Kỳ 1: Tình nguyện ra đảo
Những ngày giữa tháng 6, chúng tôi theo tàu Trường Sa 571 ra đảo đón những công chức, viên chức hoàn thành nhiệm vụ trở về đất liền và đưa công chức, viên chức mới thay thế. Phút gặp gỡ của họ thật cảm động. Người về đất liền chúc người ở lại có thêm nghị lực, người ở lại quyết tâm cống hiến sức mình cho Tổ quốc…
|
Đưa hàng hóa vào đảo. |
Cuộc hạnh ngộ trên đảo
Trong ngôi nhà dành riêng cho các thầy giáo trên đảo Song Tử Tây, sáng hôm đoàn công tác đến đông vui hơn mọi ngày. Thầy giáo Nguyễn Hữu Phú và Nguyễn Bá Ngọc - những giáo viên của Trường Tiểu học Song Tử Tây chuẩn bị trở về đất liền vui vẻ đón tiếp những đồng nghiệp vừa tới đảo.
Các thầy không ngớt hàn huyên, chia sẻ về những năm tháng sống chan hòa trong tình thương yêu, đùm bọc của quân và dân trên đảo. Các thầy nhớ mãi những ngày chống bão vất vả; những kỷ niệm của thầy và trò, cùng các học sinh làm đồ dùng học tập, làm lồng đèn đón Trung thu; cùng cán bộ, chiến sĩ và người dân vui Tết thật cảm động… Tất cả đã thành kỷ niệm không phai nhòa trong ký ức của mỗi người. Thầy Ngọc (30 tuổi, quê huyện Khánh Sơn) chia sẻ câu chuyện kết hôn của mình đầy hạnh phúc: “Tôi và vợ (quê tỉnh Bình Định) quen nhau qua giới thiệu của người quen. Trong lần về phép, tôi cùng vợ đến xã đăng ký kết hôn, chờ ngày về sẽ cưới”.
|
Gặp gỡ các giáo viên cũ và mới trên đảo. |
Các thầy mong những đồng nghiệp mới nhanh chóng thích nghi với đời sống trên đảo để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Hai thầy giáo Lê Thanh Chiến (quê TP. Cam Ranh) và Bùi Tiến Anh (quê huyện Khánh Vĩnh) đều là giáo viên trẻ (dưới 30 tuổi), lần đầu đến Trường Sa sốt sắng hỏi thăm về đời sống, về kinh nghiệm giảng dạy cho học trò nơi đảo xa…
Hôm chúng tôi đến đảo Sinh Tồn cũng chứng kiến cuộc hạnh ngộ đầy xúc động giữa những đồng nghiệp cũ và mới. Thầy giáo Phan Quang Tuấn (quê TP. Nha Trang, 55 tuổi) có 36 năm công tác nhưng vẫn tình nguyện ra đảo để cống hiến. Thầy đã quen gian khổ khi từng đi dạy tại các đảo ở Nha Trang, như: Đầm Bấy, Trí Nguyên nên dễ dàng hòa nhập với cuộc sống ở Trường Sa. Còn thầy giáo Phạm Xuân Diệu (sinh năm 1993, quê Nha Trang), người vừa hoàn thành nhiệm vụ, chuẩn bị về đất liền đã chia sẻ với đồng nghiệp mới đến những trải nghiệm của người giáo viên trên đảo… Phút gặp gỡ và chia tay của họ thật cảm động. Người đến, người đi chẳng mấy chốc thân thiết như người nhà. Sau này, nếu gặp lại, họ sẽ tiếp tục có dịp ôn lại những kỷ niệm đáng nhớ về những ngày sống và làm việc ở Trường Sa...
Đi để cống hiến
Trên tàu Trường Sa 571, tôi gặp nhóm công chức, viên chức lần đầu đến Trường Sa, với sự háo hức và nhiệt huyết của tuổi trẻ. Anh Nguyễn Trần Ngọc Hòa (38 tuổi, công chức Văn phòng - Thống kê xã Ninh Thượng, thị xã Ninh Hòa) cho biết: “Tuy chưa lập gia đình nhưng tôi vẫn quyết tâm đi Trường Sa bởi đây là cơ hội để đóng góp sức mình cho Tổ quốc, còn chuyện riêng thì tính sau”. Anh Lê Quang Trung (23 tuổi, ở Nha Trang) tốt nghiệp Trường Đại học Nội vụ Hà Nội, từng làm việc cho một văn phòng thuộc sở tại TP. Hồ Chí Minh. Khi biết tin Khánh Hòa tuyển công chức ra Trường Sa, anh Trung lập tức đăng ký và được chọn. Nói về lý do muốn ra đảo, anh Trung cho biết, từ nhỏ đã ước mơ theo đường binh nghiệp nhưng không thành, nay được ra công tác tại Trường Sa cũng thỏa tâm nguyện.
