Nhờ tăng cường tuần tra, kiểm soát nên tình hình khai thác, vận chuyển, mua bán khoáng sản trái phép trên địa bàn huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) đã tạm lắng. Tuy nhiên, để quản lý tốt hơn, huyện đề nghị tỉnh nên cấp phép khai thác khoáng sản.
Tình hình tạm lắng
Ông Võ Tấn Thái - Giám đốc Sở TN-MT:Hiện nay, sở mới nhận được văn bản kiến nghị của UBND huyện Cam Lâm về việc xin cấp phép khai thác khoáng sản. Tuy nhiên, theo Chỉ thị số 10 của Tỉnh ủy chỉ đạo trong năm 2018, tạm ngưng cấp phép mới các hoạt động khai thác cát, sỏi, đất đá làm vật liệu xây dựng thông thường. Về vấn đề này, sở sẽ tổng hợp kiến nghị của các địa phương, trình UBND tỉnh xem xét, quyết định.
|
Từ cuối năm 2018 và đầu năm 2019, huyện Cam Lâm đã tăng cường chỉ đạo các lực lượng tuần tra, kiểm soát, truy quét các đối tượng khai thác trái phép cát, đất làm vật liệu xây dựng, san lấp nên tình hình đã tạm lắng dịu.
Tại xã Cam Hiệp Bắc, trước tháng 2-2019 tình hình khai thác cát, đất, đá trái phép nổi lên như một “điểm nóng”, thách thức công tác quản lý của chính quyền địa phương. Theo ông Huỳnh Tấn Thành - Phó Chủ tịch UBND xã Cam Hiệp Bắc, khu vực Hố Mây, cầu Suối Sâu là những nơi các đối tượng thường xuyên đưa phương tiện cơ giới vào khai thác. Bởi đây là khu vực đồi núi, nhiều cát, đất san lấp. Mặt khác, tuyến đường lên Hố Mây đã được bê tông hóa nên các đối tượng khai thác trái phép cát, đất, đá vận chuyển thuận tiện sang Bãi Dài để phục vụ cho việc xây dựng, san lấp đang diễn ra sôi động tại đây. Ngoài ra, việc khai thác còn cung cấp cho nhu cầu san lấp trên địa bàn xã và các xã lân cận. Xã đã phối hợp với các lực lượng, đặc biệt là công an huyện tiến hành kiểm tra, truy quét nên 3 - 4 tháng nay tình hình đã tạm yên. “Nếu không cấp phép, giao cho doanh nghiệp quản lý thì công tác tuần tra, truy quét sẽ tiếp tục khó khăn. Xã không có lực lượng, kinh phí nên rất vất vả đối phó với nạn khai thác khoáng sản trái phép”, ông Thành chia sẻ.
|
Tại xã Cam Phước Tây, tình hình khai thác cát, đất cũng tạm yên sau khi công an huyện phối hợp địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý. Ông Nguyễn Thanh - cán bộ Địa chính xã Cam Phước Tây cho hay, trên địa bàn trước đây có các bãi vật liệu D, E (xây dựng hồ Tà Rục), là nơi cát tích tụ sau mỗi mùa mưa lũ nên cũng là nơi diễn ra việc khai thác cát trái phép. Tuy việc khai thác lén lút, nhỏ lẻ nhưng âm ỉ khiến công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản gặp nhiều khó khăn. Xã đã phối hợp công an huyện kiểm tra, xử lý, phạt 1 trường hợp là ông Nguyễn Mạnh Hùng (thôn Tân Lập) 17 triệu đồng (trước đó xã đã phạt ông này 1 triệu đồng) nên tình hình đã tạm lắng.
Tại xã Cam Tân, tình hình khai thác khoáng sản trái phép cũng dần ổn định. Ông Nguyễn Võ Luân - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, dọc sông Trường qua địa bàn là nơi có nhiều cát, tích lũy qua mùa mưa nên các đối tượng thường lén lút hút cát. Ngoài ra, Công ty TNHH Đầu tư và dịch vụ Cát Khánh vận chuyển cát, để nước bẩn chảy xuống gây ô nhiễm, làm hỏng đường, tài xế chạy với tốc độ nhanh gây nguy hiểm trong khu dân cư và bãi tập kết cát gần chợ gây bức xúc. Trước tình hình đó, địa phương đã phối hợp các lực lượng tăng cường kiểm tra, xử lý, phạt 1 trường hợp 1,5 triệu đồng, tịch thu máy bơm.
Kiến nghị cấp phép khai thác
Theo lãnh đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) Cam Lâm, trước tình hình khai thác khoáng sản trái phép diễn ra nhiều nơi, huyện đã chỉ đạo Phòng TN-MT phối hợp cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý hoạt động khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép trên địa bàn. Cụ thể, đã xử lý 2 trường hợp bơm hút cát trái phép tại Suối Sâu, xã Cam Hiệp Bắc; 1 trường hợp khai thác cát trái phép tại Khu tái định cư 3-2, xã Cam Phước Tây; 1 trường hợp hút cát trái phép trên sông Trường, xã Cam Tân. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng phối hợp các xã, thị trấn kiểm tra, xử lý một số cơ sở kinh doanh, tập kết khoáng sản trên địa bàn như: Công ty TNHH Nguyên Nga (Cam Thành Bắc), Công ty TNHH Đầu tư và dịch vụ Cát Khánh (Cam Tân). Ngoài ra, huyện đã chỉ đạo các cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra đột xuất, xử lý nghiêm các trường hợp khai thác, vận chuyển, mua bán khoáng sản trái phép, phát hiện và xử lý 11 trường hợp, xử phạt 32 triệu đồng (6 tháng 2019).
Theo ông Mai Như Chi - Trưởng phòng TN-MT Cam Lâm, hiện nay, nhu cầu về đất san lấp tại Cam Lâm rất lớn, nhưng chỉ có 2 đơn vị được phép khai thác là Công ty Hằng Hải và Công ty TNHH Đầu tư và dịch vụ Cát Khánh. Trong khi đó, Công ty Hằng Hải hoạt động chính trong lĩnh vực sản xuất đá làm vật liệu xây dựng thông thường, Công ty TNHH Đầu tư và dịch vụ Cát Khánh chủ yếu nạo vét lòng hồ, thu hồi cát, đất san lấp và đến tháng 11-2019 là hết hạn. Do đó, việc đáp ứng vật liệu là không đủ và không kịp thời, dẫn tới một số đối tượng cố ý khai thác trái phép bằng nhiều hình thức, phương pháp và thời điểm khác nhau. Vấn đề này không những ảnh hưởng đến chất lượng thi công công trình mà còn làm thất thoát ngân sách nhà nước, tạo bức xúc và dư luận không tốt đối với việc cấp phép, quản lý, khai thác và sử dụng khoáng sản. Trước tình hình đó, UBND huyện Cam Lâm đã kiến nghị tỉnh cho chủ trương cấp phép khai thác khoáng sản hoặc văn bản cho phép tạm thời để huyện hướng dẫn các tổ chức, cá nhân lập hồ sơ xin phép theo quy định nhằm đưa hoạt động quản lý, khai thác, sử dụng khoáng sản vào nề nếp.
Theo Báo Khánh Hòa