Đọc báo cáo tình hình phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) 6 tháng đầu năm của UBND tỉnh Khánh Hòa, thấy có quá nhiều chữ “giảm” khiến ta không khỏi chạnh lòng. Giảm nhiều quá. Nhiều chỉ tiêu lại giảm rất sâu. GRDP giảm 12,02%; doanh thu du lịch giảm 71,8%; kim gạch xuất khẩu giảm 19,8%; tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm giảm 24%; thu ngân sách giảm 26,7%... Một trường hợp có chữ “tăng” nhưng lại rất đáng buồn: Có tới 894 doanh nghiệp xin dừng hoạt động, tăng tới 101,8%... Nói theo cách khác, nhiều lĩnh vực, ngành kinh tế chúng ta đang tăng trưởng âm.
Đáng lưu ý, GRDP 6 tháng đầu năm của Khánh Hòa giảm tới 12,02%, có nghĩa là tăng trưởng ở mức -12,02%. Trong khi đó, GDP cả nước tăng 1,81%. Xin nói thêm cho rõ: GRDP là tổng sản phẩm tính trên phạm vi một vùng, một tỉnh hay thành phố; còn GDP là tổng sản phẩm tính trên phạm vi lãnh thổ của một quốc gia; cả hai đều phản ánh kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh; quy mô và tốc độ phát triển của nền kinh tế. Lâu nay, GRDP của Khánh Hòa qua các năm hầu hết cao hơn GDP cả nước. Hiện nay giảm sâu như vậy là vì sao? Nhiều chuyên gia cho rằng, độ mở của kinh tế Khánh Hòa đang ngày càng lớn.
Covid-19 đã khiến ngành công nghiệp dệt may, da giày, sợi... của chúng ta điêu đứng, do nguyên liệu chủ yếu nhập từ Trung Quốc; các đơn vị lữ hành, cơ sở lưu trú, kinh doanh dịch vụ tê liệt, khi tỷ lệ hủy đoàn của du khách nước ngoài là... 100%. Covid-19 khiến doanh thu du lịch 6 tháng đầu năm giảm 71,8%, riêng tháng 6 giảm tới 96,2%. Và, Covid-19 cũng đã cho thấy rõ hơn vị thế của du lịch, dịch vụ trong phát triển KT-XH Khánh Hòa. Cơ cấu kinh tế dịch vụ, du lịch - công nghiệp - nông nghiệp đã là một thực tế rất rõ ràng, cụ thể. Ngành Du lịch đang từng bước hồi phục. Theo các chuyên gia, để đạt trạng thái phục hồi hoàn toàn cả về thị trường lẫn khả năng cung cấp dịch vụ, đảm bảo tăng trưởng ổn định, phải mất thời gian cả năm nữa. Cho nên, ngay từ bây giờ, chúng ta đã phải tính toán để có hướng đi hợp lý, vững chắc về thị trường, dịch vụ du lịch.
Nhìn qua bức tranh KT-XH của tỉnh, 6 tháng đầu năm, hầu hết các chỉ tiêu đều giảm. Đến tháng 6, mảng màu đã thấy sáng dần lên. Có những con số tăng rất đáng mừng: Trong tháng 6, toàn tỉnh cấp mới giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 213 doanh nghiệp, tăng 39,2%, với tổng vốn đăng ký hơn 1.325 tỷ đồng, tăng 115%. Đáng mừng nữa, trong bối cảnh khó khăn như vậy, tổng vốn đầu tư phát triển xã hội tăng 9,78%. Hiện nay, Nhà máy điện mặt trời Long Sơn có vốn đầu tư 3.400 tỷ đồng đang chuẩn bị xây dựng, dự kiến hoàn thành cuối năm nay; các khu công nghiệp Trảng É, Sông Cầu đang được các chủ đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng, thu hút các nhà đầu tư thứ cấp... Bên cạnh quyết tâm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh, đây là những nền tảng quan trọng thúc đẩy tăng trưởng GRDP trong thời gian tới.
HĐND tỉnh đặt ra chỉ tiêu tăng trưởng GRDP năm 2020 tăng 7,2%. Đến thời điểm này, có thể nói, nhiệm vụ nói trên là bất khả thi. UBND tỉnh kiến nghị không điều chỉnh các chỉ tiêu KT-XH mà HĐND đặt ra từ đầu năm, song, cố gắng đạt bằng mức tăng trưởng của năm 2019, có nghĩa là thoát khỏi tăng trưởng âm. Đây là sự cố gắng lớn, bởi tình hình dịch bệnh còn diễn biến rất phức tạp.
Tại cuộc họp UBND tỉnh thường kỳ tháng 6, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tấn Tuân quyết liệt chỉ đạo các ngành, địa phương sớm xây dựng, ban hành bảng giá đất trên địa bàn tỉnh để làm cơ sở thu hút đầu tư cũng như triển khai các dự án trọng điểm như: Tỉnh lộ 3, nút giao thông Ngọc Hội, đường Vành đai 2, kè sông Cái, đập ngăn mặn, cầu qua sông Cái... Dự án nào quan trọng thì ưu tiên, tập trung mọi nguồn lực thực hiện trước, không chậm trễ. Riêng ngành Du lịch phải có kế hoạch cụ thể hơn để kích cầu du lịch nội địa một cách hiệu quả... Cũng tại cuộc họp, chủ tịch tỉnh kêu gọi mỗi cán bộ, công chức phát huy ở mức cao nhất tinh thần trách nhiệm để đáp ứng nhu cầu công việc trong thời điểm khó khăn này.
Thời gian không đợi chúng ta!
Theo Báo Khánh Hòa
https://www.baokhanhhoa.vn/chinh-tri/thoisu-suyngam/202007/kho-va-vuot-kho-8172330/