Chiều 22-4, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị số 32 ngày 10-4-2024 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định và phát triển bền vững ngành thủy sản (gọi tắt là Chỉ thị số 32) theo hình thức trực tuyến. Đồng chí Trương Thị Mai - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Trần Lưu Quang - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Lê Minh Hoan - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng chủ trì hội nghị. Dự hội nghị tại điểm cầu Trung ương có lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương.
Dự hội nghị tại điểm cầu Khánh Hòa có các đồng chí: Nguyễn Hải Ninh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Khắc Toàn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Hà Quốc Trị - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh và các vị trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các Tỉnh ủy viên cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành và địa phương trong tỉnh.
|
Thường trực Tỉnh ủy và đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Khánh Hòa. |
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã báo cáo những nội dung chủ yếu của Chỉ thị số 32 của Ban Bí thư; Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang báo cáo chương trình hành động của Ban Cán sự đảng Chính phủ về triển khai Chỉ thị số 32 của Ban Bí thư. Theo đó, thời gian tới, Chính phủ đẩy mạnh công tác thông tin truyền thông, tuyên truyền, tập huấn, vận động, nâng cao nhận thức ý thức trách nhiệm đối với công tác chống khai thác IUU; hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan chống khai thác IUU để xử lý dứt điểm tàu cá “3 không”; nâng cao năng lực thực thi pháp luật, xử lý các hành vi vi phạm khai thác IUU. Đồng thời, Chính phủ sẽ triển khai đồng bộ, quyết liệt pháp luật về thủy sản trong quản lý đội tàu, kiểm soát hoạt động tàu cá trên biển, tại cảng, xuất, nhập bến phải tuân thủ theo quy định pháp luật; thực hiện nghiêm các quy định pháp luật Việt Nam và quốc tế về xác nhận, chứng nhận và truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác, đảm bảo không có sản phẩm thủy sản bất hợp pháp xuất khẩu ra nước ngoài; điều tra, xác minh, xử lý triệt để các hành vi khai thác IUU, kiên quyết ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài; tăng cường hợp tác quốc tế trong chống khai thác IUU, tranh thủ sự ủng hộ của các bên liên quan để sớm gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của Ủy ban Châu Âu (EC)…
|
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hòa Nam báo cáo về công tác chống khai thác IUU của tỉnh Khánh Hòa. |
Cũng tại hội nghị, một số địa phương đã báo cáo kết quả triển khai chống khai thác IUU. Trong đó, UBND tỉnh Khánh Hòa chia sẻ kinh nghiệm và công tác quản lý, giám sát tàu cá, sản lượng cập cảng và truy xuất nguồn gốc; kết quả thực hiện các khuyến nghị của EC tại đợt kiểm tra lần thứ 4. Theo đó, hiện nay toàn tỉnh Khánh Hòa có 3.180 tàu cá; trong đó có 654 tàu có chiều dài từ 15m trở lên (21%) và đã có 651/654 tàu cá (đạt 99,5%) lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. 100% tàu cá bốc dỡ thủy sản tại các cảng cá được Ban quản lý Cảng cá kiểm tra, giám sát sản lượng. Với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền và xử lý, nhận thức của ngư dân trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đối với việc chống khai thác IUU đã được nâng lên rõ rệt. Các chủ tàu, thuyền trưởng đã tuân thủ nghiêm túc việc khai báo khi tàu rời cảng và cập cảng cá, mang đầy đủ các giấy tờ đăng ký, đăng kiểm, chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng,…và trang bị các thiết bị an toàn hàng hải, khai thác, cứu sinh,… khi tàu hoạt động khai thác trên biển khơi. Từ tháng 10-2018 đến nay, chỉ có 1 tàu cá vi phạm. Để thực hiện hiệu quả công tác chống khai thác IUU, sớm khắc phục cảnh báo “thẻ vàng” của EC, tỉnh Khánh Hòa đề nghị Chính phủ sớm đàm phán phân định ranh giới trên biển với các nước liên quan; chỉ đạo các bộ, ngành liên quan hướng dẫn vùng khai thác đảm bảo an toàn cho ngư dân; tăng cường các lực lượng tuần tra trên các vùng biển khơi giáp ranh nhằm ngăn chặn tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển các nước để đánh bắt hải sản trái phép và kịp thời cứu hộ, cứu nạn tàu cá Việt Nam khi gặp nạn trên biển; sớm bổ sung thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của lực lượng kiểm ngư địa phương trong Luật Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản…
|
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Khánh Hòa |
Phát biểu kết luận hội nghị, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai đánh giá, thời gian qua, việc chống khai thác IUU đã có kết quả tích cực, tuy nhiên nếu không nỗ lực sẽ không gỡ bỏ được “thẻ vàng” của EC, điều này không chỉ ảnh hưởng đến kinh tế mà còn ảnh hưởng rất lớn hình ảnh của quốc gia trên thế giới. Đồng chí Trương Thị Mai đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương và các bộ, ngành liên quan tập trung thực hiện tốt công tác quản lý và giám sát tàu cá, sản lượng khai thác thủy sản; sản lượng thủy sản; công tác xác nhận, chứng nhận thủy sản khai thác… để hướng đến gỡ "thẻ vàng" trong năm 2024. Để làm được điều này cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền để thống nhất về nhận thức và hành động, xử lý nghiêm vi phạm để đưa chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước đi vào cuộc sống; lựa chọn các kinh nghiệm của các nước để áp dụng vào Việt Nam. Các cấp ủy, chính quyền địa phương kịp thời biểu dương những tổ chức làm tốt Chỉ thị số 32 của Ban Bí thư; thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở các tổ chức, cá nhân chưa làm tốt việc chống khai thác IUU… đồng chí Trương Thị Mai cũng lưu ý, việc gỡ “thẻ vàng” của EC mới chỉ là bước đầu, về lâu dài phải quan tâm đến vấn đề minh bạch trong khai thác thủy sản, có sinh kế bền vững cho người dân để hướng đến phát triển thủy sản bền vững.
XUÂN THÀNH
Theo https://baokhanhhoa.vn/chinh-tri/202404/hoi-nghi-quan-triet-va-trien-khai-thuc-hien-chi-thi-so-32-ve-tang-cuong-su-lanh-dao-cua-dang-doi-voi-cong-tac-chong-khai-thac-thuy-san-bat-hop-phap-ed44d0d/