Vùng biển đảo Trường Sa đã từ lâu gắn liền với cuộc mưu sinh của hàng ngàn ngư dân ven biển miền Trung. Sức mạnh thiên nhiên luôn tiềm ẩn rủi ro cho những chuyến tàu, vì vậy, đảo nổi, đảo chìm giữa mênh mông Biển Đông đã trở thành điểm tựa vững chắc cho ngư dân vững tin bám biển Trường Sa.
Như được sinh ra lần thứ hai
Ngồi quây quần bên mâm cỗ ngày cuối năm, ông Lê Văn Tĩnh, nhà ở thôn Tân Hải, xã Long Hải, huyện đảo Phú Quý (tỉnh Bình Thuận) xúc động tâm sự, nếu không có các bộ đội quân y trên đảo Thuyền Chài, huyện đảo Trường Sa thì chắc ông đã không có ngày hôm nay. Rưng rưng nước mắt, ông Tĩnh nhớ lại, sáng sớm 17-7-2018, đang cùng các ngư dân trên tàu cá BTH-97688TS hạ thúng chai từ tàu xuống bất chợt xuất hiện cơn lốc, quật gãy cột trước mũi tàu cá cao 5m, đổ xuống đập thẳng vào người khiến ông bị đa chấn thương nặng ở vùng bụng, chân và cả khớp háng.
|
Khi được đưa lên đảo Thuyền Chài, ông Tĩnh đã rất nguy kịch. Lúc này, do số thuốc trên đảo không đủ, chỉ huy đảo quyết định sử dụng cơ số thuốc dự trữ chiến đấu để cấp cứu, nhờ đó ông Tĩnh có đủ thời gian cầm cự chờ trực thăng của kíp y, bác sĩ Bệnh viện 175 ra ứng cứu. Khi được chuyển đến Khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện 175, tình trạng ông Tĩnh đã quá nguy kịch, chẩn đoán chỉ còn 10% cơ hội sống sót. Nhưng thật kỳ diệu, sau ca mổ khẩn cấp, ngư dân này đã được cứu sống. “Sau gần nửa năm điều trị, tôi đã có thể tiếp tục cùng bạn thuyền ra ngư trường Trường Sa đánh bắt thủy sản. Chính các anh trên đảo Thuyền Chài và các y, bác sĩ Bệnh viện 175 đã cho tôi cuộc đời thứ 2”, ông Tĩnh tâm sự.
Trong hồ sơ lưu tại Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân, không chỉ có ngư dân Tĩnh mà còn có hàng ngàn người quê từ các tỉnh ven biển Nam Trung bộ như: Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu đã được cứu sống do tai nạn trên biển hoặc đối đầu với sóng to, bão lớn. Chẳng hạn như 34 ngư dân trên tàu cá số hiệu QNg-91739TS của tỉnh Quảng Ngãi bị bão Damrey năm 2017 nhấn chìm ở vùng biển gần đảo Song Tử Tây. Nhận được tin khẩn, bộ đội trên đảo chỉ có thể dùng thuyền thúng ra cứu vớt những ngư dân bị chìm tàu. Trong đó, có 32 người may mắn được cứu sống, còn 2 ngư dân xấu số đã không thể trở về đoàn tụ với gia đình. Trong thư cảm ơn quân và dân xã đảo Song Tử Tây, ngư dân được cứu sống là anh Phạm Bảo Ngoan, quê Quảng Ngãi viết: “Trên con tàu bị sóng lớn nhấn chìm, anh em chúng tôi không nghĩ mình còn cơ hội gặp lại gia đình. Vậy mà trong thời khắc tuyệt vọng ấy, các anh đã xuất hiện. Cảm giác của chúng tôi khi được đưa lên đảo lúc ấy như lần thứ hai được sinh ra vậy. Đó thực sự là một phép màu. Cảm ơn các anh!” Hiện nay, bức thư của ngư dân này được lưu giữ tại Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân.
Mệnh lệnh đến từ trái tim
5 năm qua, các cơ quan, đơn vị của Vùng 4 Hải quân đã tiến hành cứu hộ cứu nạn 417 vụ; cấp cứu gần 600 ngư dân, cứu kéo 127 tàu thuyền bị hỏng máy trôi, mắc cạn, chìm trên biển. |
Chuẩn Đô đốc Nguyễn Đức Vượng - Chính ủy Vùng 4 Hải Quân cho biết, những năm gần đây, tàu cá của ngư dân khai thác hải sản trên vùng biển Trường Sa ngày càng tăng. Trong khi đó, trang bị tàu cá của ngư dân còn nhiều hạn chế, vì vậy nguy cơ xảy ra tai nạn trên biển rất cao. Tàu cá của ngư dân ra Trường Sa càng nhiều, đồng nghĩa với công tác tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trên biển của Vùng 4 luôn là nhiệm vụ chiến đấu, đồng thời là mệnh lệnh từ trái tim của người lính.
Trong những năm qua, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân đã quán triệt tốt tư tưởng chỉ đạo với phương châm 4 tại chỗ, xây dựng kế hoạch phòng chống, giảm nhẹ thiên tai, tìm kiếm cứu nạn sát với thực lực và khả năng đơn vị; tổ chức huấn luyện, luyện tập theo các phương án sát với thực tế để nâng cao trình độ chỉ huy, khả năng hiệp đồng với các lực lượng. Bên cạnh đó, Vùng 4 Hải quân còn phối hợp hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng vũ trang, ngành chức năng các tỉnh ven biển miền Trung tuyên truyền, hướng dẫn cho tàu thuyền hoạt động trên biển chủ động đến khu vực trú, tránh khi có diễn biến thời tiết xấu; duy trì các lực lượng, phương tiện luôn thường trực sẵn sàng tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, ứng cứu giúp đỡ nhân dân.
“Khi phát hiện hoặc nhận được thông tin có tàu thuyền gặp nạn, chúng tôi nhanh chóng thông báo cho lực lượng gần nhất, đồng thời báo khẩn cấp cho các lực lượng liên quan biết chính xác vị trí tọa độ, số hiệu tàu để tổ chức phối hợp cứu nạn. Cán bộ, chiến sĩ Vùng 4 Hải quân luôn xác định giúp đỡ ngư dân như giúp người thân của chính mình”, Chuẩn Đô đốc Nguyễn Đức Vượng nói.
Theo Báo Khánh Hòa