• Tốc độ tăng GRDP của Khánh Hòa đứng thứ 4 cả nước
Ngày 5-1, Chính phủ tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Chính phủ và chính quyền địa phương theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Ủy viên Bộ chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng các Ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng; Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai và các Phó Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị. Dự hội nghị còn có các Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Trung ương Đảng cùng lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và lãnh đạo các địa phương.
|
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng các lãnh đạo Đảng, Nhà nước chủ trì hội nghị, ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Về phía tỉnh Khánh Hòa, các đồng chí: Nguyễn Hải Ninh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp dự hội nghị tại Thủ đô Hà Nội. Các ông: Nguyễn Khắc Toàn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Lê Hữu Hoàng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Trần Hòa Nam - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Đinh Văn Thiệu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành và địa phương của tỉnh dự hội nghị tại điểm cầu Khánh Hòa.
|
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ: Năm 2023, tình hình KT-XH của nước ta tiếp tục xu hướng phục hồi, tháng sau tích cực hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước, cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát đề ra là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; an sinh xã hội và đời sống người dân được cải thiện; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được đẩy mạnh; quốc phòng, an ninh được củng cố, tăng cường; đối ngoại, hội nhập quốc tế đạt kết quả toàn diện, nổi bật; uy tín, vị thế của đất nước và niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước được củng cố, nâng lên.
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: Đạt những kết quả nêu trên là nhờ sự chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Trung ương, mà trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; sự chủ động, tích cực, đồng hành của Quốc hội và các cơ quan trong hệ thống chính trị; sự chỉ đạo điều hành quyết liệt, chủ động, kịp thời, sát thực tiễn, có hiệu quả của Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương; sự ủng hộ, tham gia tích cực của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp; sự hợp tác, hỗ trợ của bạn bè quốc tế. Trên cơ sở đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các đại biểu phân tích, đánh giá, làm sâu sắc hơn bối cảnh tình hình năm 2023 và tác động, ảnh hưởng đến nước ta; đánh giá về công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ; phân tích, đánh giá nguyên nhân (nhất là nguyên nhân chủ quan) dẫn đến những tồn tại khó khăn và các giải pháp khắc phục trong thời gian tới… Đồng thời, Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung phân tích, đánh giá, dự báo tình hình năm 2024 có vấn đề gì mới, có điểm gì khác biệt, khó khăn hơn năm 2023; những trọng tâm chỉ đạo điều hành để ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, điều hành chính sách tiền tệ, tài khoá kết hợp với các chính sách khác thế nào, vừa thúc đẩy các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu), vừa đẩy mạnh các động lực tăng trưởng mới...
|
Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa Nguyễn Hải Ninh trực tiếp dự hội nghị tại Thủ đô Hà Nội. Ảnh: VGP |
Kinh tế Việt Nam tiếp tục là điểm sáng
Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã trình bày báo cáo về công tác chỉ đạo, điều hành và kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) năm 2023, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2024. Theo đó, năm 2023, tăng trưởng kinh tế cả nước đạt 5,05%, thuộc nhóm tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới, nâng quy mô nền kinh tế lên khoảng 430 tỷ USD. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm tăng 3,25% (thấp hơn mục tiêu đề ra khoảng 4,5%). Thị trường tiền tệ, ngoại hối cơ bản ổn định, mặt bằng lãi suất giảm khoảng 2% so với cuối năm 2022. Khu vực nông nghiệp là điểm sáng, tiếp tục là trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế, năm 2023 tăng 3,83%, cao nhất trong 10 năm qua. Khu vực dịch vụ tăng 6,82%, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,6%. Công nghiệp phục hồi nhanh qua từng quý, cả năm tăng 3,02%. Thu ngân sách nhà nước (NSNN) vượt khoảng 8,12% dự toán trong khi đã miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất gần 194 nghìn tỷ đồng; đồng thời tăng thu, tiết kiệm chi, đã trích lập được khoảng 560 nghìn tỷ đồng, bảo đảm đủ nguồn để cải cách tiền lương trong 3 năm 2024-2026. Bội chi NSNN, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia và nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với tổng thu NSNN thấp hơn nhiều giới hạn và ngưỡng cảnh báo. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả năm đạt 683 tỷ USD; xuất siêu khoảng 28 tỷ USD (nhiều nhất từ trước đến nay), góp phần tăng dự trữ ngoại tệ quốc gia. An ninh năng lượng, an ninh lương thực được bảo đảm (xuất khẩu 8,34 triệu tấn gạo với giá trị 4,78 tỷ USD, tăng 38,4%, cao nhất từ trước đến nay); cơ bản bảo đảm cung cầu lao động.
