Dù dạn dày kinh nghiệm hát ở những sân khấu lớn, có mấy ngàn khán giả, nhưng khi đứng hát giữa biển trời Trường Sa, giữa tình cảm quân dân ấm áp trên đảo, cảm xúc trong họ như thăng hoa hơn, như càng thêm yêu biển đảo quê hương.
Trong đoàn công tác thăm, tặng quà quân và dân huyện đảo Trường Sa vào cuối tháng 4 có các ca sĩ, nhạc sĩ, diễn viên múa của Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng và Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh Hải Dương. Ca sĩ Bùi Trọng Khải (Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng) chia sẻ, đây là lần thứ 7 anh nhận nhiệm vụ ra biểu diễn ở Trường Sa. Lần đầu tiên anh biểu diễn ở Trường Sa vào năm 2011. Nhớ lại đợt đi đầu tiên, cả đoàn văn công ai cũng say sóng, nằm li bì trong phòng. Thế nhưng, khi bước lên đảo, các nghệ sĩ như quên hết mệt nhọc, ai cũng sung sức, biểu diễn hết mình cùng quân và dân trên đảo. Giữa không gian biển đảo trùng trùng, nhiều ca sĩ không kiềm được lòng mình, vừa hát vừa khóc. Riêng anh, dù dạn dày kinh nghiệm hát ở những sân khấu lớn ở đất liền, nhưng khi hát ở Trường Sa, cũng ca khúc đó anh thấy cảm xúc thăng hoa hơn. Được biểu diễn ở Trường Sa là niềm vinh dự, tự hào và là kỷ niệm đẹp trong đời mỗi nghệ sĩ. Anh mong muốn sẽ được tiếp tục mang lời ca, tiếng hát của mình đến với quân và dân trên đảo.
Các ca sĩ, nhạc sĩ hát cùng cán bộ, chiến sĩ trên đảo Cô Lin.
Tại buổi tổng kết hải trình của đoàn công tác số 5, Chuẩn Đô đốc Nguyễn Thế Tốt - Phó Tham mưu trưởng Quân chủng Hải quân đánh giá: Đoàn công tác đánh giá cao tinh thần trách nhiệm và lòng nhiệt huyết của đội văn nghệ xung kích. Các ca sĩ, nghệ sĩ đã cháy hết mình với tinh thần phục vụ nhiệt tình, không quản ngại khó khăn đem lời ca, tiếng hát đến quân và dân các đảo, điểm đảo, nhà giàn, để lại nhiều ấn tượng và tình cảm tốt đẹp.
|
Ca sĩ Lê Thị Phương Linh (Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng) cũng đã 3 lần được đi biểu diễn ở Trường Sa, Nhà giàn DK1. Trước chuyến công tác, Linh vừa hoàn thành một đợt điều trị bệnh ở bệnh viện, nhưng cô vẫn đăng ký đi Trường Sa. Với cô, kỷ niệm đáng nhớ nhất là chuyến đi năm 2019, khi sắp đến Nhà giàn DK1 thì sóng to, gió lớn, tàu không thể tiếp cận nhà giàn. Các phần quà từ đất liền đều phải móc vào dây và kéo lên nhà giàn. Mọi người trong đoàn đều tập trung hết ở khu vực khoang lái, nơi có bộ đàm để có thể nói chuyện được với cán bộ, chiến sĩ ở nhà giàn. “Lúc đó, một chiến sĩ hải quân đưa bộ đàm nói: Em hát cho chiến sĩ nhà giàn nghe đi. Khi tôi vừa cất lời hát “Mỗi cánh thư về từ đảo xa…”, mọi người xung quanh tôi đều bật khóc. Hát giữa tiếng gió, tiếng sóng biển ào ào, câu hát trong tôi cứ nghèn nghẹn. Qua bộ đàm, tiếng hát cứ thế vang vọng giữa biển khơi để truyền đến người lính nhà giàn. Đó là cảm giác rất khó có được trong đời mỗi nghệ sĩ, đến bây giờ mỗi lần nhắc lại tôi vẫn còn cảm động”, Linh chia sẻ.
Là giáo viên thanh nhạc đang giảng dạy tại một số trường ở tỉnh Hải Dương, đây là lần đầu tiên ca sĩ Nguyễn Thị Thùy Linh (Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh Hải Dương) được đi biểu diễn ở Trường Sa. Chị chia sẻ, có những đảo chìm rất khó khăn để vào, đoàn văn công chỉ mang chiếc loa nhỏ, 2-3 chiếc micro để hát cho cán bộ, chiến sĩ nghe. Có những thời điểm, loa đài gặp sự cố, các ca sĩ cùng chiến sĩ xoay vòng, vỗ tay cùng hát “chay” với nhau, để lại ấn tượng không bao giờ quên. Qua chuyến đi này, chị thêm yêu biển đảo quê hương, trưởng thành hơn trong cách nhìn nhận và suy nghĩ, cảm thấy mình phải làm việc và cống hiến nhiều hơn...
Theo https://www.baokhanhhoa.vn/van-hoa/202205/hat-o-truong-sa-8252461/