Đã 65 năm, lớp người làm nên trang sử vàng chiến thắng Điện Biên Phủ năm xưa nay đã cận kề tuổi 90. Thế nhưng, khi nhắc đến những ngày tháng hào hùng ấy, tất cả đều phấn chấn, hào hứng kể lại như vừa diễn ra.
Cả nước cùng ra trận
Ngày ấy, chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ, cả nước ùn ùn ra trận. Ở Thanh Hóa, Nghệ Tĩnh... người viết đơn tình nguyện đi bộ đội, người xung phong đi dân công hỏa tuyến với khí thế sục sôi. Bà Lê Thị Lam (88 tuổi, hiện nay ở 14 Trần Phú, phường Vĩnh Nguyên, TP. Nha Trang) vẫn nhớ, ngày đó ở quê bà (Hà Trung, Thanh Hóa), mọi người đều một lòng hướng lên Điện Biên. Thanh niên trai tráng đăng ký đi chiến dịch nhiều vô kể, nhiều người có gia đình rồi cũng đi. Người không có điều kiện đi dân công, đi bộ đội thì ở nhà lo tăng gia sản xuất, đảm đương công việc cho người lên đường… Nhiều gia đình ăn bắp non, khoai sắn thay cơm, để dành gạo cho tiền tuyến. Bà Lam cũng ghi tên xung phong đi dân công phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. “Hồi ấy, chúng tôi phải băng rừng, lội suối gánh gạo nuôi quân. Đường rừng lắm dốc quanh co, đèo cao, suối thẳm nên mỗi người chỉ gánh khoảng 20 - 25kg. Lúc đầu đi ban ngày, về sau địch đánh phá ác liệt nên chúng tôi chuyển sang đi ban đêm, người trước buộc khăn trắng để người sau trông thấy, bám theo mà đi... Vất vả không kể xiết, nhưng tất cả đều tin tưởng vào sự thắng lợi nên lòng không nao núng, đường ra trận vui như trẩy hội”, bà Lam kể.
|
Ở tuổi 85, ông Hoàng Diệm (nguyên lính bộ binh Trung đoàn 57, Đại đoàn 304) vẫn nhớ đơn vị ông được lệnh lên đường tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ đúng ngày 30 Tết Giáp Ngọ 1954. “Sau khi nhận nhiệm vụ, tôi xung phong đọc bài thơ Dậy mà đi của Tố Hữu. Tiếp đó, mọi người hát vang bài hát “Vì nhân dân quên mình” rồi cất bước lên đường. Dọc đường hành quân, niềm vui như được nhân lên khi gặp những đoàn xe vận tải Monotoba (Liên Xô) nối đuôi nhau chở hàng ra chiến dịch, rồi dân công hỏa tuyến từ mọi miền đất nước hướng lên Điện Biên…”, ông Diệm kể.
|
Nhắc đến chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Nguyễn Thanh Mai (86 tuổi, hiện nay ở 15 Hoa Lư, Nha Trang) - Khẩu đội trưởng 12 ly 8 thuộc Tiểu đoàn 536, Đại đoàn 316 vẫn không quên những ngày bảo vệ đèo Pha Đin. Hồi ấy, lính mở đường phải dùng búa tạ và đục để tạo lỗ tra thuốc nổ phá đá mở đường. Đường đất, trời mưa, xe chạy suốt ngày đêm nên chẳng mấy chốc con đường trở nên lầy lội. Những người lính mở đường phải vào rừng chặt cây, xuống suối vác đá lên, đập nhỏ ra để trải đường cho xe đi qua. Địch biết con đường vận chuyển lương thực, vũ khí của ta nên tổ chức đánh phá rất ác liệt, nhất là ở đèo Pha Đin. Ông Mai cùng đồng đội liên tục bắn trả máy bay địch nhằm hạn chế bị đánh phá để đội hình xe pháo của Đại đoàn 316 tiến quân, đồng thời giúp dân công hỏa tuyến vận chuyển lương thực, vũ khí lên Điện Biên.
