Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Phiên toàn thể Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 34. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Nhân dịp tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 34 tại Bangkok (Thái Lan) trong hai ngày 22-23/6, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trả lời phỏng vấn báo The Nation (Thái Lan). Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn:
Phóng viên: Xin Thủ tướng cho biết thông điệp của Việt Nam tại Hội nghị lần này?
Thủ tướng: Trước hết, chúng tôi hoan nghênh nỗ lực của Thái Lan, nước Chủ tịch ASEAN 2019 thúc đẩy hợp tác trên tinh thần Chủ đề của năm 2019 về “Tăng cường đối tác vì sự bền vững”, hướng đến Cộng đồng ASEAN phát triển vững mạnh trên cả 3 trụ cột, hướng đến người dân và lấy người dân làm trung tâm. Việt Nam ủng hộ và sẽ tích cực tham gia triển khai các sáng kiến của Thái Lan, trong đó có tăng cường phúc lợi xã hội cho người già; thúc đẩy tương hỗ giữa Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 với Chương trình nghị sự phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc 2030, chống rác thải biển, chống buôn bán động vật hoang dã…
Trong bối cảnh môi trường khu vực và quốc tế diễn biến phức tạp, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, Việt Nam mong muốn cùng các nước thành viên xây dựng một ASEAN vững mạnh, đóng vai trò trung tâm ở khu vực, có năng lực tự cường, vững vàng trước mọi sóng gió. Để làm được điều đó, ASEAN càng cần tăng cường đoàn kết, thống nhất, chân thành, thẳng thắn, cùng nhau xác định lập trường chung trong ứng phó với các vấn đề ở khu vực và thế giới.
Chúng tôi cũng muốn khẳng định khi đảm nhiệm vai trò Chủ tịch vào năm 2020, Việt Nam sẽ kế thừa và phát huy các kết quả ASEAN đã đạt được trong những năm qua, tiếp tục đóng góp thực hiện thành công Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, vì một ASEAN đoàn kết, vững mạnh, liên kết chặt chẽ, có vai trò, vị thế ở khu vực và quốc tế.
Phóng viên: Quan điểm của Việt Nam đối với các vấn đề an ninh khu vực, trong đó có Biển Đông là gì thưa Thủ tướng?
Thủ tướng: Việc duy trì môi trường hoà bình, an ninh, ổn định ở khu vực là điều kiện tiên quyết cho sự phát triển bền vững, thịnh vượng của các quốc gia. Trong khi đó, chúng ta đều thấy các thách thức an ninh cả truyền thống và phi truyền thống đang nổi lên gay gắt, còn nhiều điểm nóng đe doạ nghiêm trọng hoà bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới, khiến chúng ta hết sức lo ngại.
Quan điểm của Việt Nam là các vấn đề an ninh phải được xử lý thỏa đáng bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, không để leo thang thành điểm nóng xung đột và đe dọa hòa bình, ổn định và thịnh vượng chung của khu vực. Thời gian qua, ASEAN đã có những nỗ lực đóng góp giải quyết các vấn đề an ninh ở khu vực, trong đó có các vấn đề Biển Đông, bang Rakhine, Mianma, phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, chống khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia… Việt Nam đã và sẽ tiếp tục đóng góp tích cực vào các nỗ lực chung này.
Riêng về vấn đề Biển Đông, thời gian qua đã có những tiến triển tích cực ban đầu trong đàm phán xây dựng Bộ quy tắc COC giữa ASEAN và Trung Quốc. Tuy nhiên, tình hình trên thực địa vẫn còn phức tạp. Những hoạt động đơn phương trái pháp luật, bồi đắp đất thay đổi nguyên trạng, quân sự hóa, va chạm gây nguy hiểm cho ngư dân… thực sự đáng quan ngại, gây xói mòn lòng tin, không có lợi cho nỗ lực đối thoại và duy trì hòa bình ổn định ở khu vực. Trong tình hình đó, ASEAN cần kiên định lập trường nguyên tắc về Biển Đông, theo đó các bên cần kiềm chế, không có hành động làm phức tạp tình hình, không quân sự hoá, giải quyết hoà bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982), thực hiện nghiêm chỉnh, đầy đủ Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), nỗ lực xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu lực, hiệu quả, phù hợp pháp luật quốc tế và được cộng đồng quốc tế ủng hộ.
Phóng viên: Xin cho biết nhận định của Việt Nam về khả năng Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) được thông qua trong năm nay?
Thủ tướng: Trong bối cảnh căng thẳng thương mại và chủ nghĩa bảo hộ gia tăng mạnh mẽ, cùng với việc Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương CPTPP (liên quan đến 4 nước ASEAN) được triển khai từ đầu năm 2019, việc thúc đẩy đàm phán RCEP sẽ có ý nghĩa hết sức quan trọng, tạo động lực mới thúc đẩy liên kết kinh tế đa phương dựa trên luật lệ và tự do hoá thương mại tại châu Á – Thái Bình Dương, qua đó góp phần duy trì vai trò của châu Á – Thái Bình Dương là động lực của tăng trưởng và liên kết kinh tế toàn cầu.