Trong năm 2023, Chính phủ đã lãnh đạo, chỉ đạo tập trung thực hiện quyết liệt 3 đột phá chiến lược; phát triển văn hóa, xã hội được chú trọng, đạt kết quả toàn diện. Đồng thời, Chính phủ cũng đẩy mạnh quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu; tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí và giải quyết khiếu nại, tố cáo; quốc phòng, an ninh được tăng cường; đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh… Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã nỗ lực phấn đấu, khắc phục khó khăn, khai thác tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh và đạt được những kết quả khá toàn diện, đóng góp vào thành tựu chung của cả nước. Nhiều địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai, Hải Phòng, Thanh Hóa… tiếp tục phục hồi và là điểm sáng trong thu hút đầu tư. GRDP của nhiều tỉnh, thành phố đạt mức tăng trưởng khá cao như Bắc Giang, Hậu Giang, Quảng Ninh, Khánh Hòa, Nam Định…
|
Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP |
Tốc độ tăng GRDP của Khánh Hòa đứng thứ 4 cả nước
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân cho biết: Trong năm 2023, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa tiếp tục bám sát, thực hiện các mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, tỉnh Khánh Hòa đã hoàn thành công tác lập và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 2 quy hoạch quan trọng là Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050. Bên cạnh đó, tỉnh đã tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án trọng điểm theo Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 42 của Chính phủ, đồng thời tăng cường công tác xúc tiến đầu tư, nhất là đầu tư vào Khu kinh tế Vân Phong…. Đặc biệt, trong năm 2023, toàn tỉnh đã đạt và vượt 20/22 chỉ tiêu kinh tế - xã hội, trong đó tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng 10,35% so với năm 2022, tốc độ tăng GRDP đứng thứ 4 cả nước; thu ngân sách nhà nước đạt 18.012 tỷ đồng, vượt 16,6% so với kế hoạch và tăng 9,2% so với năm 2022, doanh thu du lịch ước đạt 33.000 tỷ đồng, vượt 57,1% so với kế hoạch, tăng 142,8% so với năm 2022; tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm còn 2,11% với mức giảm tỷ lệ hộ nghèo đạt 1,09%...
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tấn Tuân, trong năm 2024, tỉnh Khánh Hòa sẽ tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả các quy hoạch quan trọng của tỉnh Khánh Hòa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; đẩy mạnh thu hút các nhà đầu tư chiến lược để tận dụng tối đa cơ chế, chính sách theo Nghị quyết số 55 của Quốc hội; tích cực mời gọi các nhà đầu tư thứ cấp vào lấp đầy các khu công nghiệp, cụm công nghiệp hiện có và đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thành các khu công nghiệp, cụm công nghiệp theo quy hoạch. Đồng thời, tỉnh sẽ tập trung xử lý dứt điểm các dự án đầu tư ngoài ngân sách chậm tiến độ để khơi thông nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án trọng điểm, liên vùng; đẩy mạnh thực hiện thực chất, hiệu quả cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh; tăng cường hợp tác, liên kết vùng…
XUÂN THÀNH (tổng hợp)
Theo https://baokhanhhoa.vn/chinh-tri/202401/chinh-phu-to-chuc-hoi-nghi-tong-ket-cong-tac-nam-2023-va-trien-khai-nhiem-vu-nam-2024-7294aac/