Được một lần đặt chân lên các đảo, điểm đảo thuộc huyện Trường Sa, với bất kỳ ai cũng cảm thấy tự hào và may mắn. Và nghề báo đã tạo cơ hội cho nhiều cây bút được đến với Trường Sa. Đó là trải nghiệm đáng nhớ trong đời cầm bút để mỗi nhà báo bồi đắp thêm tình yêu, trách nhiệm với nghề.
Cảm nhận Trường Sa
Trường Sa là mảnh đất mơ ước được đặt chân đến một lần trong đời của rất nhiều người. Hàng năm, Quân chủng Hải quân đã tổ chức nhiều chuyến tàu chở các đoàn đại biểu, nhà báo đến với huyện Trường Sa và Nhà giàn DK1. Những chuyến công tác đến Trường Sa đều để lại trong lòng mỗi người nhiều trải nghiệm, cảm xúc đáng nhớ.
|
Với phóng viên Phan Sáu - Cơ quan thường trú Thông tấn xã Việt Nam tại Khánh Hòa, được tác nghiệp hơn 10 ngày ở Trường Sa trong tháng 4 vừa qua là kỷ niệm đặc biệt. Chị chia sẻ: “Tôi còn nhớ như in không khí chộn rộn của buổi chiều cuối tháng 4 -2021 trên cầu cảng Cam Ranh khi nhận thẻ và bước chân lên tàu. Hơn 10 ngày của hải trình giữa bao la biển trời đất nước, tôi đã được tận mắt chứng kiến cuộc sống và cảm nhận tình quân dân thắm thiết ở nơi đảo xa đầy sóng gió. Trường Sa đẹp và khang trang hơn rất nhiều so với những gì tôi tưởng tượng. Các đảo nổi không khác gì những làng quê yên bình ở đất liền với những ngôi nhà mái ngói đỏ tươi, những mái chùa cong vút, hàng cây xanh mát cùng giếng nước và những vườn rau xanh tốt…”.
Còn nhà báo Nguyễn Phan Khuê - Tổng Biên tập Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng cảm nhận: “Xúc động nhất với tôi là buổi lễ chào cờ thiêng liêng, hùng tráng tại đảo Trường Sa. Là quân nhân, tôi đã đọc, đã nghe nhiều lần “10 lời thề danh dự của quân nhân”, nhưng khi nghe tiếng “xin thề” hô vang giữa Trường Sa khiến tôi chợt lặng đi trong không khí trang nghiêm đặc biệt. Tình cảm của các anh bộ đội Trường Sa dành cho những người từ đất liền ra đảo làm chúng tôi nhớ mãi…”.
Lần thứ 2 đến với Trường Sa, cảm xúc của nhà báo Lê Thanh Lâm - biên tập viên phòng Thời sự, Đài Phát thanh truyền hình và Báo Bình Phước vẫn vẹn nguyên như lần đầu. Nhà báo Thanh Lâm chia sẻ: “Mỗi chuyến đi, tôi đều cảm nhận được tinh thần hối hả của những người làm báo khi đến với Trường Sa, luôn tranh thủ để tác nghiệp, để đưa Trường Sa đến gần hơn với đất liền”.
Không thể nào quên…
Khác hẳn với điều kiện tác nghiệp ở đất liền, các nhà báo khi tác nghiệp tại Trường Sa gặp nhiều khó khăn hơn vì điều kiện nắng gió, thời gian gấp gáp, lịch trình làm việc dày đặc. Ở trên tàu hay lên đảo thì lúc nào các nhà báo cũng phải “chạy vắt chân lên cổ” mới kịp “bắt” được những khoảnh khắc, hoặc bận rộn phỏng vấn, ghi nhận thông tin làm tư liệu.
Lần đầu tác nghiệp ở Trường Sa, nhà báo Nguyễn Sỹ Tuyên - Cơ quan thường trú Thông tấn xã Việt Nam tại Bình Phước ấn tượng khi những câu hỏi liên tục được phóng viên đưa ra đều được người chỉ huy đảo, các chiến sĩ trên đảo trao đổi một cách rành mạch, cởi mở. Mỗi phóng viên quan tâm đặt câu hỏi ở mỗi lĩnh vực khác nhau. Dù vậy, gương mặt các chiến sĩ vẫn luôn rạng ngời, nụ cười thân thiện nở trên môi. “Chúng tôi càng thêm yêu quý các chiến sĩ hải quân. Ở họ thể hiện niềm tin, bản lĩnh của người lính hải quân và cả sự kiên cường, vững vàng trước muôn trùng sóng gió để bảo vệ vững chắc biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Tôi cho rằng, cần tiếp tục tạo điều kiện cho đội ngũ những người làm báo ở khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước được đến với Trường Sa, để những thông tin về nơi đây được chuyển tải kịp thời, chân thực, đầy đủ đến nhân dân cả nước” - nhà báo Sỹ Tuyên nói.
Có thể nói, đằng sau mỗi tác phẩm viết về biển đảo Trường Sa là những hồi ức quý báu, những trải nghiệm tuyệt vời khó quên trong đời người cầm bút… Với tôi, những ngày tác nghiệp ở Trường Sa - nơi đầu sóng ngọn gió của Tổ quốc đã để lại rất nhiều cảm xúc. Đây là dấu ấn không thể quên trong suốt cuộc đời làm báo của tôi cũng như của mỗi nhà báo từng đặt chân đến Trường Sa thân yêu…
Theo https://www.baokhanhhoa.vn/truong-sa-bien-dao-que-huong/202112/nha-bao-voi-truong-sa-8239316/