HĐND tỉnh Khánh Hòa vừa thông qua Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 (gọi tắt là Kế hoạch). Kế hoạch này có vai trò quan trọng trong xây dựng hạ tầng, phục hồi kinh tế của tỉnh do những ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19.
Tổng vốn gần 21.000 tỷ đồng
Kế hoạch có tổng mức vốn dự kiến gần 21.000 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương hơn 15.598 tỷ đồng; nguồn vốn từ tăng thu, kết dư, tiết kiệm chi ngân sách địa phương, vốn chuyển nguồn năm 2020 sang năm 2021 gần 300 tỷ đồng; nguồn bội chi ngân sách địa phương (vốn vay lại Chính phủ) hơn 821 tỷ đồng. Trong giai đoạn này, nguồn vốn từ ngân sách Trung ương hỗ trợ gần 4.189 tỷ đồng (giảm gần 6.300 tỷ đồng so với dự kiến).
Dự án Đập ngăn mặn trên sông Cái Nha Trang.
Theo đồng chí Trần Mạnh Dũng - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, Kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025 tập trung cho các dự án có quy mô lớn, mang tính động lực. Cụ thể, dự án nhóm A (1 dự án) chiếm 6,6% tổng kế hoạch vốn; dự án nhóm B (70 dự án) chiếm 55,8% tổng kế hoạch vốn; dự án nhóm C (151 dự án) chiếm 9,1% tổng kế hoạch vốn; còn lại 28,5% vốn được bố trí cho dự án thuộc đề án, chương trình đầu tư công, lập quy hoạch tỉnh, các chính sách đầu tư công khác theo quy định, nguồn dự phòng trung hạn. Trong đó, các ngành, lĩnh vực thuộc khối hạ tầng kinh tế có tỷ trọng vốn đầu tư cao, chiếm 63,8%; các ngành, lĩnh vực thuộc khối xã hội, quốc phòng - an ninh chiếm tỷ trọng thấp hơn với 36,2%.
Nhằm bổ sung nguồn vốn đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025, HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở: Tài nguyên và Môi trường, Tài chính và các đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện thủ tục về thu hồi đất, bán đấu giá 3,36ha tại khu Kho cảng Bình Tân, các phòng khám đa khoa khu vực Nha Trang, 22 lô đất tại khu tái định cư Vĩnh Thái, hoàn thành vào cuối năm 2021. UBND tỉnh sớm chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các sở, ngành để xây dựng phương án thu tiền sử dụng đất hàng năm…
Ưu tiên cho giao thông, nông nghiệp và giáo dục
Trong Kế hoạch, 2 ngành được đầu tư nhiều là giao thông và nông nghiệp. Trong đó, ngành nông nghiệp (gồm cả lâm nghiệp, thủy lợi và thủy sản) sẽ tiếp tục thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới; chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; phát triển hạ tầng, nâng cao năng lực phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai. Ngành còn được bố trí vốn đầu tư thủy lợi theo hướng đa chức năng; nâng cấp các hệ thống thủy lợi, các hồ chứa nước lớn như: Hồ chứa nước Cam Ranh và hồ chứa nước Suối Dầu; khu tưới thị xã Ninh Hòa và khu tưới huyện Khánh Vĩnh...
Ngành giao thông được quan tâm đầu tư các công trình giao thông trục chính, có tính lan tỏa như: Đường liên vùng kết nối Khánh Hòa, Ninh Thuận và Lâm Đồng; Tỉnh lộ 2; Tỉnh lộ 3; cầu qua sông Kim Bồng; đường Nguyễn Tất Thành đoạn từ sân bay Cam Ranh đến cầu Long Hồ (dài 2,5km); hệ thống đường gom qua địa bàn các huyện…
Ngành giáo dục và đào tạo đứng thứ 3 với mục tiêu tăng cường cơ sở vật chất, bảo đảm chất lượng các hoạt động giáo dục và đào tạo. Trong đó, tỉnh tập trung thực hiện các dự án phát triển mạng lưới trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp theo quy hoạch như: Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn (giai đoạn 2); mua sắm trang thiết bị theo Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2019 - 2025; xây dựng mới Trường Trung cấp Nghề Diên Khánh; nâng cấp cơ sở vật chất Trường Trung cấp Nghề dân tộc nội trú Khánh Vĩnh.
Khu đất Kho cảng Bình Tân sẽ được bán đấu giá để bổ sung nguồn vốn đầu tư công trung hạn 2021 - 2025.
Lĩnh vực bảo vệ môi trường có tổng mức đầu tư hơn 1.600 tỷ đồng, hướng đến các dự án bảo vệ tài nguyên, khắc phục ô nhiễm môi trường, xử lý chất thải, tăng trưởng xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Điển hình là các dự án lớn như: Đập ngăn mặn trên sông Cái Nha Trang; Môi trường bền vững các thành phố duyên hải - Tiểu dự án TP. Nha Trang.
Đồng chí Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, để thực hiện có hiệu quả Kế hoạch, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan chuyên môn và UBND các huyện, thị xã, thành phố hoàn thiện thủ tục đầu tư đối với danh mục dự án khởi công mới, sử dụng vốn đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025 theo đúng trình tự, thủ tục, thời gian quy định. Tỉnh cũng sẽ chỉ đạo các địa phương thực hiện theo nguyên tắc, thứ tự ưu tiên đầu tư và dự kiến phân bổ nguồn vốn cho các ngành, lĩnh vực, chương trình tương ứng với số vốn phân cấp được phân bổ. Đặc biệt, các địa phương phải đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án để tạo điều kiện cho việc xây dựng công trình.
Cơ cấu phân bổ nguồn vốn cấp tỉnh quản lý cho các ngành, lĩnh vực:
4 ngành có tỷ trọng bố trí vốn cao gồm: Giao thông 26,6%; nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy lợi và thủy sản 20,7%; giáo dục - đào tạo và giáo dục nghề nghiệp 12,1%; y tế, dân số và gia đình 8%; bảo vệ môi trường 7,9%; quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội 4,2%; phát thanh, truyền hình, thông tấn 1,3%; hạ tầng các khu, cụm công nghiệp và khu kinh tế 4,6%; công nghiệp (mạng lưới điện nông thôn, miền núi và hải đảo) 0,02%; cấp nước, thoát nước 0,2%; công nghệ thông tin 0,1%; khoa học, công nghệ 1,2%; văn hóa - thông tin 0,3%; Thể dục - thể thao 0,11%; xã hội 0,6%; quản lý nhà nước 0,2%. Các lĩnh vực khác (gồm nguồn dự phòng trung hạn, lập quy hoạch tỉnh, các chính sách đầu tư công khác theo quy định, trả nợ vốn vay) 11,8%.
Theo https://www.baokhanhhoa.vn/kinh-te/202107/dau-tu-cong-trung-han-2021-2025-tap-trung-cho-cac-du-an-dong-luc-8223247/