. Đồng chí Nguyễn Khắc Định - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa trả lời phỏng vấn
- Xin đồng chí cho biết ý nghĩa ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu ra Quốc hội (QH) Việt Nam?
- Ngay những ngày đầu khi Cách mạng tháng Tám vừa mới thành công, trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn, gian nan, thử thách, ngày 5-1-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có lời kêu gọi cử tri cả nước đi bầu cử đại biểu QH (ĐBQH) đầu tiên: “…Ngày mai là một ngày vui sướng của đồng bào ta, vì ngày mai là ngày Tổng tuyển cử, vì ngày mai là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình…”. Hưởng ứng lời hiệu triệu thiêng liêng đó, ngày 6-1-1946, với tinh thần yêu nước nồng nàn và khí thế hào hùng của Cách mạng tháng Tám, tất cả công dân Việt Nam trên khắp mọi miền của Tổ quốc, không phân biệt nam nữ, giàu nghèo, dân tộc, tôn giáo, chính kiến..., từ 18 tuổi trở lên, đã nô nức tham gia bầu cử, bất chấp sự phá hoại điên cuồng của các thế lực xâm lược và chống đối.
Cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên đã thắng lợi vang dội trên phạm vi cả nước. Người dân Việt Nam từ thân phận nô lệ đã trở thành công dân của một nước tự do độc lập, tự quyết định vận mệnh lịch sử của mình, tự lựa chọn và dựng xây chế độ Cộng hòa dân chủ. Cuộc Tổng tuyển cử ngày 6-1-1946 đã đi vào lịch sử nước nhà như một mốc son chói lọi. Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử đánh dấu bước trưởng thành của Nhà nước cách mạng Việt Nam, mở ra một thời kỳ mới, thời kỳ đất nước ta có một QH, một Chính phủ thống nhất, một bản Hiến pháp tiến bộ và một hệ thống chính quyền hoàn toàn đầy đủ danh nghĩa về mặt pháp lý để đại diện cho Nhân dân Việt Nam về đối nội và đối ngoại. Cuộc bầu cử là căn cứ để khẳng định Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có tính chất hợp pháp, dân chủ - Nhà nước của dân, do dân và vì dân, được quốc dân giao phó trọng trách điều hành đất nước, tổ chức toàn dân kháng chiến, kiến quốc, giải quyết mọi quan hệ của Việt Nam trên trường quốc tế.
Trong điều kiện cách mạng nước ta đứng trước thử thách “ngàn cân treo sợi tóc”, khó khăn chồng chất, Nhân dân ta vừa thoát khỏi ách nô lệ nhưng Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn quyết định tổ chức Tổng tuyển cử và đưa cuộc Tổng tuyển cử đến thành công là một quyết định dũng cảm, táo bạo, kịp thời, chủ động và nhạy bén, xuất phát từ bản lĩnh chính trị sắc bén, khoa học và thực tiễn sâu sắc. Thắng lợi đó là do đường lối của Đảng đã phản ánh được những khát vọng sâu xa nhất, bức thiết nhất của Nhân dân, với lãnh tụ kiệt xuất là Chủ tịch Hồ Chí Minh và thông qua Việt Minh, một tổ chức quần chúng rộng lớn do Đảng tổ chức và lãnh đạo. Sự lãnh đạo của Đảng làm nên thắng lợi của Cách mạng tháng Tám, đem lại độc lập cho dân tộc, tự do cho Nhân dân. Sự hy sinh chiến đấu quên mình của những người cách mạng chính là tiền đề chính trị cho cuộc Tổng tuyển cử thắng lợi.
Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử cũng đã khẳng định niềm tin tuyệt đối của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vào tinh thần yêu nước của Nhân dân ta. Đồng thời, đó cũng là sự biểu thị khát vọng dân chủ của Nhân dân và sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
- Xin đồng chí cho biết về những thành quả to lớn mà QH Việt Nam đã đạt được trải qua 75 năm hình thành và phát triển?
