Ngày 11-12, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa tổ chức Hội nghị chuyên đề về công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện giải ngân đầu tư công. Báo Khánh Hòa điện tử trân trọng đăng toàn văn Kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tại hội nghị.
KẾT LUẬN
CỦA BAN THƯỜNG VỤ TỈNH ỦY
tại Hội nghị chuyên đề về công tác lãnh đạo, chỉ đạo
và tổ chức thực hiện giải ngân đầu tư công
-----
Ngày 11/12/2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị chuyên đề về công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện giải ngân đầu tư công. Cùng dự có đại diện lãnh đạo Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, lãnh đạo UBND tỉnh; các sở, ban, ngành liên quan; đồng chí Bí thư, Chủ tịch UBND, Phó Chủ tịch UBND phụ trách lĩnh vực của các huyện, thị xã, thành phố và đại diện các chủ đầu tư dự án đầu tư công trên địa bàn tỉnh. Sau khi nghe Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (được Ban cán sự đảng UBND tỉnh ủy quyền) báo cáo tóm tắt thực trạng giải ngân đầu tư công năm 2023 (Báo cáo số 589/BC-BCSĐ, ngày 08/12/2023 của Ban cán sự đảng UBND tỉnh), ý kiến của các thành viên dự họp và ý kiến của đồng chí Lê Hữu Hoàng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy kết luận như sau:
1. Ghi nhận, đánh giá cao đối với Ban cán sự đảng UBND tỉnh trong việc chuẩn bị Báo cáo số 589/BC-BCSĐ, ngày 08/12/2023; sự nỗ lực, cố gắng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, vai trò tham mưu, tổ chức thực hiện của các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố, chủ đầu tư trong thời gian qua đối với việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh trong 11 tháng đầu năm 2023 còn thấp, chưa đạt kế hoạch đề ra (đạt 55,2% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, 64,3% kế hoạch tỉnh giao); việc triển khai các dự án đầu tư công trọng điểm theo Nghị quyết số 25-NQ/TU, ngày 30/9/2022 của Tỉnh ủy còn chưa được quan tâm đúng mức.... Hạn chế này xuất phát từ cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhất là hệ lụy từ những sai phạm trong công tác quản lý đất đai, quy hoạch làm kéo dài thời gian xác minh nguồn gốc đất, chậm trễ trong công tác giải phóng mặt bằng; một số cấp ủy, chính quyền và cơ quan, đơn vị chưa phát huy hết tinh thần trách nhiệm; công tác phối hợp giữa chủ đầu tư và các sở, ngành, địa phương chưa kịp thời, thiếu chặt chẽ; một số chủ đầu tư chưa thật sự chủ động trong thực hiện nhiệm vụ được giao, còn tình trạng đùn đẩy trách nhiệm giữa các cơ quan, đơn vị...
2. Ban Thường vụ Tỉnh ủy cơ bản thống nhất nội dung báo cáo và giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công của Ban cán sự đảng UBND tỉnh tại Báo cáo số 589/BC-BCSĐ, đề nghị Ban cán sự đảng UBND tỉnh tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tại hội nghị, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, địa phương, chủ đầu tư dự án đầu tư công khẩn trương, nghiêm túc thực hiện tốt công tác giải ngân đầu tư công, đặt quyết tâm hoàn thành cao nhất tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công theo kế hoạch đề ra năm 2023, trong đó lưu ý một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
2.1. Cần nhận thức đầy đủ về vị trí, tầm quan trọng của giải ngân vốn đầu tư công trong bối cảnh tình hình mới, không chỉ là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, mà còn có ý nghĩa chính trị rất lớn, góp phần hoàn thiện cơ sở hạ tầng, tạo động lực, không gian phát triển mới cho tỉnh Khánh Hòa hướng tới mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030 theo Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 28/01/2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
2.2. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo của cấp uỷ, chính quyền và cơ quan, đơn vị, trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu trong lãnh đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ giải ngân đầu tư công. Việc phân công lãnh đạo phụ trách phải bảo đảm hợp lý, rõ ràng, phù hợp với năng lực, sở trường; một việc phải có một người, một cơ quan chủ trì và chịu trách nhiệm. Đồng thời, tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị đối với công tác giải ngân vốn đầu tư công; xem xét thành lập Ban Chỉ đạo ở cấp huyện phù hợp với tình hình thực tiễn địa phương.
2.3. Khẩn trương rà soát, nghiên cứu đề xuất điều chỉnh, bổ sung danh mục các dự án đầu tư công trọng điểm giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030, theo Nghị quyết số 25-NQ/TU, ngày 30/9/2022 của Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 12, báo cáo Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh xem xét, quyết định trong tháng 12/2023.
