Ngày 2-3, UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm đến năm 2045.
Đến dự lễ, về phía lãnh đạo Trung ương có các đồng chí: Vương Đình Huệ - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội; Nguyễn Khắc Định - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; Trần Hồng Hà - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; các Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các bộ, ngành. Về phía lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa có các đồng chí: Nguyễn Hải Ninh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Khắc Toàn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Hà Quốc Trị - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cùng các vị trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo các sở, ngành và huyện Cam Lâm.
|
Các vị lãnh đạo Trung ương và lãnh đạo tỉnh dự lễ công bố quy hoạch. |
Đô thị sân bay hiện đại, sinh thái đẳng cấp quốc tế
Trước đó, ngày 28-2, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định Phê duyệt Quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm đến năm 2045. Theo quyết định, khu vực quy hoạch được chia thành 4 vùng cảnh quan, với ưu tiên chính tại mỗi vùng. Cụ thể, vùng đồi núi phía bắc sẽ ưu tiên bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn nước, tôn tạo cảnh quan tự nhiên núi Cù Hin, phát triển các khu du lịch, dịch vụ vui chơi giải trí sinh thái. Vùng đồi núi phía tây sẽ ưu tiên bảo tồn, khai thác và phát triển bền vững Khu bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà; bảo vệ nguồn nước, bảo tồn, tôn tạo cảnh quan tự nhiên, phát triển nông nghiệp sinh thái, du lịch sinh thái; sản xuất năng lượng tái tạo. Vùng ven biển phía đông từ đầm Thủy Triều đến bờ biển Bãi Dài, ưu tiên bảo vệ hành lang bờ biển, phát triển dịch vụ nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí biển, đảo. Vùng đồng bằng trung tâm ưu tiên bảo tồn, tôn tạo cảnh quan đầm Thủy Triều và hoạt động tự nhiên của hệ thống thủy văn; phát triển không gian định cư đô thị, nông thôn và các cụm trung tâm.
|
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm đến năm 2045 cho Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tấn Tuân. |
Đồng thời, Đô thị Cam Lâm sẽ phát triển theo 4 trục động lực. Gồm Trục hành lang cao tốc Bắc - Nam sẽ liên kết cảng Cam Ranh, sân bay Cam Ranh với hệ thống giao thông - hạ tầng quốc gia; trọng tâm phát triển các đầu mối trung chuyển, dịch vụ kho bãi, dịch vụ vận tải thông minh đa phương tiện. Trục ven biển Bãi Dài sẽ liên kết từ sân bay Cam Ranh đến TP. Nha Trang với trọng tâm phát triển dịch vụ du lịch, vui chơi giải trí biển - đảo. Trục cảnh quan nước sẽ liên kết không gian nước từ vịnh Cam Ranh, đầm Thủy Triều đến sông Trường, suối Cầu, suối Cát...; bảo vệ nguồn nước, duy trì bền vững cấu trúc hệ thống thủy văn, phát triển đa dạng sinh học, xây dựng cảnh quan xanh hấp dẫn mang đặc trưng bản địa, gìn giữ vệ sinh môi trường, phát triển mô hình “đô thị du thuyền”. Trục trung tâm đô thị từ cửa ngõ đô thị đến trung tâm khu vực Bãi Dài với trọng tâm phát triển tập trung các chức năng mũi nhọn cấp vùng và cấp đô thị.
|
Các vị lãnh đạo Trung ương, Bộ Xây dựng, tỉnh Khánh Hòa và huyện Cam Lâm ấn nút công bố quy hoạch. |
Quy hoạch cũng định hướng các khu vực hạn chế phát triển gồm: Khu vực bảo tồn giá trị công trình kiến trúc, di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh; Khu vực bảo tồn giá trị cảnh quan tự nhiên như đầm Thủy Triều, núi Cù Hin, các hồ trữ nước... Trong quy hoạch cũng yêu cầu đối với khu vực đầm Thủy Triều và kênh Thủy Triều, phải nghiên cứu triển khai giải pháp tổng thể nhằm nâng cao chất lượng môi trường nước và hệ sinh thái toàn lưu vực; phát huy giá trị cảnh quan đầm Thủy Triều, xây dựng đô thị có hình thái kiến trúc, cảnh quan sinh thái đặc sắc.