Hào khí Điện Biên
Chiến tranh ngày càng ác liệt! Khi bước vào chiến dịch, những người lính Điện Biên đã đối mặt với những trận chiến “máu trộn bùn non”. Cho đến bây giờ, ông Hoàng Diệm vẫn nhớ cuộc chiến sinh tử ở bản Noong Nhai (còn có tên là Long Nhai), đẩy lùi đợt tiến công của địch từ Hồng Cúm lên phía nam Mường Thanh. Mở đầu trận đánh, pháo binh và xe tăng địch bắn dữ dội vào trận địa ta. Nhiều công sự bị phá, nhiều đoạn đường hào bị sạt... Địch ném lựu đạn xuống hào, chiến sĩ ta lượm ném trả lại. Địch nhảy vào đường hào, chiến sĩ ta dùng tiểu liên bắn quét, dùng lưỡi lê đâm, xác chúng chất đầy chiến hào... Cuối cùng địch phải rút quân, từ bỏ ý đồ “thọc một nhát dao ngang lưng” đội hình của ta đang chiến đấu ở đồi A1. Ông Nguyễn Thanh Mai vẫn nhớ những trận chiến ác liệt khi chốt giữ ở đồi E, chi viện cho bộ binh đánh đồi A1. Khẩu 12 ly 8 bắn đỏ cả nòng. Hết đánh trả máy bay, ông cùng đồng đội hạ nòng pháo bắn xe tăng để ngăn địch tràn lên. Đến bây giờ, ông vẫn nhớ như in cảm giác sung sướng khi đại đội mình bắn gục xe tăng địch ở đồi E.
|
Ông Đặng Ngọc Chỉnh (87 tuổi, hiện nay ở 14 Trần Phú, Vĩnh Nguyên, Nha Trang) - nguyên lính bộ binh Tiểu đoàn 80, Trung đoàn 36, Sư đoàn 308 vẫn nhớ như in trận đánh cứ điểm 206 phía tây sân bay Mường Thanh. “Mất 206 là mất sân bay Mường Thanh nên địch cản phá rất điên cuồng, đạn của địch bắn như vãi trấu. Anh em xung phong, người trước ngã xuống người sau tiến lên... Trong tình thế khó khăn đó, bộ đội ta đã có cách đánh sáng tạo: dùng rơm quấn nhiều vòng thành những độn to; khi đào công sự, dùng độn rơm đẩy về phía trước cản đạn của địch và tổ chức đào giao thông hào theo cách đào dũi. Nhờ vậy, quân ta giảm thương vong, tiến sát cứ điểm của địch”, ông Chỉnh nhớ lại. Đêm 22-4-1954, quân ta nổ súng công đồn, dùng bộc phá hất tung hàng rào dây thép cuối cùng của địch. Tiếng hô xung phong át cả tiếng đạn, quân ta chiếm được cứ điểm 206, thu được nhiều vũ khí đạn dược.
Đêm 6-5, quân ta dùng bộc phá đánh sập 1 phần đồi A1, mở đường cho bộ binh chiếm cứ điểm đồi A1, mở cái chốt cuối cùng của chiến dịch lịch sử. Chiều 7-5, quân ta đã bắt sống tướng Đờ-cát, chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, quân địch lần lượt ra hàng. “Từ trong lòng đất, từng mảnh dù trắng dần trồi lên đi về chân cầu Mường Thanh ngày càng nhiều. Từ dưới các chiến hào, mọi người nhảy lên mặt đất reo hò mừng thắng lợi. Bất chợt nghĩ đến những đồng đội thân yêu đã ngã xuống, không thấy ngày toàn thắng mà rưng rưng nước mắt...”, ông Mai nhớ lại thời khắc lịch sử. Riêng ông Chỉnh lại tiếc nuối vì không tận mắt chứng kiến giờ phút lịch sử ấy, bởi trước đó ông đã bị thương khi đánh điểm 311B, cách hầm Đờ-cát 300m về phía tây, phải chuyển về tuyến sau điều trị. “Đang nằm trên giường bệnh, nghe tin chiến thắng, chúng tôi ngồi bật dậy hoan hô, reo hò ầm ĩ. Đó là giây phút vui nhất của cuộc đời tôi”, ông Chỉnh kể.
Nhớ về Điện Biên không chỉ nhớ những chiến thắng oanh liệt, mà còn nhớ cả những mất mát hy sinh. Biết bao người đã nằm xuống để viết nên một mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc. Ông Võ Đức Thi (87 tuổi, hiện nay ở hẻm 57, đường Ngô Văn Sở, Nha Trang) khi ấy là y tá phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ kể lại: Những ngày đánh đồi A1, quân ta hy sinh và bị thương rất nhiều. Chiến trường ác liệt nên mọi việc cứu chữa thương binh phải diễn ra ngay trong hầm, dưới ánh đèn măng-sông, hoặc “đèn điện” mà máy phát là một bình điện xe đạp quay bằng tay. Với sự tận tụy của các bác sĩ quân y, rất nhiều chiến sĩ bị thương đã được cứu sống, thế nhưng cũng có những trường hợp do thiếu thốn y cụ nên đành bó tay.
Theo Báo Khánh Hòa