2.4. Chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư:
- Nâng cao vai trò, trách nhiệm và tính chủ động trong công tác tham mưu theo dõi, đôn đốc, điều phối giải ngân đầu tư công bảo đảm tiến độ đề ra; thực hiện phân bổ vốn đầu tư công bảo đảm kịp thời, khả thi, theo hướng đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm chất lượng, hiệu quả, sát tình hình thực tế, không manh mún, dàn trải.
- Đôn đốc chủ đầu tư thực hiện nghiêm quy định về chế độ báo cáo tình hình giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công hàng tháng; tổng hợp, đề xuất việc giải quyết khó khăn, vướng mắc, báo cáo UBND tỉnh và Thường trực Tỉnh ủy để kịp thời chỉ đạo cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị có liên quan. Nghiên cứu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tăng tính kịp thời, hiệu quả trong theo dõi, đôn đốc báo cáo và nắm tiến độ giải ngân, triển khai các dự án.
- Nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm, quy định, quy trình của các địa phương làm tốt công tác này; rà soát, tham mưu UNBD tỉnh hoàn thiện quy trình thẩm định chủ trương dự án đầu tư và phân bổ kinh phí cho dự án đầu tư công, bảo đảm tính khả thi về thời gian thực hiện, khả năng hoàn thành việc giải ngân theo kế hoạch, sát với tình hình thực tế của tỉnh. Trong đó, phải khắc phục tình trạng thiếu trách nhiệm trong việc phối hợp giữa các sở, ngành, giữa sở, ngành với địa phương, giữa chủ đầu tư với các cơ quan có liên quan; quy định rõ thời gian, chế tài xử lý đối với các trường hợp chậm/không trả lời văn bản của các cơ quan, đơn vị chủ trì.
2.5. Về công tác giải phóng mặt bằng:
- Thực hiện nghiêm, đúng quy định pháp luật về công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đối với người dân. Khẩn trương rà soát, ưu tiên xác định quỹ đất để bố trí tái định cư cho người dân tại các vị trí thuận lợi; các khu tái định cư phải được đầu tư hạ tầng thiết yếu, đồng bộ, bảo đảm quyền lợi chính đáng và tạo sự đồng thuận của người dân bị ảnh hưởng bởi dự án.
- Đối với các địa phương có quỹ đất hạn chế, nghiên cứu triển khai thí điểm mô hình tái định cư bằng nhà chung cư hoặc xem xét, đề xuất điều chỉnh quy hoạch cục bộ theo cơ chế, chính sách đặc thù tại Nghị quyết số 55/2022/QH15 của Quốc hội để giải quyết nhu cầu về quỹ đất tái định cư phù hợp với tình hình thực tế.
- Thực hiện việc tách công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án riêng theo theo Nghị quyết số 55/2022/QH15 của Quốc hội để đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án. Nghiên cứu, tham khảo, học tập kinh nghiệm của các địa phương khác trong cả nước về công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư (thông qua việc tổ chức Diễn đàn chính sách địa phương) và đề xuất cơ chế, chính sách hiệu quả để trình HĐND tỉnh xem xét thông qua và tổ chức thực hiện.
2.6. Về các cơ chế, chính sách:
- Rà soát, đề xuất các giải pháp về tổ chức bộ máy, chế độ, chính sách khả thi, đúng quy định nhằm hỗ trợ cán bộ, công chức thực hiện công tác giải ngân đầu tư công phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ và tình hình thực tiễn của tỉnh.
- UBND thị xã Ninh Hòa, UBND huyện Vạn Ninh và UBND huyện Cam Lâm chủ trì, phối hợp với cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thực hiện công tác điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm, xác minh nguồn gốc đất, tài sản gắn liền với đất trước khi thu hồi đất theo đúng Nghị quyết số 55/2022/QH15 của Quốc hội để rút ngắn thời gian triển khai thực hiện dự án theo cơ chế đặc thù đã được ban hành.
3. Đề nghị Đảng đoàn HĐND tỉnh lãnh đạo HĐND tỉnh tăng cường giám sát công tác đầu tư công, giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh theo kế hoạch giám sát; kịp thời báo cáo kết quả giám sát, nhất là những vấn đề khó khăn, bất cập cho Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, chỉ đạo.
T/M BAN THƯỜNG VỤ
PHÓ BÍ THƯ THƯỜNG TRỰC
Nguyễn Khắc Toàn