|
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu chỉ đạo tại lễ công bố quy hoạch. |
Mục tiêu của quy hoạch nhằm xây dựng và phát triển Cam Lâm trở thành cực tăng trưởng phía nam tỉnh Khánh Hòa và vùng Nam Trung Bộ, góp phần sớm đưa Khánh Hòa lên thành phố trực thuộc Trung ương. Đồng thời phát triển đô thị sân bay hiện đại, sinh thái đẳng cấp quốc tế; là trọng điểm dịch vụ du lịch biển, logistics; trở thành dịch vụ tài chính - trí tuệ và đổi mới sáng tạo toàn cầu; là trung tâm quốc tế về giáo dục, y tế, nghiên cứu và ứng dụng công nghệ mới; là đô thị có môi trường sống chất lượng cao, có hạ tầng đồng bộ và hiện đại. Ngoài ra, đô thị Cam Lâm còn có ý nghĩa quan trọng về quốc phòng, an ninh; giữ vững chủ quyền biển, đảo quốc gia; đảm bảo an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội cho quốc gia.
|
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hải Ninh phát biểu cảm ơn các lãnh đạo Trung ương và Bộ, ngành. |
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tấn Tuân cho biết, nhằm đưa Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị, việc sớm hoàn thiện các quy hoạch đạt yêu cầu chất lượng là một yếu tố rất quan trọng và tiên quyết, làm căn cứ pháp lý để triển khai thực hiện việc đầu tư, xây dựng... Kể từ khi Nhiệm vụ Quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 9 năm 2022, tỉnh Khánh Hòa đã tích cực tổ chức triển khai thực hiện. Sau khi tiếp thu, giải trình, chỉnh sửa, hoàn thiện và được Bộ Xây dựng tổ chức thẩm định thông qua, đến nay Quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm đến năm 2045 đã chính thức được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trên cơ sở quy hoạch được duyệt và công bố, các nhiệm vụ được giao, UBND tỉnh Khánh Hòa sẽ tập trung tổ chức triển khai thực hiện một cách khẩn trương, nghiêm túc, đảm bảo hiệu quả, tuân thủ các quy định liên quan; quyết tâm xây dựng và phát triển Cam Lâm trở thành cực tăng trưởng phía Nam tỉnh Khánh Hòa và vùng Nam Trung Bộ, là đô thị có ý nghĩa quan trọng về quốc phòng, an ninh; cùng các địa phương khác góp phần sớm đưa Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030 theo mục tiêu Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị.
|
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tấn Tuân phát biểu tại lễ công bố quy hoạch. |
Quy mô dân số Cam Lâm đến năm 2030 khoảng 320.000 người, trong đó dân số đô thị khoảng 224.000 người, tỷ lệ đô thị hóa khoảng 70%; đến năm 2045 sẽ có khoảng 770.000 người, trong đó dân số đô thị khoảng 639.780 người, tỷ lệ đô thị hóa khoảng 83%. Về nhu cầu sử dụng đất của toàn đô thị Cam Lâm, đến năm 2030, đất xây dựng khoảng 10.148 ha, đất dân dụng khoảng 2.235 ha; đến năm 2045, đất xây dựng khoảng 17.646 ha, đất dân dụng khoảng 6.384 ha, bình quân khoảng 99,8m²/người.
