Sáng 4-2, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cùng Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa Lê Hữu Hoàng đồng chủ trì Hội nghị định hướng phát triển kinh tế nông nghiệp vùng duyên hải Nam Trung Bộ. Tham dự hội nghị có đồng chí Đinh Văn Thiệu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa; lãnh đạo các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận.
|
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Lê Hữu Hoàng nhấn mạnh: Thực hiện các Nghị quyết của Trung ương về phát triển tỉnh Khánh Hòa, địa phương đang tập trung kêu gọi đầu tư; triển khai xây dựng Khánh Hòa trở thành trung tâm dịch vụ, du lịch biển quốc tế; là một cực tăng trưởng, trung tâm của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và cả nước về kinh tế biển, công nghiệp công nghệ cao, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực và chăm sóc sức khỏe chất lượng cao. Riêng lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, tỉnh đang xây dựng để thực hiện đồng bộ và có hiệu quả Đề án thí điểm phát triển nuôi biển công nghệ cao tại Khánh Hòa; đẩy mạnh tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng liên kết theo chuỗi, nâng cao giá trị gia tăng gắn với xây dựng nông thôn mới; đầu tư nông nghiệp công nghệ cao, xây dựng thương hiệu nông sản. Địa phương cũng triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các chính sách của Trung ương, rà soát, ban hành các chính sách đặc thù của tỉnh để tạo điều kiện cho nông dân, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa cũng mong muốn, các tỉnh trong vùng duyên hải Nam Trung Bộ liên kết, hợp tác, khai thác các thế mạnh của mình để cùng nhau phát triển nông nghiệp bền vững.
|
Tại Khánh Hòa, ngành nông nghiệp chiếm tỷ trọng trong cơ cấu ngành kinh tế năm 2022 là 12,91% trong cơ cấu tổng sản phẩm của tỉnh, tăng 2,5% so với năm 2021. Trên địa bàn tỉnh có 69.633 ha cây trồng hàng năm; đàn trâu có 3.215 con; đàn bò có 58.863 con; đàn lợn có 322.380 con, đàn gia cầm có 2,69 triệu con; tổng sản lượng thủy sản khai thác và nuôi trồng đạt 115 nghìn tấn, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 760 triệu USD; tỷ lệ che phủ rừng đạt 46,15%; số xã đạt chuẩn nông thôn mới đến hết năm 2022 là 64/92 xã; tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh 99,7%... Để phát triển kinh tế nông nghiệp, tỉnh đã chú trọng đầu tư trung tâm nghề cá lớn Khánh Hòa; nâng cấp cảng cá và khu neo đậu, tránh và trú bão cho tàu cá; đầu tư vùng sản xuất và kiểm định tôm giống tập trung Ninh Vân; tập trung phát triển nuôi biển công nghệ cao. Bên cạnh đó, tỉnh chú trọng chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, liên kết xây dựng vùng chuyên canh, sản xuất nông sản hàng hoá tập trung; tập trung nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới…
UBND tỉnh kiến nghị Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quan tâm, hỗ trợ tỉnh trong phát triển nuôi biển công nghệ cao như: Sớm trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 67 năm 2014 về một số chính sách phát triển thuỷ sản trong đó có chính sách để hỗ trợ phát triển nuôi trồng thuỷ sản, trong đó có nuôi trồng thuỷ sản tại các vùng biển mở; hỗ trợ tỉnh trong việc hoàn thiện, trình Chính phủ phê duyệt “Đề án thí điểm phát triển nuôi biển công nghệ cao tại Khánh Hoà” để làm căn cứ triển khai thực hiện; chỉ đạo các đơn vị trực thuộc xây dựng, ban hành các tiêu chuẩn và quy chuẩn trại nuôi, vật liệu an toàn… để làm cơ sở phục vụ cho phát triển nuôi biển công nghiệp; quan tâm, ưu tiên bố trí nguồn vốn sớm thực hiện các chương trình, dự án, hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ nuôi biển và giống thuỷ sản. Đối với đầu tư xây dựng hạ tầng nông nghiệp, địa phương kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, sớm triển khai thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng hồ chứa nước Đồng Điền (huyện Vạn Ninh) trong giai đoạn 2021-2025, hoàn thành đưa công trình vào vận hành khai thác sử dụng trước năm 2027 để kịp thời đáp ứng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội khu kinh tế Vân Phong, góp phần đưa tỉnh Khánh Hòa phát triển theo đúng mục tiêu Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Cũng tại hội nghị, lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh vùng duyên hải Nam Trung Bộ đã phân tích, các thế mạnh về phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn của địa phương mình; chia sẻ kinh nghiệm, những khó khăn, thách thức; các chính sách thu hút, tạo liên kết vùng để cùng nhau phát triển kinh tế nông nghiệp một cách bền vững.
