Để giữ vững tài nguyên rừng thuộc lâm phận được giao quản lý trong mùa khô năm nay, huyện Khánh Vĩnh, Khánh Hòa đang tập trung tối đa cho công tác phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR).
Ông Phạm Quốc Kỳ - Đội trưởng Đội Quản lý, bảo vệ rừng Công ty TNHH một thành viên Lâm sản Khánh Hòa cho hay: “Hiện nay, công ty được Nhà nước giao quản lý hơn 41.380ha rừng và đất quy hoạch lâm nghiệp tại địa bàn huyện Khánh Vĩnh, trong đó có hơn 21.500ha rừng phòng hộ, hơn 12.000ha rừng sản xuất, hơn 6.600ha đất lâm nghiệp. Nguy cơ cháy rừng rất lớn bởi nhiều diện tích tiếp giáp với khu dân cư, đường giao thông. Đặc biệt, công tác PCCCR năm nay càng khó khăn hơn khi 1.500ha rừng tự nhiên, rừng trồng trong lâm phận bị gãy đổ tạo nên nguồn vật liệu cháy rất lớn. Hiện nay, đơn vị đang tổ chức ứng trực 24/24 giờ; kiểm tra, canh gác các vùng trọng điểm dễ cháy trên diện tích 8.000ha rừng”. Theo tìm hiểu của chúng tôi, các chủ rừng khác như: Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Trầm Hương, Công viên Du lịch Yang Bay, UBND cấp xã… cũng đang tập trung tối đa cho công tác PCCCR.
|
Năm 2017, tuy trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh không xảy ra vụ cháy nào gây thiệt hại lớn về tài nguyên rừng, nhưng nguy cơ cháy rừng tại Khánh Vĩnh vẫn rất cao. Do đời sống người dân địa phương còn khó khăn nên họ thường xuyên vào rừng tận thu sản vật, kéo theo việc sử dụng lửa trong rừng; một số chủ rừng chưa thực hiện tốt trách nhiệm quản lý lâm phận của mình; sự phối hợp giữa các chủ rừng và cơ quan chức năng, chính quyền chưa được đồng bộ; mùa chống cháy cũng là thời điểm người dân phát nương đốt rẫy nên rất dễ cháy lan vào rừng; diện tích rừng bị gãy đổ do cơn bão số 12 chưa được tận thu còn lớn…
Hiện nay, hiệu quả công tác PCCCR chưa cao do chủ yếu sử dụng phương tiện, dụng cụ thô sơ để chữa cháy. Vì vậy, để hạn chế thiệt hại do cháy rừng gây ra, cần tập trung thực hiện tốt công tác phòng cháy. Bên cạnh kiện toàn lực lượng, trang thiết bị PCCCR, tuyên truyền vận động nâng cao nhận thức về PCCCR cho người dân, nhất là các hộ sinh sống gần rừng, trong rừng, đốt nương làm rẫy…, các chủ rừng, địa phương cần xác định rõ nguy cơ cháy rừng kéo dài suốt từ tháng 3 đến tháng 8, thời điểm dễ cháy từ khoảng 9 đến 15 giờ hàng ngày để tập trung tối đa cho công tác phòng cháy. Trong PCCCR, địa phương cần hết sức chú trọng diện tích rừng có nguy cơ cháy cao hơn (11.354ha, chưa tính rừng trồng của hộ gia đình do UBND cấp xã quản lý), trong đó có hơn 6.753ha rừng tự nhiên và hơn 4.600ha rừng trồng và diện tích rừng trồng của hộ gia đình.
Theo ông Lê Đức Dũng - Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh, để giảm thiểu số vụ cháy và thiệt hại do cháy rừng gây ra, UBND huyện Khánh Vĩnh đã chỉ đạo các chủ rừng, địa phương tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ rừng, PCCCR cho người dân; xác định các tình huống cháy rừng để có biện pháp phòng cháy, chữa cháy hiệu quả ở từng khu vực trọng điểm dễ cháy; kiện toàn lực lượng, đầu tư các công trình, bổ sung trang thiết bị PCCCR. Nguyên tắc của huyện là lấy phòng là chính, chữa cháy kịp thời, triệt để. Huyện Khánh Vĩnh còn chỉ đạo việc thống nhất về chỉ huy, huy động lực lượng, phương tiện, hậu cần tham gia công tác PCCCR theo phương châm 4 tại chỗ. Địa phương cũng đã giao trách nhiệm cụ thể cho chủ rừng, UBND cấp xã, các lực lượng chức năng.
Theo Báo Khánh Hòa