Triển khai quy hoạch phải đảm bảo đời sống người dân
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, đây là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, có sức lan tỏa, tạo động lực mới trong thu hút đầu tư phát triển Cam Lâm trở thành cực tăng trưởng phía nam tỉnh Khánh Hòa và vùng Nam Trung ộ, góp phần sớm đưa Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Đô thị hóa là tất yếu khách quan, là một động lực quan trọng cho phát triển kinh tế tăng trưởng nhanh và bền vững. Chủ trương phát triển dải đô thị ven biển với trọng tâm là các đô thị động lực của vùng, đô thị kết nối khu vực và quốc tế đã được Bộ Chính trị khẳng định tại Nghị quyết 06 ngày 24-1-2022. Với vị trí địa lý hết sức độc đáo cùng hệ thống giao thông kết nối liên vùng bao gồm cả đường bộ, đường sắt, hàng không, đường biển, Khánh Hòa hội tụ đủ các yếu tố để trở thành một đô thị lớn, hiện đại, vùng trung tâm kết nối logistics, một cực tăng trưởng vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên theo tinh thần Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị. Quốc hội cũng đã ban hành Nghị quyết 55 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù đột phá phân cấp mạnh mẽ về tài chính, ngân sách, đầu tư, quy hoạch, đất đai để tạo nên động lực, khơi thông các nguồn lực cho tỉnh Khánh Hòa phát triển. Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với định hướng vùng động lực phát triển là chuỗi đô thị Vân Phong, Nha Trang, Cam Lâm, Cam Ranh. Quy hoạch đô thị mới Cam Lâm được phê duyệt đặt trong tổng thể kết nối, liên kết với TP. Nha Trang và đô thị Cam Ranh. Đây sẽ là đô thị sân bay hiện đại, sinh thái, thông minh, đẳng cấp quốc tế, trọng điểm dịch vụ du lịch biển, logistics và đổi mới sáng tạo, là trung tâm quốc tế về giáo dục, y tế và ứng dụng công nghệ mới, đô thị có môi trường sống chất lượng cao, có hạ tầng hiện đại, thông minh, có khả năng chống chịu tốt với khí hậu.
|
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hòa Nam đọc công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm đến năm 2045. |
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao nỗ lực của Khánh Hòa trong công tác quy hoạch. Cùng với quy hoạch đô thị Cam Lâm, đồ án điều chỉnh quy hoạch TP. Nha Trang cũng đang được xem xét, phê duyệt nhân dịp kỷ niệm 100 năm xây dựng và phát triển thành phố. Quy hoạch sẽ tạo không gian mới, dư địa và động lực mới để Khánh Hòa nói chung và huyện Cam Lâm nói riêng phát triển nhanh, bền vững dựa trên kinh tế đô thị, dịch vụ. Người dân Cam Lâm trong tương lai gần sẽ được hưởng thụ các dịch vụ xã hội chất lượng cao. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy một bản quy hoạch dù được nghiên cứu công phu và khả thi đến mấy cũng không trở thành hiện thực nếu việc tổ chức thực thi và giám sát thực thi không được tổ chức hiệu quả. Nhân tố quyết định thành công chính là tinh thần năng động, sáng tạo, cách làm căn cơ, bài bản, đồng bộ, khoa học nhưng phải nhanh, gọn, dứt điểm, vì cơ hội không chờ chúng ta.
Tại Lễ công bố quy hoạch Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu, Khánh Hòa cần nỗ lực để tận dụng và phát huy đạt hiệu quả cao nhất những cơ chế đột phá, chính sách đặc thù đã được Quốc hội quyết định tại Nghị quyết số 55 ngày 11-6-2022, đặc biệt là phân cấp thẩm quyền về quản lý quy hoạch, đất đai, tách các dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng trong triển khai các dự án đầu tư và mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông. Đồng thời, triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 06 của Bộ Chính trị về về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị; xác định phát triển đô thị là hạt nhân dẫn dắt và tạo hiệu ứng lan tỏa, liên kết vùng đô thị. Thúc đẩy mô hình quản lý thông minh trong vận hành, quản lý và khai thác hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị và phát triển hệ thống hạ tầng đa mục tiêu chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Thời gian tới, Khánh Hòa cần tập trung triển khai quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết và các quy hoạch chuyên ngành một cách khoa học, bài bản, có tầm nhìn chiến lược, dài hạn, ổn định, tránh tình trạng phải điều chỉnh cục bộ nhiều lần. Cần khai thác, phát huy hiệu quả những công trình hạ tầng hiện đại đã, đang được đầu tư như các tuyến cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Cam Lâm - Nha Trang để kết nối liên vùng. Ưu tiên nguồn lực nhà nước và huy động các nguồn lực xã hội cho phát triển hệ thống hạ tầng có tính chất xương sống, các dự án động lực, trọng điểm có tính lan tỏa lớn để mở ra không gian phát triển. Các nguồn lực được tạo ra từ Quy hoạch, đầu tư phát triển đô thị trong tương lai như giá trị đất đai, tài nguyên… cần được đầu tư trở lại cho phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, giáo dục và đào tạo, phúc lợi xã hội và chia sẻ hài hòa giữa các địa phương mang lại lợi ích tổng thể cho phát triển.