- Với thời gian 75 năm, kể từ ngày cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên được tổ chức đến nay, QH Việt Nam đã trải qua 14 nhiệm kỳ hoạt động. Lịch sử phát triển của QH gắn liền với lịch sử cách mạng Việt Nam. Ở mỗi thời điểm, hoàn cảnh lịch sử khác nhau, QH luôn có những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp cách mạng chung của đất nước, của Nhân dân. Trong đó, QH ngày càng khẳng định được vai trò là cơ quan đại diện cao nhất của Nhân dân, là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày nay, thực hiện quyền lập hiến, lập pháp, quyền giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
Hoạt động lập pháp của QH ngày càng tiến bộ cả về số lượng và chất lượng, kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu bức thiết của thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thúc đẩy tiến bộ và công bằng xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân, giữ vững ổn định chính trị, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Hoạt động giám sát được tăng cường, tập trung vào những vấn đề bức xúc của cuộc sống, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân, thúc đẩy việc thực hiện Hiến pháp, luật, nghị quyết của QH, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa. Việc quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước và các công trình, dự án quan trọng quốc gia... ngày càng được cải tiến, thực chất hơn, đáp ứng kịp thời yêu cầu của thực tiễn đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hoạt động đối ngoại của QH được đẩy mạnh, mở rộng trên cả bình diện song phương và đa phương, đưa ngoại giao nghị viện đi vào chiều sâu, góp phần làm cho nhân dân thế giới và bạn bè quốc tế hiểu biết rõ hơn về đất nước, con người và nền văn hóa Việt Nam, nâng cao vai trò, vị thế của nước ta trên trường quốc tế.
- Xin đồng chí cho biết về ĐBQH và Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa qua 14 khóa QH?
- Trong sự thành công của QH nước ta trong 75 năm qua, các ĐBQH và Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa từ khóa I đến khóa XIV, dù trong khói lửa của các cuộc chiến tranh hay trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội cũng đã có những đóng góp tích cực vào việc xây dựng và phát triển của QH.
|
QH khóa I, II, III (1946 - 1971): Tỉnh Khánh Hòa có 3 ĐBQH được bầu và lưu nhiệm 3 khóa, gồm đại biểu Nguyễn Văn Chi, đại biểu Đào Thiện Thi, đại biểu Nguyễn Minh Vỹ (tức Tôn Thất Vỹ).
QH khóa IV (1971 - 1975), khóa V (1975 - 1976): Tỉnh Khánh Hòa không cơ cấu đại biểu vì trong giai đoạn chiến tranh ác liệt, đánh đổ chế độ thực dân mới của đế quốc Mỹ nên miền Nam không có đại biểu tham gia QH.
QH khóa VI (1976 - 1981): Tỉnh Phú Khánh có 11 đại biểu, trong đó có 3 đại biểu Trung ương và 8 đại biểu địa phương, có 2 đại biểu nữ.
QH khóa VII (1981 - 1987): Tỉnh Phú Khánh có 11 đại biểu, trong đó có 4 đại biểu Trung ương, 7 đại biểu địa phương, 2 đại biểu nữ.
QH khóa VIII (1987 - 1992): Tỉnh Phú Khánh có 11 đại biểu, trong đó có 3 đại biểu Trung ương và 8 đại biểu địa phương, 2 đại biểu nữ.
QH khóa IX (1992 - 1997): Sau khi tách tỉnh Phú Khánh thành 2 tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa, tỉnh Khánh Hòa có 3 ĐBQH đều là đại biểu địa phương, trong đó có 1 đại biểu nữ
QH khóa X (1997 - 2002): Tỉnh Khánh Hòa có 6 đại biểu, trong đó có 2 đại biểu Trung ương, 4 đại biểu địa phương, 1 đại biểu nữ
QH khóa XI (2002 - 2007): Tỉnh Khánh Hòa có 8 đại biểu, trong đó có 3 đại biểu Trung ương, 5 đại biểu địa phương, 1 đại biểu nữ.
QH khóa XII (2007 - 2011): Tỉnh Khánh Hòa có 7 đại biểu, trong đó có 2 đại biểu Trung ương và 5 đại biểu địa phương, có 2 đại biểu nữ
QH khóa XII (2011 - 2016): Tỉnh Khánh Hòa có 7 đại biểu, trong đó có 3 đại biểu Trung ương và 4 đại biểu địa phương, có 2 đại biểu nữ
QH khóa XIV (2016 - 2021): Tỉnh Khánh Hòa có 7 đại biểu, trong đó có 3 đại biểu Trung ương và 4 đại biểu địa phương, có 1 đại biểu nữ.
Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa đã làm tròn nhiệm vụ chính trị, thực hiện tốt nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật, có nhiều đóng góp tích cực trong các lĩnh vực hoạt động của QH, thể hiện được vai trò của người ĐBQH, Đoàn ĐBQH, góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và của tỉnh Khánh Hòa nói riêng và được cử tri ghi nhận, đánh giá cao.
Hoạt động xây dựng luật được triển khai tích cực, bài bản, huy động trí tuệ của các đại biểu, của đội ngũ chuyên gia, các cơ quan liên quan, chịu tác động của luật... Tại các kỳ họp QH, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tích cực tham gia phát biểu tại các phiên họp nhằm đóng góp ý kiến xây dựng, hoàn thiện các dự án luật, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước; phản ánh ý kiến, nguyện vọng của cử tri; chất vấn những nội dung mà cử tri bức xúc, dư luận xã hội quan tâm.
Hoạt động tiếp xúc cử tri được duy trì thường xuyên với các hình thức tiếp xúc cử tri theo định kỳ, chuyên đề, nơi cư trú, nơi công tác, lĩnh vực… thu hút nhiều lượt cử tri tham dự với nhiều thành phần. Đoàn ĐBQH tỉnh đã kịp thời tổng hợp và phản ánh đến QH các ý kiến, kiến nghị của cử tri Khánh Hòa. Cùng với đó, hoạt động giám sát, khảo sát đảm bảo yêu cầu gắn với hoạt động của QH và những vấn đề mà cử tri quan tâm ở địa phương.
Bên cạnh đó, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tổ chức nhiều buổi làm việc với lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương để đề xuất các ý kiến, kiến nghị nhằm tháo gỡ các khó khăn, tạo cơ chế để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đoàn cũng đã phát huy và tăng cường mối quan hệ với các cơ quan, địa phương trên địa bàn tỉnh, đóng góp tích cực vào sự phát triển của tỉnh trong những năm qua. Đoàn ĐBQH tỉnh cũng đã tích cực vận động tài trợ xây dựng hàng trăm căn nhà đại đoàn kết, trao tặng hàng ngàn suất quà cho các đối tượng nghèo, khó khăn, yếu thế trên địa bàn tỉnh, qua đó càng làm rõ nét hình ảnh của người đại biểu của Nhân dân.
Trong nhiều nhiệm kỳ qua, các ĐBQH tỉnh Khánh Hòa, dù là đại biểu công tác tại địa phương hay đại biểu công tác ở Trung ương, dù là đại biểu giữ cương vị cao trong bộ máy Đảng, Nhà nước hay đại biểu đại diện cho các dân tộc, các ngành, các giới… đều đã có rất nhiều cố gắng để hoàn thành vai trò là người đại diện của cử tri tỉnh Khánh Hòa tại QH, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Các ĐBQH của tỉnh đã tham gia đầy đủ các kỳ họp, tham gia thảo luận và quyết định các vấn đề thuộc nội dung, chương trình kỳ họp. Trong thời gian giữa hai kỳ họp mỗi năm, các ĐBQH đều thực hiện tốt nhiệm vụ giám sát, tiếp xúc cử tri, tuyên truyền vận động Nhân dân thực hiện tốt pháp luật; ghi nhận các ý kiến, kiến nghị, nguyện vọng của cử tri để qua đó tổng hợp, phản ánh với QH và các cơ quan Nhà nước.
Chúng ta có thể tự hào khẳng định rằng, qua các nhiệm kỳ, các ĐBQH tỉnh Khánh Hòa luôn luôn hoàn thành nhiệm vụ người đại biểu Nhân dân. Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung làm tốt công tác bầu cử ĐBQH khóa XV, chọn được những đại biểu tiêu biểu, ưu tú để góp phần vào việc tiếp tục đổi mới và nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động của QH.
- Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!
Theo Báo Khánh Hòa
https://www.baokhanhhoa.vn/chinh-tri/202012/ky-niem-75-nam-ngay-tong-tuyen-cu-dau-tien-bau-quoc-hoi-viet-nam-6-1-1946-6-1-2021-doan-dai-bieu-quoc-hoi-tinh-khanh-hoa-da-dong-gop-tich-cuc-trong-hoat-dong-cua-quoc-hoi-8199817/