa 13) về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; đẩy mạnh thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2020 - 2025, chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện các Nghị quyết của Trung ương về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Qua đó, tạo thành sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ trong nhiệm kỳ, đồng thời tạo ra động lực để Khánh Hòa vươn xa, phát triển trong tương lai.
Bênh cạnh đó, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cần tiếp tục phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu, nâng cao trách nhiệm của bản thân đối với kết quả, tiến độ triển khai quy chế dân chủ ở cơ sở tại cơ quan, đơn vị mình. Cần nhận thức một cách đúng đắn, đầy đủ, nghiêm túc về tầm quan trọng của việc triển khai quy chế dân chủ cơ sở; từ đó xây dựng kế hoạch thực hiện, đảm bảo có trọng tâm, trọng điểm và lộ trình cụ thể.
Thứ ba, tăng cường công tác nắm bắt tình hình dư luận xã hội và tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân, nhất là các vấn đề nóng, được quan tâm trong giai đoạn gần đây; phát huy quyền làm chủ của Nhân dân trong việc tham gia giám sát trên các lĩnh vực; duy trì việc tiếp dân, đối thoại với Nhân dân nhằm giải quyết kịp thời các phản ánh, kiến nghị, bức xúc, những nguyện vọng chính đáng của Nhân dân; đồng thời, tiếp tục triển khai xây dựng và thực hiện các mô hình “Dân vận khéo” gắn với thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở và phát huy vai trò của người dân.
Thứ tư, nghiên cứu tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở cho cán bộ phụ trách, người thực hiện quy chế. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở đối với các địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Kịp thời tổ chức sơ kết, tổng kết việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; khen thưởng, biểu dương tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở.
Nhân dịp chuẩn bị đón Tết cổ truyền của dân tộc - Xuân Giáp Thìn 2024, tôi xin chúc các đồng chí đại biểu cùng gia đình một năm mới dồi dào sức khỏe, an khang, thịnh vượng.
Xin chân thành cảm ơn !