Phát biểu ý kiến kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, trong những ngày vừa qua, chúng ta ít có ca nhiễm mới, đây là tin vui. Đặc biệt, số ca chữa khỏi ngày càng nhiều, nhất là những ca đã từng diễn biến nặng. Nhân dịp này, Thủ tướng biểu dương tinh thần trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là các y bác sĩ, các lực lượng quân đội, công an, truyền thông… ở tuyến đầu; việc triển khai thực hiện Chỉ thị 16 hiệu quả, nhất là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh thực hiện tốt, thay đổi nếp sống.
Thủ tướng cũng biểu dương tấm lòng nhân ái, gương người tốt việc tốt, “nhường cơm, sẻ áo” hỗ trợ người trên tuyến đầu chống dịch. Đây là phong trào rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân ủng hộ mạnh mẽ thông qua nhiều hình thức... Kết quả này chính là sức mạnh trên dưới một lòng, anh em đoàn kết, góp công góp sức cùng Nhà nước trong cuộc chiến chống đại dịch; là thử thách rất lớn giúp dân tộc ta làm được những việc lớn hơn trong phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước.
Ảnh: TRẦN HẢI
Tuy nhiên, Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta không được chủ quan, say sưa chiến thắng bước đầu mà bỏ lỡ nhiệm vụ thời gian tới. Dịch bệnh Covid-19 vẫn đang trong giai đoạn nguy hiểm có thể bùng phát bất cứ lúc nào. Nhiều quốc gia đang phải hứng chịu bùng phát dịch ở giai đoạn 2. Vì vậy, để bảo toàn lực lượng và kết quả, ngăn chặn từ xa, ngay trong cộng đồng, chúng ta cần phải tiếp tục thực hiện nghiêm, tốt hơn nữa Chủ thị 16/CT-TTg về cách ly xã hội, giữ vững thế chủ động chống dịch. Chiến lược phòng, chống dịch (PCD) hiện nay trong giai đoạn 3 là cách ly xã hội, tìm kiếm ca bệnh, khoanh vùng dập dịch để hạn chế tối đa tử vong. Thời gian tới, nhất là đến thời điểm ngày 15-4, cả hệ thống chính trị, nhất là ngành y tế, các địa phương, các lực lượng, đơn vị liên quan cần bám sát tình hình, chuẩn bị nhanh tất cả các kịch bản, các giải pháp cho làn sóng thứ 2 của dịch bệnh Covid-19.
Các nước như Trung Quốc, Singapore đang phải đối phó vất vả giai đoạn 2; đây là bài học cho Việt Nam không thể chủ quan, coi thường, đặc biệt chúng ta cần phải tìm được F0, truy tìm dấu vết ở hai ổ dịch ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh; quản lý chặt những cơ sở thờ tự, tôn giáo, siêu thị, các phương tiện công cộng… ngăn chặn, đề phòng lây lan; hoàn thiện phương án thiết lập bệnh viện dã chiến, không để bị động. Yêu cầu Ban Chỉ đạo Quốc gia PCD Covid-19 nắm tình hình, các biện pháp PCD hiệu quả, như xét nghiệm, công nghệ, thuốc, điều phối các nguồn lực cho địa phương; hướng dẫn, đào tạo năng lực, hỗ trợ, công nghệ kiểm soát dịch bệnh. Bộ Y tế có chương trình tổng thể trong vấn đề này, đồng thời trực tiếp giải quyết vấn đề đi sâu về vấn đề chuyên môn.
Các địa phương thực hiện nghiêm cách ly xã hội nhằm làm chậm, không để dịch lây lan trong cộng đồng; nếu chúng ta ngăn ngặn được thì sẽ không có đỉnh dịch, không thiệt hại về người, hạn chế ảnh hưởng sức khoẻ nhân dân. Các địa phương có việc xuất hiện ca nhiễm cần xét nghiệm sớm những người dân có nguy cơ. Các tỉnh, thành phố có nhiều khu công nghiệp với lượng công nhân lớn cần thực hiện nghiêm việc ngăn ngừa lây nhiễm ở các đối tượng này, bảo đảm đầy đủ dụng cụ phòng hộ, tuân thủ các chỉ đạo PCD. Các địa phương cần có phương án đề phòng lây nhiễm, đôn đốc, kiểm tra ở những cơ sở kinh doanh dịch vụ thiết yếu. Người đứng đầu địa phương phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra dịch ở những khu vực này.