|
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Lê Minh Hoan gợi mở: Trong điều kiện không còn không gian phát triển mới, các địa phương trong vùng duyên hải Nam Trung Bộ phải đổi mới tư duy để phát triển kinh tế nông nghiệp và phải xác định cho được thay đổi từ đâu, từ ai và từ khi nào. Bên cạnh liên kết để cùng phát triển, các địa phương cũng phải nghiên cứu ứng dụng tư duy tích hợp trong xây dựng và thực hiện các định hướng phát triển kinh tế nông nghiệp, đảm bảo tạo giá trị gia tăng trên cùng một sản phẩm, một đơn vị diện tích; cùng với đó là việc xây dựng thương hiệu, câu chuyện thương hiệu cho từng sản phẩm thế mạnh của từng địa phương. Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh: Phải có tư duy sáng tạo thì mới có thể nâng cao giá trị gia tăng cho từng sản phẩm nông nghiệp…
. Chiều cùng ngày, Bộ trưởng Lê Minh Hoa cùng đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đi khảo sát thực tế tại một số cơ sở nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh. Cùng đi có các đồng chí: Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa; Đinh Văn Thiệu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cũng lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh.
|
Theo đó, đoàn đã đến thăm Công ty Cổ phần Rong biển D&T Khánh Hòa; tham quan cơ sở sản xuất; nghe giới thiệu về các dòng sản phẩm của doanh nghiệp. Được biết, năm 2022, công ty đã cán mốc doanh thu 60 tỷ đồng/năm, giải quyết công ăn việc làm ổn định cho gần 140 lao động địa phương với mức lương trung bình từ 6 – 10 triệu đồng/người/tháng; giúp chuyển đổi cơ cấu vật nuôi từ ốc hương sang rong nho biển, mang lại thu nhập ổn định 30 triệu đồng/tháng/ao nuôi 5.000 m2 cho hơn 70 hộ dân.
|
Trong thời gian tới, công ty sẽ tiếp tục đầu tư vào công tác nghiên cứu cải tiến sản phẩm hiện có và phát triển thêm các sản phẩm mới nhằm nâng cao giá trị gia tăng của các loại rong biển tại Việt Nam, hướng đến xuất khẩu ra thị trường nước ngoài. Bên cạnh đó, công ty sẽ đưa vào hoạt động nhà máy chế biến mới với quy mô 3ha, nâng cấp về máy móc thiết bị và công nghệ sản xuất rong biển theo hướng hiện đại; áp dụng mạnh mẽ công nghệ 4.0 vào công tác quản lý sản xuất và quản lý bán hàng…
|
Tại Công ty TNHH Thủy sản Australis Việt Nam, đoàn đã tham quan các khu vực nuôi cá trên vịnh Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa), nghe giới thiệu về hệ thống cho cá ăn tự động tại các khu vực nuôi... Tập đoàn Australis có trụ sở chính tại Hoa Kỳ và các công ty con đang hoạt động tại tỉnh Khánh Hòa từ năm 2016, với 100% vốn FDI của Hoa Kỳ. Trụ sở đặt tại phường Ninh Hải, TX Ninh Hòa và các khu vực mặt biển để nuôi cá chẽm tại vịnh Vân Phong - huyện Vạn Ninh theo công nghệ tiên tiến bậc nhất thế giới, theo quy trình khép kín từ con giống - nuôi thương phẩm - chế biến - xuất khẩu.
|
Trong giai đoạn 2022-2032, công ty đang có kế hoạch tăng tổng vốn đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh với hơn 1 tỷ USD, để đẩy mạnh nuôi trồng tại vịnh Vân Phong các khu vực biển trong tỉnh đạt tổng sản lượng 40.000 tấn từ năm 2032; xây dựng nhà máy chế biến; kết hợp nuôi biển với phát triển du lịch; hợp tác thành lập trung tâm đào tạo về nuôi biển công nghệ cao…
Theo https://www.baokhanhhoa.vn/chinh-tri/202302/bo-nong-nghiep-va-phat-trien-nong-thon-dinh-huong-phat-trien-kinh-te-nong-nghiep-vung-duyen-hai-nam-trung-bo-8275820/