|
Những công chức, viên chức ra đảo làm nhiệm vụ. Từ trái sang: Nguyễn Trần Ngọc Hòa, Nguyễn Thiên An, Cao Văn Truyền, Lê Quang Trung. |
Anh Nguyễn Thiên An (sinh năm 1991, ở xã Ninh An, Ninh Hòa) là công chức Văn hóa - Xã hội của xã Ninh An, được biên chế về làm việc tại xã Song Tử Tây (huyện Trường Sa). Anh An tham gia xét tuyển công chức đi Trường Sa và trúng tuyển. Anh xung phong ra Trường Sa với mong muốn đóng góp một phần công sức cho sự phát triển của huyện đảo. Anh An chia sẻ: “Công chức Văn hóa - Xã hội trong đất liền quản lý tới 13 mảng công tác nhưng ở Trường Sa thì ít hơn. Tôi nguyện sẽ cố gắng hết sức để hoàn thành tốt bất kỳ nhiệm vụ nào”.
|
Phút lưu luyến lính trẻ. |
Trên chuyến tàu ra Trường Sa, chúng tôi còn gặp những viên chức ngành Y tế. Đứng bên mạn tàu nhìn ra xa, anh Bo Bo Ngọc Tùng (32 tuổi, ở thị trấn Tô Hạp, Khánh Sơn) tâm sự, anh đã có vợ và 2 con. Anh có 2 năm công tác ở Trạm Y tế xã Ba Cụm Nam (Khánh Sơn). Lần này anh được phân công về xã đảo Sinh Tồn. Anh phấn khởi lên đường và động viên gia đình yên tâm để anh ra đảo công tác. Tuổi đời còn rất trẻ (sinh năm 2000), anh Võ Trung Quân (quê phường Ninh Đa, Ninh Hòa) xung phong đi Trường Sa với khát vọng cống hiến tuổi trẻ cho quê hương. Anh Quân vừa tốt nghiệp Trường Cao đẳng Y tế Khánh Hòa, làm việc chỉ vài tháng tại Trung tâm Y tế thị xã Ninh Hòa (cơ sở 2), nhưng tự tin sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ y tế trên đảo. Chia sẻ với phóng viên, anh Quân tiết lộ, hành trang mang ra đảo ngoài tư trang còn có sách, tài liệu ngành y để củng cố thêm kiến thức. Đồng thời, anh cũng nghiên cứu, tìm hiểu nơi công tác mới - đảo Đá Tây - để có thể đảm đương tốt nhiệm vụ trên đảo.
Giây phút chia tay bịn rịn, những công chức, viên chức mới ra Trường Sa đợt này thầm hứa sẽ làm tốt nhiệm vụ được giao để xứng đáng với những người đi trước.
Đồng chí VĂN NGỌC SEN - Phó Giám đốc Sở Nội vụ: Tỉnh giao nhiệm vụ cho sở lập kế hoạch tuyển công chức, viên chức ra công tác tại Trường Sa, giai đoạn 2023 - 2028. Chuyến đưa, đón công chức, viên chức ra đảo lần này đã thành công tốt đẹp. Công chức, viên chức mới sẵn sàng làm nhiệm vụ với tinh thần cao nhất…
Đồng chí HÀ VĂN THÔNG - Trưởng phòng Giáo dục Mầm non - Tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo: Những năm qua, chất lượng giáo dục tại huyện Trường Sa rất tốt. Học sinh lên cấp 2 chuyển vào đất liền học tập có trình độ tương đương với học sinh tại đất liền, đảm bảo chất lượng giáo dục.
VĨNH LẠC
Kỳ 2: Nghĩa tình Trường Sa
Theo https://baokhanhhoa.vn/phong-su/202307/o-noi-dau-song-1e41fe9/