PV: Thường trực HĐND tỉnh đã quyết định triệu tập Kỳ họp thứ 13, khóa VII. Xin đồng chí cho biết những nội dung sẽ được đưa ra thảo luận tại Kỳ họp này?
Đồng chí Nguyễn Khắc Toàn: Kỳ họp thứ 13, HĐND tỉnh khóa VII là kỳ họp thường lệ đầu tiên trong năm 2024 sẽ diễn ra vào ngày 28/3/2024. Dự kiến tại Kỳ họp này, HĐND tỉnh sẽ xem xét, cho ý kiến 23 nghị quyết, tập trung chủ yếu vào việc xem xét quyết định chủ trương đầu tư dự án; điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và năm 2024; HĐND tỉnh cũng quyết định xem xét điều chỉnh chủ trương đầu tư một số chương trình mục tiêu như: chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2021-2025; điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2021-2025; Chương trình Phát triển nhà ở tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2021-2030 (lần 2) nhằm triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 28/01/2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 55/2022/QH15, ngày 16/6/2022 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa.
Bên cạnh đó, HĐND tỉnh cũng xem xét, quyết định về biên chế công chức, viên chức; về số lượng cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã năm 2024 đối với các đơn vị hành chính cấp huyện trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa và một số nội dung quan trọng khác thuộc thẩm quyền.
Đồng chí Nguyễn Khắc Toàn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh
PV: Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2021 - 2025 là một trong những chương trình quan trọng đã được HĐND tỉnh xem xét, quyết định tại các Kỳ họp trước đây. Tại Kỳ họp này, việc điều chỉnh chủ trương đầu tư của Chương trình này tập trung vào những nội dung gì, thưa đồng chí?
Đồng chí Nguyễn Khắc Toàn: Ngày 22/8/2022, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 62/NQ-HĐND về việc phê duyệt chủ chương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Khánh Hòa, giai đoạn 2021 - 2025 và được HĐND tỉnh điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình tại Nghị quyết số 27/NQ-HĐND ngày 21/7/2023. Tại Kỳ họp này, UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét, quyết định điều chỉnh mục tiêu của Chương trình theo hướng tăng số địa phương đạt chuẩn (tăng thêm 13 xã trên toàn địa bàn tỉnh, từ 79 xã thành 92 xã), để đến cuối năm 2025 có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 10% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, không còn xã dưới 15 tiêu chí; các huyện Vạn Ninh, Cam Lâm đạt chuẩn huyện nông thôn mới, huyện Diên Khánh đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao; thành phố Cam Ranh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Song song với việc điều chỉnh mục tiêu, HĐND tỉnh sẽ xem xét điều chỉnh tổng vốn thực hiện Chương trình là 1.513.288 triệu đồng (tăng 428.922 triệu đồng so với Nghị quyết 27), chủ yếu do tăng đầu tư các công trình trường học để đạt tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đồng thời tăng đầu tư cho giao thông, đầu tư bổ sung để cấp huyện đạt chuẩn theo mục tiêu đã đề ra.
Việc xem xét điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới tỉnh Khánh Hòa, giai đoạn 2021 - 2025 là rất cần thiết để đạt mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 11/01/2021 của Tỉnh ủy và Nghị quyết số 05/NQ-HĐND ngày 15/01/2021 của HĐND tỉnh.
PV: Theo dự kiến chương trình, HĐND tỉnh sẽ thảo luận về giao số lượng cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã năm 2024 đối với các đơn vị hành chính cấp huyện trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa. Đây là nội dung mới so với quy định trước đây, xin đồng chí cho biết cụ thể hơn về vấn đề này?
Đồng chí Nguyễn Khắc Toàn: Thời gian qua, số lượng cán bộ công chức và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa được thực hiện theo Quyết định số 11/2020/QĐ-UBND ngày 19/5/2020 của UBND tỉnh về việc quy định số lượng cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa và Nghị quyết số 08/2019/NQ-HĐND ngày 11/12/2019 của HĐND tỉnh về số lượng, chức danh đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; mức phụ cấp, mức phụ cấp kiêm nhiệm đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và ở thôn, ở tổ dân phố; mức bồi dưỡng đối với người trực tiếp tham gia công việc của thôn, tổ dân phố và mức khoán kinh phí hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.
Vừa qua, triển khai thực hiện Nghị định số 33/2023/NĐ-CP ngày 10/6/2023 của Chính phủ quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố, theo đó đã sửa đổi, bổ sung và giao thẩm quyền đối với HĐND tỉnh trong việc quyết định số lượng cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách cấp xã đối với từng đơn vị hành chính cấp huyện. Do đó, tại Kỳ họp này, UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh xem xét, quyết định về nội dung này để làm cơ sở triển khai thực hiện chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách cấp xã trong năm 2024 phù hợp với tình hình thực tiễn; đồng thời nhằm phục vụ cho việc chủ động giải quyết số lượng cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dự kiến dôi dư do sáp nhập đơn vị hành chính giai đoạn 2023-2025 theo chủ trương chung.
Theo nội dung UBND tỉnh, số lượng cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã cần giao năm 2024, cụ thể như sau: số lượng cán bộ, công chức cấp xã trên địa bàn tỉnh năm 2024 là 3.123 người (trong đó, số theo phân loại đơn vị hành chính cấp xã là 2.919 người; số tăng thêm theo quy mô dân số và diện tích tự nhiên là 204 người); Số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã trên địa bàn tỉnh là 1.946 người (trong đó, số theo phân loại đơn vị hành chính cấp xã là 1.742 người; số tăng thêm theo quy mô dân số và diện tích tự nhiên là 204 người).
PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí! Chúc Kỳ họp thứ 13, HĐND tỉnh khóa VII diễn ra thành công tốt đẹp!
Ban Biên tập Website