Năm 2020 là năm cuối để hoàn thành toàn bộ mục tiêu trong Chương trình cải cách hành chính tỉnh giai đoạn 2011-2020 và Kế hoạch cải cách hành chính tỉnh giai đoạn 2016-2020, trên cơ sở đó trong năm nay, UBND tỉnh Khánh Hòa đã đề ra 10 mục tiêu trọng tâm, 40 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, phân định rõ trách nhiệm chủ trì, phối hợp, lộ trình thực hiện và kết quả trên 07 lĩnh vực cải cách hành chính.
Giao diện trang thông tin điện tử
Trung tâm Dịch vụ hành chính công trực tuyến tỉnh Khánh Hòa
Trong đó, tỉnh đã đề ra nhiều chỉ tiêu cao và quan trọng như: tỷ lệ hồ sơ trễ hạn trên các lĩnh vực giảm xuống dưới 3%; 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện thực hiện trực tuyến ở mức độ 3,4; tỉ lệ cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp, đăng ký đầu tư trực tuyến đạt tối thiểu 49%; 100% hồ sơ thủ tục hành chính áp dụng cơ chế một cửa, một cửa liên thông được số hóa, luân chuyển, phối hợp xử lý trực tuyến; 100% cơ quan đơn vị ngân sách trên địa bàn tỉnh giao dịch trực tuyến với hệ thống Kho bạc nhà nước… Cùng với đó, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh việc mở rộng áp dụng các mô hình, sáng kiến, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động cơ quan hành chính để phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Đáng chú ý là sau hơn 1 năm thực hiện, Trung tâm Dịch vụ hành chính công trực tuyến tỉnh Khánh Hòa đã đi vào vận hành toàn diện, thông suốt, hiệu quả, bổ sung thêm nhiều dịch vụ, tiện ích mới cung cấp cho người dân, tổ chức doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Tính đến tháng 3/2020, tổng số dịch vụ công trực tuyến đã cung cấp trên Trung tâm là 204/2.025 quy trình thủ tục hành chính; trong đó, mức độ 3 là 160 quy trình thủ tục hành chính và mức độ 4 là 44 quy trình thủ tục hành chính. UBND tỉnh cũng đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt, kịp thời tháo gỡ, xử lý những khó khăn,vướng mắc cho người dân và doanh nghiệp trong việc thực hiện nộp hồ sơ trực tuyến, như việc phát hành biên lai điện tử cho tổ chức, cá nhân khi nộp trực tuyến phí, lệ phí, nghĩa vụ tài chính; xử lý hồ sơ trên phần mềm Một cửa điện tử khi tiến hành hợp nhất tổ chức, chưa xác định được nghĩa vụ tài chính; tăng cường tuyên truyền, đẩy mạnh nộp hồ sơ trực tuyến, hạn chế đến Bộ phận Một cửa để phòng, chống dịch Covid-19...
Kết quả nổi bật trong công tác cải cách hành chính quý I/2020 là dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến tăng mạnh, số lượng hồ sơ tiếp nhận trên Phần mềm Một cửa điện tửlà 135.361 hồ sơ, giải quyết và trả kết quả 113.529 hồ sơ, trong đó sớm và đúng hạn 111.769 hồ sơ, chiếm tỷ lệ 97,70%. Riêng hồ sơ trực tuyến mức độ 3,4 là 22.050 hồ sơ, chiếm tỷ lệ 19,27%, đây là tỉ lệ cao nhất từ trước đến nay. Hồ sơ thanh toán trực tuyến là 480 hồ sơ,gấp gần 7,3 lần so với cả năm 2018 và 2019 cộng lại.
Tuy nhiên, việc triển khai cải cách hành chính thời gian qua vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, đó là: Công tác truyền thông về dịch vụ công trực tuyến ở môt số cơ quan, cấp cơ sở chưa hiệu quả; việc hỗ trợ tiếp cận dịch vụ công trực tuyến cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp chưa đồng bộ, thường xuyên; việc phối hợp liên thông trực tuyến có lúc còn lúng túng, nhất là giữa các cơ quan hành chính tỉnh với các cơ quan ngành dọc;…
Thời gian tới, UBND tỉnh sẽ triển khai một số nhiệm trọng tâm cải cách hành chính để đạt được tiêu phấn đấu tối thiểu 90% người dân, tổ chức doanh nghiệp trong tỉnh được tiếp cận thông tin về Trung tâm Dịch vụ hành chính công trực tuyến tỉnh, trong đó có khoảng 30-40% hiểu rõ và sử dụng các dịch vụ, tiện tích trực tuyến do Trung tâm cung cấp; 100% cán bộ, công chức, viên chức nắm vững mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm, tình hình và kết quả cải cách hành chính của tỉnh để có thể hướng dẫn, hỗ trợ hiệu quả cho người dân, tổ chức doanh nghiệp tiếp cận; tiếp tục rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, cắt giảm các loại giấy tờ không cần thiết, tiết giảm đến mức thấp nhất chi phí cho tổ chức, cá nhân khi thực hiện thủ tục hành chính.
Song song với đó, tỉnh Khánh Hòa sẽ tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành và cung ứng dịch vụ công; thực hiện đồng bộ các giải pháp cải thiện, nâng cao chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh, chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công, chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính… Dịch vụ công trực tuyến làm mạnh, đồng loạt, sẽ là bước tiến lớn trong cải cách hành chính, bộ máy minh bạch, hiệu quả hơn.
Xuân Thỏa - VPTU