Thủ tướng nêu rõ, máy thở có ý nghĩa quan trọng trong PCD cũng như điều trị bệnh phổi. Do đó, Chính phủ sẽ có chương trình sản xuất, kinh doanh máy thở; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất máy thở. Báo chí, truyền thông là đơn vị tuyên truyền về kiến thức, kỹ năng PCD, tự bảo vệ cho nhân dân; cần phản ánh đầy đủ bức tranh của cuộc sống; phản ánh những giá trị ưu việt, tính nhân văn của chế độ ta trong tình huống khẩn cấp; tuyên truyền về thành công bước đầu trong PCD. Thủ tướng đánh giá cao Ban Tuyên giáo T.Ư, Bộ Thông tin và Truyền thông làm rất tốt công tác này, phát huy hiệu quả của các phương tiện thông tin đại chúng; đồng thời nhấn mạnh, phóng viên cũng là những người trên tuyến đầu chống dịch, do đó ngành y tế cần có phương án bảo vệ các nhà báo không bị phơi nhiễm dịch.
Về tăng cường hợp tác quốc tế trong PCD, Thủ tướng nêu rõ, các quốc gia đều đang khó khăn, cho nên sự giúp đỡ nhau lúc này có ý nghĩa lớn. Việt Nam có thể xuất khẩu gạo có kiểm soát, khẩu trang vải kháng khuẩn, phổ biến các phần mềm chống dịch. Do đó các bộ, ngành như Bộ Công thương, Bộ Ngoại giao phối hợp xem xét khả năng và các mối quan hệ để xử lý xuất khẩu cho từng nước cụ thể. Cập nhật những công nghệ mới, tiến bộ mới trong điều trị bệnh, sản xuất vắc-xin... Việc hợp tác với Lào, Cu-ba, Hoa Kỳ, Nga, Trung Quốc cần được đẩy mạnh; Bộ Y tế cùng với Bộ Quốc phòng sớm đề xuất các giải pháp cho Chính phủ trong vấn đề hợp tác. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu quan tâm, chia sẻ, thực hiện tốt nhất công tác bảo hộ công dân một cách tốt nhất. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay cần sắp xếp đón tiếp công dân Việt Nam phù hợp điều kiện cách ly trong nước.
Bộ Y tế chủ trì cùng các bộ ngành liên quan xây dựng các phương án đón tiếp, trước mắt các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, các gia đình động viên người nhà ở nước ngoài bình tĩnh, hạn chế đi lại tối đa, tránh dịch bệnh. Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên quan có kế hoạch sớm nhất đón công dân Việt Nam đang mắc kẹt ở các sân bay nước ngoài về nước, nhất là những người yếu thế như trẻ em vị thành niên, người đi chữa bệnh nặng bị kẹt ở nước ngoài. Các cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài nắm chắc tình hình và sớm đề xuất vấn đề này. Nhân dịp này, Thủ tướng cũng lưu ý các địa phương thu phí cách ly cần cân nhắc, có sức thuyết phục và thận trọng trong vấn đề này. Chính phủ đã có chương trình tháo gỡ khó khăn, phát triển sản xuất, kinh doanh và giải ngân vốn đầu tư công ngay sau khi kiểm soát được dịch. Tinh thần là chống dịch nhưng cũng chống doanh nghiệp phá sản, người lao động mất việc; hỗ trợ người nghèo kịp thời. Thủ tướng biểu dương một số địa phương đã tự trích ngân sách hỗ trợ người khó khăn do dịch Covid-19.
Đại dịch mang đến nhiều thiệt hại đối với kinh tế, việc làm, nhưng cũng mang đến nhiều cơ hội cho chúng ta, do đó Thủ tướng yêu cầu các các cấp, các ngành, doanh nghiệp, người dân tập trung khai thác cơ hội như đổi mới phương thức làm việc; có những ngành công nghiệp mới, dịch vụ mới; thay đổi lành mạnh hơn trong lối sống; ứng dụng công nghệ thông tin trong giao dịch, nhất là Chính phủ số, thương mại điện tử..; tạo cơ hội cho xuất nhập khẩu…
* Theo Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, hiện Việt Nam có số mắc đứng thứ 98 trong tổng số 210 quốc gia và vùng lãnh thổ đã ghi nhận trường hợp mắc Covid-19. Phần lớn các trường hợp mắc ghi nhận tại Việt Nam là trường hợp xâm nhập từ nước ngoài với 62,9%, trong đó có 77,5% trường hợp đã được cách ly ngay sau khi nhập cảnh và 22,5% trường hợp xâm nhập được phát hiện tại cộng đồng. Việt Nam đang kiểm soát tốt tình hình dịch với việc thực hiện triệt để các biện pháp cách ly, quản lý các trường hợp từ nước ngoài trở về, các trường hợp tiếp xúc vòng 1, vòng 2 và áp dụng biện pháp cách ly xã hội. Dự báo trong thời gian tới có thể xuất hiện một số trường hợp mắc nhưng có chính sách cách ly toàn xã hội số mắc ở Việt Nam sẽ tăng không cao.
Theo Nhandan.com.vn
https://nhandan.com.vn/chinhtri/tin-tuc-su-kien/item/43959302-chuan-bi-nhanh-kich-ban-giai-phap-cho-lan-song-thu-2-cua-dich-benh-covid-19.html