Sáng 9-7, các đại biểu HĐND tỉnh Khánh Hòa đã dành nhiều thời gian thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh 6 tháng đầu năm 2019. Trong đó, các đại biểu đã bày tỏ mối lo ngại, băn khoăn về việc quy hoạch, cấp phép các dự án trên núi ở Nha Trang; phá vỡ quy hoạch nuôi trồng thủy sản; tình trạng ách tắc giao thông chưa được giải quyết…
Thu hút đầu tư đạt thấp
Theo báo cáo của UBND tỉnh, 6 tháng đầu năm, kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục phát triển ổn định. Tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2018; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,3%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng ước đạt hơn 51.500 tỷ đồng, tăng 12,1%; doanh thu du lịch ước được 11.777 tỷ đồng, tăng 19,5%; thu nội địa ước được 7.721 tỷ đồng, bằng 49,3% dự toán năm 2019. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách và tổng vốn đầu tư đăng ký thành lập doanh nghiệp đều thấp hơn so với cùng kỳ 2018; thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công đạt thấp.
Dự án xây dựng trên núi Cô Tiên.
Phát biểu tại kỳ họp, đại biểu Nguyễn Ngô - Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách (HĐND tỉnh) bày tỏ sự quan ngại khi tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP của tỉnh (6,5%) thấp hơn của cả nước (6,71%). Theo đại biểu này, kinh tế của tỉnh đang và sẽ gặp nhiều khó khăn trong thời gian đến. Một trong những nguyên nhân dẫn đến điều này là do thu hút đầu tư của tỉnh thời gian qua còn quá thấp. Đáng chú ý, Dự án nhiệt điện Sumimoto hơn 10 năm chưa triển khai, Khu công nghiệp Suối Dầu triển khai 20 năm vẫn còn 10% diện tích đất chưa lấp đầy; Khu công nghiệp Ninh Thủy 10 năm chưa xong công tác giải phóng mặt bằng; các khu công nghiệp ở Vạn Ninh, Cam Ranh mới thể hiện trong quy hoạch; các dự án điện mặt trời chậm triển khai.
Nhiều băn khoăn về dự án trên núi
Đặc biệt, các đại biểu bày tỏ sự lo ngại về công tác quy hoạch, cấp phép dự án trên núi ở địa bàn Nha Trang. Theo các đại biểu, núi Cô Tiên có tổng diện tích 1.480ha, nhưng có đến gần 20 dự án được thỏa thuận địa điểm hoặc được cấp giấy chứng nhận đầu tư. Phần lớn các dự án có mục tiêu làm nhà ở, phân lô bán nền; trong đó có những dự án quy mô chỉ 2 đến 3ha nhưng vẫn được cấp phép. Hiện nay, một số chủ đầu tư đang san ủi bạt núi, chặt cây làm dự án… “Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 chưa được phê duyệt, hệ thống hạ tầng kỹ thuật chưa có nhưng đã phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 từng dự án; diện tích cây xanh giảm xuống, nguy cơ sạt lở cao… thì hướng xử lý như thế nào?”, đại biểu Nguyễn Ngô đặt vấn đề. Liên quan đến núi Cô Tiên, đại biểu Nguyễn Lê Đình Trị cho biết, qua rà soát ở khu vực này có rất nhiều dự án không phù hợp với quy hoạch, hoặc diện tích đất phù hợp quy hoạch nhỏ hơn diện tích đất của dự án được cấp…
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng lo ngại khi UBND tỉnh có chủ trương quy hoạch, triển khai các dự án ở núi Cù Hin. Theo đại biểu Nguyễn Ngô, năm 2018, UBND tỉnh đã đồng ý chủ trương lập quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 khu vực núi Cù Hin, trong đó có 3.000ha rừng đặc dụng. Tuy nhiên, theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ và mới đây là chỉ thị của Ban Bí thư và Nghị quyết 71 ngày 8-8-2017 của Chính phủ có quy định: không chuyển diện tích rừng tự nhiên hiện có sang mục đích khác, đặc biệt là đất rừng đặc dụng và rừng phòng hộ. “Đề xuất của UBND tỉnh có trái quy định các văn bản nêu trên hay không? Có nhất thiết phải đánh đổi diện tích xanh, nền địa chất ổn định ở đây để phát triển du lịch hay không, trong khi tỉnh vẫn còn những khu vực khác có thể phát triển”, đại biểu Nguyễn Ngô đặt câu hỏi.
