Đến nay, tỉnh Khánh Hòa vẫn chưa ban hành được Chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ, trong khi đây là chương trình được kỳ vọng sẽ giải tỏa các xung đột nhằm phát triển hài hòa vùng ven biển.
Xung đột lợi ích
Ông Lê Dũng Lâm - Giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch Long Phú cho biết, đơn vị khai thác du lịch tại khu vực biển Vĩnh Lương và đầm Nha Phu. Gần đây, người dân thả bẫy nhử bắt tôm hùm giống bằng bùi nhùi, san hô, thân cây đục lỗ, làm giàn treo bên ngoài đảo Khỉ từ 500 đến 700m, kéo lồng bè tự phát quanh đảo Khỉ và các bãi tắm. Tình trạng này có thể dẫn tới mất an toàn giao thông đường thủy, gây tai nạn cho tàu ghe do chân vịt, bánh lái vướng vào cọc. Ngoài ra, tàu hoạt động du lịch phải đi vòng, phát sinh thêm chi phí.
Với tình hình trên, mới đây, TP. Nha Trang đã chỉ đạo các ban, ngành, lực lượng chức năng phối hợp với xã Vĩnh Lương ra quân tuyên truyền, nhắc nhở và vận động người dân di dời lồng bè, cọc lưới ra khỏi khu vực, tạm thời giải phóng thông thoáng 80% mặt nước.
Ông Huỳnh Bình Thái - Trưởng ban Quản lý vịnh Nha Trang cho hay, vịnh Nha Trang có diện tích gần 250km2, hệ sinh thái đa dạng, được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xếp hạng danh lam thắng cảnh cấp quốc gia. Tuy nhiên, vịnh thường xuyên đối mặt với tình trạng nuôi trồng thủy sản tự phát, xả chất thải ra biển, hoạt động du lịch, vận tải, phát triển đô thị, đổ đất lấn biển… Ban Quản lý vịnh Nha Trang kiến nghị tỉnh, thành phố xây dựng bản đồ mới, phân vùng phân khu chức năng phù hợp, cung cấp thông tin về tình hình đầu tư xây dựng các dự án ven vịnh Nha Trang, về quy hoạch nhà hàng nổi, khu vui chơi giải trí, nuôi trồng thủy sản trên mặt vịnh để tạo điều kiện cho đơn vị thực hiện tốt công tác quản lý, bảo tồn.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Tác An - nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang, vùng biển và ven biển hiện nay đang đối mặt với nhiều thách thức như: suy giảm đa dạng sinh học, ô nhiễm môi trường, khai thác tài nguyên quá mức, gia tăng dân số… Đặc biệt, vùng ven bờ là khu vực chịu thiệt hại nặng do sự ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Lợi ích giữa việc sử dụng hài hòa tài nguyên biển vùng bờ của các nhóm ngành luôn mâu thuẫn với hoạt động bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Vì vậy, Chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ là cách tiếp cận đa ngành, góp phần quản lý hiệu quả hệ sinh thái, đồng thời huy động được sự đóng góp của tất cả các bên.
Chưa xây dựng được chương trình
Hiện nay, phần lớn các tỉnh, thành phố ven biển đã triển khai xây dựng và thực hiện chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ từ sự hỗ trợ của Trung ương và các dự án nước ngoài tài trợ. Do nhiều nguyên nhân nên đến nay Khánh Hòa mới triển khai một số nội dung liên quan đến quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ như: thành lập Ban chỉ đạo quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ tỉnh và xây dựng quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo... Đến thời điểm này, việc quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ tại Khánh Hòa vẫn mang tính đơn ngành và theo từng địa phương, chưa có cơ chế quản lý thống nhất mang tính điều phối giữa các cơ quan quản lý chuyên ngành của tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố ven biển.
Bà Lê Thị Thu Hồng - Chi cục trưởng Chi cục Biển và Hải đảo, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) cho biết, do một số nguyên nhân khách quan như: thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong trao đổi thông tin, dữ liệu về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo... nên việc xây dựng Chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ của tỉnh gặp khó khăn. Mặt khác, Trung ương vẫn chưa ban hành quy hoạch, kế hoạch sử dụng biển, quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ; việc thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển ở các địa phương triển khai nhưng chưa được phê duyệt.
Để đẩy nhanh tiến độ xây dựng Chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ, mới đây, Sở TN-MT đã có văn bản kiến nghị Bộ TN-MT một số vấn đề làm cơ sở để triển khai công tác quản lý trong lĩnh vực biển và hải đảo như: sớm hoàn thiện và trình Quốc hội thông qua quy hoạch, kế hoạch sử dụng biển; quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ; hoàn thành việc thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển nhằm bảo vệ hệ sinh thái, duy trì giá trị dịch vụ của hệ sinh thái và cảnh quan tự nhiên vùng bờ; giảm thiểu sạt lở bờ biển, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; bảo đảm quyền tiếp cận của người dân với biển… Sở cũng đề nghị bộ thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ từ hoàn thiện thể chế, nâng cao nhận thức cho các cấp, ngành, tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan liên quan, đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, kinh phí, đào tạo cán bộ… phục vụ quản lý tổng hợp TN-MT biển và hải đảo.
Theo Báo Khánh Hòa