Tại Hội nghị cấp cao RCEP lần thứ 2 tổ chức tại Singapore tháng 11/2018, tôi cùng các nhà lãnh đạo RCEP đã khẳng định quyết tâm kết thúc đàm phán Hiệp định RCEP vào năm 2019. Hiện nay các nước thành viên đang nỗ lực cùng nhau thúc đẩy những vấn đề còn tồn đọng cuối cùng, phấn đấu kết thúc đàm phán vào cuối năm nay.
Vào tháng 10 tới đây, Việt Nam sẽ chủ trì tổ chức phiên đàm phán Hiệp định RCEP lần thứ 28, dự kiến cũng là phiên đàm phán cuối cùng trong năm nay trước khi diễn ra Hội nghị cấp cao RCEP lần thứ ba tại Bangkok, Thái Lan vào tháng 11/2019. Việt Nam mong muốn các nước trên tinh thần mở rộng hợp tác, bảo đảm công bằng và vì lợi ích chung sẽ sớm đạt thỏa hiệp để hoàn thành RCEP như cam kết.
Phóng viên: Xin cho biết triển vọng và phương hướng phát triển quan hệ Việt Nam – Thái Lan; hai nước có thể làm gì để thúc đẩy quan hệ hợp tác cùng có lợi.
Thủ tướng: Tôi vui mừng nhận thấy quan hệ Việt Nam và Thái Lan trong thời gian qua không ngừng phát triển, đặc biệt từ khi hai nước thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược năm 2013. Chúng tôi chia vui với nhân dân Thái Lan về thành công của cuộc tổng tuyển cử vửa qua. Sự tiếp nối ổn định của Chính phủ Thái Lan là điều kiện thuận lợi để duy trì đà phát triển quan hệ hai nước trong thời gian tới, đặc biệt trên bốn phương diện chính sau:
Một là, hai nước còn nhiều tiềm năng và dư địa để tiếp tục tăng cường hợp tác thương mại, đầu tư. Hiện nay Thái Lan là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong ASEAN (1). Hướng tới mục tiêu kim ngạch thương mại hai chiều đạt 20 tỷ USD vào năm 2020, hai bên cần tạo điều kiện hơn nữa cho thương mại hàng hóa và dịch vụ, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp Thái Lan đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam.
Hai là, Việt Nam và Thái Lan cần phát huy tối đa các điểm tương đồng về văn hóa, tôn giáo, địa - kinh tế để đẩy mạnh phối hợp chiến lược phát triển quốc gia phù hợp với ưu tiên của mỗi nước; tăng cường liên kết sâu rộng tại tiểu vùng Mê Công và tận dụng các khuôn khổ hợp tác sẵn có; thúc đẩy kết nối cơ sở hạ tầng cũng như kết nối phần mềm theo kịp bước tiến của Cách mạng Công nghiệp 4.0.
Ba là, hai nước cần đưa hợp tác văn hóa, thể thao, du lịch, và giao lưu nhân dân trở thành trụ cột quan trọng của hợp tác song phương.
Bốn là, hai nước tiếp tục ủng hộ lẫn nhau và phối hợp chặt chẽ trong các khuôn khổ đa phương, đặc biệt là ASEAN. Việc Thái Lan đảm nhiệm cương vị Chủ tịch ASEAN 2019 sẽ là cơ sở để phối hợp triển khai các mục tiêu năm ASEAN 2020 do Việt Nam làm Chủ tịch, hướng tới xây dựng Cộng đồng ASEAN vững mạnh, gắn kết và thích ứng.
Nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác theo các hướng như trên, theo tôi trước mắt hai bên cần tập trung một số công việc cụ thể như: (i) sớm hoàn tất xây dựng Chương trình Hành động triển khai quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam – Thái Lan giai đoạn 2019 – 2024; (ii) tăng cường trao đổi đoàn, đặc biệt là đoàn cấp cao; (iii) triển khai hiệu quả Bản Ghi nhớ về hợp tác lao động và Thỏa thuận về Phái cử và Tiếp nhận lao động giữa hai nước (ký 2015); (iv) phối hợp chính sách hợp tác tiểu vùng Mê Công để kết nối khu vực Đông Nam Á lục địa với toàn bộ khu vực Đông Nam Á và thế giới cả về đường bộ, đường thủy, và đường không; (v) phối hợp đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế vì lợi ích chung của hai nước và khu vực; (vi) đẩy mạnh hợp tác văn hóa, thể thao, du lịch và giao lưu nhân dân.
Tôi tin tưởng rằng với sự nỗ lực và quyết tâm của lãnh đạo và nhân dân hai nước, quan hệ Đối tác Chiến lược giữa Việt Nam và Thái Lan sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ, góp phần xây dựng cộng đồng ASEAN đoàn kết, vững mạnh, đóng góp tích cực vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực và thế giới./.
Theo Dangcongsan.vn