Khó triển khai quy hoạch nuôi trồng thủy sản ở vịnh Cam Ranh
Tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Minh Lý phản ánh, theo Quy hoạch nuôi trồng thủy sản đến năm 2025 và định hướng đến năm 2035, khu vực vịnh Cam Ranh sẽ có 34.000 lồng nuôi thủy sản; trong đó Bình Ba 8.000 lồng, Bình Hưng 1.000 lồng, Cam Lập 25.000 lồng. Tuy nhiên, hiện nay trong khu vực vịnh Cam Ranh đã có 50.000 lồng nuôi trồng thủy sản, vượt 47% so với quy hoạch; người dân triển khai nuôi trồng nhiều khu vực nằm ngoài quy hoạch. 6 tháng đầu năm, trên địa bàn Cam Ranh đã xuất hiện tình trạng tôm hùm chết rải rác do môi trường nước bị ô nhiễm (nuôi tự phát, số lượng dày đặc). Hiện nay, việc triển khai thực hiện quy hoạch đang gặp khó khăn do thiếu kinh phí để thực hiện công tác cắm mốc, thả phao định vị chi tiết vùng quy hoạch và tư vấn đối tượng nuôi phù hợp (dự kiến hơn 15,8 tỷ đồng). Đại biểu Nguyễn Thị Minh Lý kiến nghị UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí để triển khai công tác cắm mốc…; cho ý kiến về chủ trương hỗ trợ một phần kinh phí thực hiện di dời lồng bè nuôi trồng thủy sản đến vị trí quy hoạch. Đồng thời, đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm rà soát, điều chỉnh phần diện tích quy hoạch vùng nuôi bị chồng lấn với vùng mặt nước do Vùng 4 Hải quân quản lý và chồng lấn vào khu neo đậu tàu và luồng hàng hải do Cảng vụ Hàng hải Nha Trang quản lý.
Lo ngại tai nạn giao thông tăng cao
Cũng tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu quan tâm tình trạng tai nạn giao thông tăng cao trên địa bàn tỉnh. Đại biểu Nguyễn Lê Đình Trị bày tỏ, cần làm rõ thêm nguyên nhân dẫn đến việc tai nạn giao thông trên địa bàn tăng cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết và số người bị thương) để có biện pháp giảm thiểu tai nạn. Đại biểu này cho rằng, trên đường phố hiện nay có quá nhiều bảng biển, cần phải dẹp bỏ bớt các bảng biển này bởi nó gây mất chú ý, hạn chế tầm nhìn của người đi đường. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng và địa phương cần tuyên truyền, xử lý nghiêm tình trạng vi phạm luật giao thông để hạn chế tai nạn.
Bên cạnh đó, nhiều đại biểu phản ánh tình trạng ùn tắc giao thông ở nhiều tuyến đường nội thành Nha Trang; xe đậu đỗ tràn lan nhưng không thấy lực lượng chức năng xử lý; nhiều đèn tín hiệu giao thông bị hư hỏng, gây khó khăn và nguy hiểm cho người đi đường. Đại biểu - Hòa thượng Thích Nguyên Quang kiến nghị ngành Giao thông nên sớm xây dựng các bãi đỗ xe ở các cửa ngõ vào TP. Nha Trang để hướng phương án cấm xe khách 45 chỗ vào nội thành, giảm ùn tắc giao thông.
Phát biểu tại cuộc họp, ông Nguyễn Tấn Tuân chia sẻ với những lo lắng, băn khoăn của các đại biểu về tốc độ tăng trưởng kinh tế, thu hút đầu tư thấp, công tác quy hoạch và quản lý xây dựng, phát triển du lịch… còn nhiều bất cập. Ông đề nghị lãnh đạo và các thành viên UBND tỉnh tiếp thu ý kiến của các đại biểu và giải trình trong phiên chất vấn sáng 10-7.
Theo Báo Khánh Hòa