Theo Phó Thủ tướng, để Cam Lâm có thể trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và ứng dụng công nghệ mới thì nguồn nhân lực chất lượng cao, nhân tài là điều kiện tiên quyết. Tỉnh cần có chiến lược đào tạo, thu hút nhân tài; nâng cao chất lượng dịch vụ đô thị nhất là dịch vụ giáo dục, y tế và chăm sóc sức khỏe để tạo nên sức hút hấp dẫn cho lao động trong và ngoài nước đến với Cam Lâm. Với đặc điểm của một đô thị ven biển, chịu tác động trực tiếp của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, quá trình phát triển đô thị mới Cam Lâm cần rút ra những bài học kinh nghiệm, khắc phục được tồn tại của các đô thị hiện nay như ô nhiễm nguồn nước mặt, nước ngầm, ùn tắc giao thông, sạt lở, ngập úng, quản trị mật độ dân số, thích ứng với biến đổi khí hậu… bằng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ hạ tầng, đa mục tiêu và các giải pháp thích ứng phi công trình phù hợp. Tỉnh Khánh Hòa cần thực hiện tốt công tác khảo sát địa chất, thủy văn, tính toán kỹ các tác động của biến đổi khí hậu, triều cường ngay từ phương án quy hoạch chi tiết, thiết kế, thi công nhằm bảo đảm tính bền vững, hiệu quả của công trình, an toàn về tài sản, tính mạng cho nhân dân. Đồng thời, phải hết sức tuân thủ quy định về thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển theo Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; đánh giá các tác động đến kinh tế - xã hội, cảnh quan môi trường; nâng cao nhận thức, kinh nghiệm, kỹ năng ứng phó thiên tai của nhân dân; tuân thủ các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai, sạt lở, bảo đảm an ninh, quốc phòng.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, quá trình triển khai quy hoạch sẽ ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt người dân. Do đó, tỉnh Khánh Hòa cần thực hiện tốt vấn đề an sinh xã hội, đảm bảo cho người dân có nơi tái định cư đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội như bệnh viện, trường học, trung tâm văn hóa, thể thao; ưu tiên phát triển nhà ở xã hội cho các gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo, người thu nhập thấp, nhà ở công nhân…. Người dân địa phương phải được ưu tiên đào tạo, tuyển dụng, có sinh kế bền vững; được tận hưởng những giá trị, chất lượng cuộc sống mà quá trình đô thị hóa mang lại.
Tại buổi lễ công bố quy hoạch, đồng chí Nguyễn Hải Ninh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy cho rằng, việc thông qua Đồ án Quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm với tầm nhìn đột phá, cách tiếp cận ở tầm quốc tế là công việc đầy thách thức; nhưng việc tổ chức thực hiện đồ án quy hoạch sẽ là thách thức bội phần, đòi hỏi không chỉ có sự quan tâm của hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân địa phương, mà còn là sự quan tâm hỗ trợ của các lãnh đạo, các Bộ, ngành Trung ương, các địa phương bạn, các chuyên gia, nhà khoa học và các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Vì vậy, thời gian tới, tỉnh Khánh Hòa mong được tiếp tục quan tâm giúp đỡ, hướng dẫn, hỗ trợ và hợp tác như vậy.
NHÓM PHÓNG VIÊN
Theo https://baokhanhhoa.vn/chinh-tri/202403/cong-bo-quyet-dinh-cua-thu-tuong-chinh-phu-phe-duyet-quy-hoach-chung-do-thi-moi-cam-lam-71845e3/