Ngày 10-4, ông Trần Sơn Hải - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa chủ trì cuộc họp cùng các sở, ngành lắng nghe và giải quyết các kiến nghị của Công ty TNHH Nhà máy tàu biển Hyundai Vinashin (HVS).
Về đề xuất mở rộng diện tích
Tại cuộc họp, lãnh đạo HVS cho biết, trong tương lai gần, công ty sẽ thực hiện việc mở rộng quy mô sản xuất nên cần bổ sung thêm diện tích đất gần nhà máy, không bao gồm 100ha đất và 100ha mặt biển đã được phê duyệt trước đây. HVS mong sự hỗ trợ từ UBND tỉnh và các cơ quan quản lý nhà nước tạo điều kiện hỗ trợ công ty có thể tìm được vị trí đất thích hợp với chính sách ưu đãi hợp lý.
Ông Nguyễn Trọng Hoàng - Phó Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Vân Phong cho biết, qua rà soát diện tích thực hiện dự án, khu vực phía tây vẫn còn nhiều đất trống, chưa được đưa vào khai thác hiệu quả. Đồng thời, HVS đã có thông báo thu hồi diện tích 10ha trước đây hỗ trợ miễn phí cho Công ty Cổ phần Thép Vân Thái Vinashin, để thực hiện dự án Nhà máy Sản xuất bê tông sử dụng hạt nix. Ban quản lý đã ban hành quyết định chấm dứt hoạt động đối với dự án đầu tư nêu trên, nên Công ty Cổ phần Thép Vân Thái Vinashin đang thực hiện thanh lý tài sản để trả lại đất. Vì vậy, trước mắt đề nghị HVS rà soát toàn bộ diện tích đất 100ha của dự án để đưa toàn bộ vào sử dụng hiệu quả. “Trong thời gian tới, đề nghị của HVS mở rộng đối với diện tích mặt nước biển phải có báo cáo, đề xuất gửi về ban để tổng hợp, trình UBND tỉnh xem xét”, ông Hoàng nói.
|
Về vấn đề đường giao thông, lãnh đạo HVS đề nghị UBND tỉnh xem xét cho phép công ty được đóng con đường nhỏ bên hông nhà máy để mở rộng mặt bằng sản xuất. Tuy nhiên, Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Phong cho rằng, khu dân cư phía nam nhà máy gồm thôn Mỹ Giang và Ninh Yển (xã Ninh Phước, thị xã Ninh Hòa) có tổng dân số khoảng 700 hộ, chủ yếu sử dụng con đường này để lưu thông ra Quốc lộ 26B và xã Ninh Thủy. Trong khi đó, ông Cao Tấn Lợi - Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải khẳng định, việc đóng con đường này sau khi Cải tuyến Tỉnh lộ 1B, đoạn từ Hyundai Vinashin đến xã Ninh Tịnh hoàn thành sẽ ảnh hưởng đến hoạt động đi lại của người dân, xa hơn so với đi đường cũ khoảng 5km. Vì vậy, kiến nghị của HVS hiện nay chưa thể xem xét. Sau khi dự án Tổ hợp lọc hóa dầu Nam Vân Phong (sát cạnh dự án Nhà máy đóng tàu HVS) hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, di dời toàn bộ dân cư tại khu vực này thì kiến nghị của HVS sẽ được xem xét.
Về nguồn lao động
Hiện nay, HVS gặp nhiều khó khăn trong việc tuyển dụng công nhân vì nhiều lao động địa phương đã di chuyển đến nơi khác tìm kiếm việc làm hoặc chọn nghề tự do; trong khi nguồn nhân lực chính là đội ngũ kỹ sư và nhân viên văn phòng công ty tuyển dụng từ Trường Đại học Nha Trang khả năng ngoại ngữ còn hạn chế. Trả lời vấn đề này, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, khoảng thời gian từ năm 2013 đến 2015, lãnh đạo HVS đã phối hợp rất tốt với Trường Trung cấp Nghề Ninh Hòa để đào tạo nhân lực phục vụ công ty. Tuy nhiên, từ năm 2016 đến cuối năm 2017, hoạt động phối hợp này không được duy trì. Đầu năm 2018, mối liên hệ này mới được kết nối lại và dự kiến trong tháng 4 hai bên sẽ ký kết hợp đồng để giải quyết vấn đề thiếu nguồn lao động. Ngoài ra, bên cạnh các phiên giao dịch việc làm thông thường, Trung tâm Giao dịch việc làm tỉnh sẽ tổ chức phiên giao dịch việc làm chuyên đề tại huyện Diên Khánh vào ngày 25-5 và 15-6 tại thị xã Ninh Hòa để tuyển dụng lao động cho các khu công nghiệp và khu kinh tế.
Ông Trần Sơn Hải cho rằng, lãnh đạo tỉnh luôn lắng nghe và đồng hành cùng HVS để giải quyết các khó khăn, vướng mắc. Thời gian tới, nếu có các khó khăn, đề nghị HVS tổng hợp gửi Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Phong giải quyết. Đối với các vướng mắc lớn, không thể giải quyết thì kiến nghị tổ chức buổi đối thoại để tỉnh giải đáp và chỉ đạo các ngành chức năng tháo gỡ trong thời gian sớm nhất.
Theo Báo Khánh Hòa