Ngày 11/6/1948, giữa lúc cuộc kháng chiến vào giai đoạn quyết liệt, tại bản Là Nọn, xã Phú Bình, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên nhân kỷ niệm 1.000 ngày Toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (19/12/1946-19/12/1948), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi Thi đua ái quốc, chính thức phát động phong trào thi đua yêu nước trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta.
Ảnh 1: Bác Hồ với các đại biểu dự Đại hội Chiến sỹ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc lần thứ nhất (5/1952)
Hưởng ứng Lời kêu gọi của Người, thi đua đã trở thành phong trào rộng lớn trong cả nước với khẩu hiệu: “Người người thi đua, ngành ngành thi đua, ngày ngày thi đua”, thu hút, động viên được muôn triệu con người ở mọi ngành, mọi cấp, không phân biệt già, trẻ, trai, gái, tín ngưỡng, tôn giáo, thành phần dân tộc, tầng lớp giàu, nghèo… hăng hái thi đua lao động, sản xuất, làm nên những thắng lợi vẻ vang của cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm. Năm 1952, phát biểu tại Đại hội chiến sỹ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Những người thi đua là những người yêu nước nhất”. Người cũng nhận xét: “Trong phong trào thi đua, chúng ta thấy đủ các dân tộc: Kinh, Thổ, Mán, Mường… đủ các tín ngưỡng, lương có, giáo có, đủ các tầng lớp binh, công, nông, sỹ, đủ các hạng người già, trẻ, gái, trai, tất cả đều nhằm vào một mục đích chung: tăng gia sản xuất và diệt giặc lập công”. Lời kêu gọi Thi đua ái quốc của Người đã phát huy được sức mạnh toàn dân tộc, giúp vượt qua những khó khăn, thách thức của cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân, đế quốc, nhằm mục tiêu: “Dân tộc độc lập, dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc”.
Ảnh 2: Bác Hồ tham gia tát nước tại Hà Tây, năm 1959
Từ khẳng định: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua” và “Thi đua lấy tinh thần yêu nước làm gốc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra mối quan hệ bản chất giữa hai thành tố: Yêu nước và Thi đua. Người phân tích: Yêu nước - một truyền thống cực kỳ quý báu của dân tộc ta; còn Thi đua - một động lực khơi nguồn, phát huy cao độ sức mạnh toàn dân tộc, đưa kháng chiến đến thắng lợi, đẩy kiến quốc đến thành công. Do vậy, phong trào thi đua không chỉ là hoạt động tích cực và sáng tạo trong công việc hằng ngày, trong lao động sản xuất, mà còn là hoạt động tư tưởng và tinh thần, là biểu hiện của lòng yêu nước, tình cảm của mỗi người dân Việt Nam đối với Tổ quốc thân yêu.
Ảnh 3: Bác Hồ xuống ruộng đi cấy cùng nông dân
Để thi đua đạt chất lượng và hiệu quả, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu: Thi đua phải có sự lãnh đạo đúng. Trước khi thi đua phải chuẩn bị đầy đủ, trong lúc thi đua phải kiểm tra, đôn đốc, giúp đỡ, sửa đổi. Như thế thi đua mới tránh hình thức, lãng phí và không bị coi là “đầu voi, đuôi chuột”. Đồng thời, khi triển khai phong trào thi đua phải xác định rõ mục đích, từ đó lựa chọn nội dung, xây dựng kế hoạch cho thiết thực, rõ ràng, làm sao để mọi người ở mọi tầng lớp, giai cấp đều hiểu và làm được. Ở thời kỳ đất nước mới giành được độc lập, nói về mục đích của các phong trào thi đua, Người chỉ ra: “Thi đua ái quốc nhằm ba mục đích: diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm. Tức là làm cho nhân dân no, ấm, biết chữ, làm cho Tổ quốc được độc lập, tự do”. Rõ ràng, mục tiêu chính trị luôn được Người xác định và đề cao trong mỗi phong trào thi đua, nhưng không vì thế mà cao siêu hoá, chính trị hoá phong trào thi đua. Giải thích về mục tiêu của phong trào thi đua trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp, Người nói: “Thi đua là phải làm cho tốt… phải làm nhanh và phải làm rẻ, không phí phạm thì giờ, nguyên vật liệu” và “Thi đua là ích nước lợi nhà” vì “Thi đua ái quốc là lợi ích cho mình, làm lợi cho gia đình và lợi ích cho làng, nước, dân tộc”.
Ảnh 4: Nông dân Hải Hưng (nay là Hải Dương) báo cáo kết quả sản xuất với Bác
Tuy nhiên, Người lưu ý: “Thi đua chứ không phải ganh đua, giấu nghề”, “Thi đua có nghĩa là mọi người phát triển tài năng, sáng kiến của mình, học hỏi điều hay, giúp nhau sửa chữa khuyết điểm để cùng nhau tiến bộ”... Theo Người, nhiệm vụ của những chiến sỹ thi đua là: “Phải cố gắng mãi, tiến bộ mãi. Phải khiêm tốn và gần gũi quần chúng, phải làm gương cho quần chúng…”. Sau mỗi phong trào thi đua, phải chú trọng “công tác tổng kết từng việc, từng cán bộ, từng đợt, từng địa phương để thấy rõ đúng, sai và rút kinh nghiệm cho thời gian sau”. Thực hiện lời dạy của Người, chúng ta đã làm tốt việc tổng kết rút kinh nghiệm, gắn với công tác biểu dương, khen thưởng kịp thời như: Tuyên dương anh hùng, chiến sỹ thi đua, tôn vinh gương lao động, sản xuất giỏi, gương người tốt, việc tốt... bởi khen thưởng đúng lúc, đúng người chính là một “đòn bẩy” thiết thực động viên phong trào thi đua.
Nhìn lại toàn bộ sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, chúng ta thấy, phong trào thi đua yêu nước do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi xướng, phát động đã lan tỏa rộng khắp từ thành thị đến nông thôn, từ đồng bằng tới miền núi, từ biên giới đến hải đảo xa xôi, tạo nên sự đoàn kết một lòng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, nguyện đem hết sức mình tham gia kháng chiến và kiến quốc thành công.
Trong thời kỳ mới, cả nước nói chung và tỉnh Khánh Hòa nói riêng tiếp tục kế thừa, tiếp thu và phát huy những giá trị cốt lõi trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước. Chúng ta đã và đang triển khai phong trào thi đua yêu nước trên tất cả các lĩnh vực như: Phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”; “Dạy tốt, học tốt”; “Thi đua Quyết thắng”, “Vì an ninh Tổ quốc”, “Dân vận khéo”; “Ngày vì người nghèo”, “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”… Kết quả của các phong trào thi đua này đã góp phần tích cực vào giữ vững ổn định chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân, giữ vững chủ quyền quốc gia, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nâng cao vị thế của đất nước trên trường quốc tế…
Ảnh 5: Đường sá tại xã Diên Toàn, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa (1 trong 9 xã hoàn thành nông thôn mới trong năm 2017). Nguồn: Báo Khánh Hòa
70 năm đã qua, Lời kêu gọi Thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn giữ nguyên giá trị và mang tính thời sự. Phong trào thi đua yêu nước do Người phát động sẽ được tiếp nối với những nội dung, phương pháp mới phù hợp với thời đại hội nhập quốc tế và đó vẫn luôn là ngọn nguồn khơi dậy, phát huy ý chí tự lực, tự cường, lòng tự hào, tự tôn dân tộc của nhân dân, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đảm bảo quốc phòng - an ninh, hoàn thành thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Hồng Vân - Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy