Kế hoạch cải cách hành chính năm 2019 do UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành đã xác định 12 mục tiêu trọng tâm, 64 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, phân định rõ trách nhiệm cơ quan chủ trì, phối hợp, thời hạn và kết quả trên 07 lĩnh vực. Theo báo cáo của UBND tỉnh, tính đến thời điểm hiện tại, tất cả nhiệm vụ đề ra đã hoàn thành đúng theo kế hoạch.

Đồng chí Nguyễn Tấn Tuân, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy
và đồng chí Trần Thu Mai, Giám đốc Sở nội vụ
tặng cờ lưu niệm cho các đội lọt vào vòng chung khảo (ngày 04/10/2019)
Trong đó, hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước của tỉnh Khánh Hòa thời gian qua luôn được đẩy mạnh, hỗ trợ hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, công tác quản lý chuyên môn, nghiệp vụ của các cơ quan, đơn vị; cải tiến môi trường và phong cách làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo hướng hiện đại; tăng năng suất lao động và chất lượng giải quyết thủ tục hành chính, góp phần nâng cao sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước tại tỉnh Khánh Hòa.
Toàn tỉnh hiện có 143 trang thông tin điện tử cung cấp thông tin và các dịch vụ hành chính công đáp ứng nhu cầu khai thác thông tin và giải quyết thủ tục hành chính của cá nhân, tổ chức (20 cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, 08 UBND cấp huyện, 115 UBND cấp xã). 198 cơ quan hành chính nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã (53 cơ quan cấp tỉnh và cơ quan ngành dọc Trung ương, 08 UBND cấp huyện, 137 UBND cấp xã) được triển khai Phần mềm quản lý văn bản và điều hành (E-Office), với cùng một phiên bản thống nhất, được tích hợp chữ ký số và xác thực chữ ký số, liên thông đồng bộ trên cả ba cấp tỉnh - huyện - xã. Đã triển khai kết nối Hệ thống với trục liên thông văn bản quốc gia.
Phần mềm E-Office hiện đang phục vụ rất hiệu quả cho hoạt động ứng dụng chữ ký số và trao đổi văn bản điện tử của các cơ quan trên địa bàn tỉnh. Năm 2019, tỷ lệ văn bản đi/đến được chuyển trên môi trường mạng trên tổng số văn bản gửi/nhận giữa các cơ quan, đơn vị và trong nội bộ cơ quan, đơn vị đạt 100%, trong đó chuyển hoàn toàn trên môi trường mạng không kèm theo văn bản giấy đạt 78%. Bên cạnh đó, có 4.600 tài khoản thư điện tử công vụ đã được cấp phát cho các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức; việc sử dụng thư điện tử công vụ trong các cơ quan, đơn vị nhà nước đã giúp giảm giấy tờ, văn bản hành chính, giảm thời gian gửi nhận văn bản, tăng tính bảo mật, an toàn thông tin, góp phần hiện đại hóa công tác quản lý.
UBND tỉnh đang triển khai Đề án ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hoạt động dạy học và dạy nghề. Mục đích của Đề án là nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác quản lý giáo dục nghề nghiệp, hoạt động dạy và học nghề, góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho sự phát triển 03 vùng kinh tế trọng điểm tỉnh và của quốc gia, đáp ứng nhu cầu xã hội.
Toàn bộ các cơ quan hành chính từ cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp xã đã triển khai đồng bộ hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2008. Có tổng cộng 183 HTQLCL theo TCVN ISO 9001:2008 đang áp dụng trong 278 cơ quan hành chính nhà nước: Cấp tỉnh có 38 HTQLCL trong 40 cơ quan hành chính nhà nước; cấp huyện có 08 HTQLCL trong 101 cơ quan hành chính nhà nước cấp huyện; cấp xã có 137 HTQLCL trong 137 UBND cấp xã.
UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án chuyển đổi áp dụng HTQLCL theo TCVN ISO 9001:2015 trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh. Một trong các mục tiêu của Đề án đề ra là đến năm 2021, toàn bộ 184 HTQLCL tại 227 cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh được chuyển đổi áp dụng thành công HTQLCL theo TCVN ISO 9001:2015.
Nhìn chung, công tác CCHC đã được sự quan tâm, chỉ đạo thường xuyên, trực tiếp và rất quyết liệt của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND tỉnh, lãnh đạo UBND tỉnh. Nhiều vấn đề khó, phức tạp được lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo kịp thời; tình hình, kết quả thực hiện được theo dõi, đánh giá một cách thường xuyên, cụ thể, chú trọng kết quả, hiệu quả thực chất, không né tránh, xuê xoa. Từ đó, tạo chuyển biến một cách căn bản về nhận thức, ý thức trách nhiệm và phương pháp tổ chức thực hiện CCHC tại từng sở, ngành, địa phương; trong từng cán bộ, công chức, viên chức; kỷ cương CCHC tiếp tục được tăng cường, khen thưởng và chế tài nghiêm minh.
Trong quá trình triển khai, đã có sự phân công, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các ngành, các cấp, các lĩnh vực, nhờ vậy nhiều mục tiêu, nhiệm vụ đã hoàn thành vượt mức, sớm tiến độ đề ra. Các lĩnh vực ngành dọc tại tỉnh đã chủ động, tích cực tham gia CCHC theo sự điều hành chung của UBND tỉnh, tiên phong thực hiện các mô hình, giải pháp mới trong thực hiện thủ tục hành chính phục vụ Nhân dân. Cơ sở dữ liệu TTHC được hệ thống hóa cả 03 cấp. Việc phối hợp liên thông giải quyết hồ sơ giữa các cơ quan, các cấp hành chính tỉnh với nhiều tình huống thủ tục khác nhau đã được giải quyết. Chất lượng thực hiện công tác CCHC của các cơ quan, đơn vị tiếp tục được cải thiện trong bối cảnh yêu cầu quản lý nhà nước và yêu cầu được phục vụ của Nhân dân ngày càng cao.
Tuy nhiên, trong quá trình chỉ đạo, tổ chức thực hiện CCHC cũng gặp phải những khó khăn nhất định, trước hết là do mục tiêu và nhiệm vụ CCHC rất rộng lớn, phức tạp, nhiều nội dung rất mới, vừa làm vừa nghiên cứu và rút kinh nghiệm; trong khi điều kiện và nỗ lực của bộ máy hành chính có giới hạn thì nhu cầu được phục vụ của người dân, tổ chức, doanh nghiệp gia tăng rất nhanh, tạo ra áp lực rất lớn. Một số khó khăn, vuớng mắc xuất phát từ quy định, bất cập, chậm trễ của Trung ương, rất cần được Chính phủ, các Bộ, ngành sớm quan tâm giải quyết.
Nguyên Lộc, Văn phòng Tỉnh ủy