Sau 20 năm tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại các khu dân cư trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, bằng những cách làm sáng tạo, linh hoạt đã góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, thuần phong mỹ tục và tình đoàn kết trong cộng đồng. Qua đó, phát huy vai trò tự quản của mỗi khu dân cư trong việc thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước...
Thắt chặt tình đoàn kết
Những ngày này, tại các khu dân cư, người dân nô nức tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc. Năm nay, đánh dấu tròn 20 năm vui Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc (2003 - 2023) nên các khu dân cư tổ chức ngày hội có phần trang trọng hơn. Trên những tuyến đường chính dẫn vào các khu dân cư, cờ Tổ quốc được treo rực rỡ, người dân đã đồng loạt ra quân dọn vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm, ai nấy đều nô nức, phấn khởi. Ông Nguyễn Xuân Nam - Trưởng Ban Công tác Mặt trận thôn Cẩm Sơn (xã Diên Thọ, huyện Diên Khánh) chia sẻ, năm nay, thôn vinh dự được nhận bằng khen của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam về thành tích 20 năm tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc nên người dân rất vui mừng. Trước ngày hội, người dân đã ra quân dọn vệ sinh, chỉnh trang đường làng, ngõ xóm… để các tuyến đường được sáng - xanh - sạch - đẹp. Trong ngày hội, ngoài tham gia các hoạt động văn nghệ, thể dục - thể thao, cùng đóng góp kinh phí tổ chức “Bữa cơm đại đoàn kết” tạo không khí đầm ấm, gắn kết tình làng nghĩa xóm, người dân còn tích cực tham gia góp ý, tìm giải pháp thực hiện tốt các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, hoạt động an sinh xã hội, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới. Từ năm 2003 đến nay, thôn có 20 hộ cận nghèo, có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ xây dựng nhà ở ổn định; các tổ chức hội đã đứng ra tín chấp Ngân hàng Chính sách xã hội huyện giúp người dân tiếp cận nguồn vốn đầu tư phát triển sản xuất với tổng dư nợ hơn 2,2 tỷ đồng…
|
Đồng chí Nguyễn Hải Ninh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy trao quà cho người dân thôn Cửa Tùng
(xã Cam An Bắc, huyện Cam Lâm). Ảnh: X.T |
Bà Huỳnh Thị Phượng - Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh cho biết, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư được tổ chức vào dịp kỷ niệm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18-11) hàng năm. Trong từng giai đoạn, MTTQ các cấp trong tỉnh có những giải pháp lựa chọn hình thức tổ chức phù hợp với từng địa bàn, phong tục, tập quán, truyền thống văn hóa, bản sắc dân tộc và nghi thức tôn giáo. Bằng sự sáng tạo trong quá trình tổ chức thực hiện của MTTQ các cấp, ngày hội vừa thể hiện giá trị tinh thần, mang đậm sắc màu văn hóa vừa có ý nghĩa về chính trị, kinh tế - xã hội đối với mỗi địa phương. Các hoạt động vui chơi, giải trí như: Kéo co, đẩy gậy, đập ấm, nhảy bao bố, thi hát, cồng chiêng trong đồng bào các dân tộc Raglai, Ê đê, K’ho… ở 2 huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh làm cho Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc thêm sôi nổi, sống động, được nhân dân hưởng ứng tích cực.
Với ý nghĩa đó, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc hàng năm được Mặt trận các cấp trong tỉnh chủ trì tổ chức ngày càng nền nếp. Đến nay, trung bình có hơn 95% số khu dân cư trong tỉnh tổ chức ngày hội, hơn 30% số khu dân cư tổ chức “Bữa cơm đại đoàn kết”. Đặc biệt, vào dịp tổ chức ngày hội hàng năm, các khu dân cư trên địa bàn tỉnh nhiều lần vinh dự được đón các đồng chí lãnh đạo Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, các bộ, ngành Trung ương; các đồng chí lãnh đạo tỉnh dự, chung vui với nhân dân ở khu dân cư. Nhân dịp này, các đồng chí lãnh đạo đã tặng quà cho người nghèo, gia đình chính sách, người tiêu biểu... với tổng trị giá hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Phát huy sức mạnh của nhân dân
Với khát vọng vươn lên trong cuộc sống, sự chung sức, đồng lòng của người dân, các cuộc vận động, phong trào thi đua do MTTQ Việt Nam các cấp phát động đã được cụ thể hóa bằng những hành động thiết thực trong mỗi cộng đồng dân cư. Từ năm 2011 đến nay, MTTQ và các tổ chức thành viên trong tỉnh đã tích cực vận động nhân dân hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới. Qua đó, người dân đã tự nguyện đóng góp hàng ngàn tỷ đồng, hiến hơn 652.000m2 đất, hàng ngàn cây lâu năm, hơn 630.000 ngày công lao động để tu bổ, sửa chữa đường giao thông nông thôn, kiên cố hóa kênh mương nội đồng, xây dựng các công trình phúc lợi xã hội. Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 68,5% số xã đạt chuẩn nông thôn mới và 27% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
|
Người dân thị trấn Khánh Vĩnh vui chơi tại Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc. |
Bên cạnh đó, hoạt động an sinh xã hội được hầu hết các địa phương quan tâm thực hiện. Giai đoạn 2003 - 2023, Quỹ “Vì người nghèo”, Quỹ “Cứu trợ” các cấp trong tỉnh đã vận động đóng góp hơn 300 tỷ đồng; hỗ trợ xây dựng, sửa chữa hơn 13.051 nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo, gặp khó khăn về nhà ở; giúp hàng nghìn hộ nghèo về sinh kế; tặng hàng nghìn suất học bổng cho học sinh nghèo vượt khó học giỏi; tặng hàng trăm nghìn suất quà nhân dịp lễ, Tết và Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc. Ngoài ra, MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên đã vận động doanh nghiệp, nhà hảo tâm ủng hộ các chương trình an sinh xã hội hơn 100 tỷ đồng để xây dựng những công trình phúc lợi xã hội. Từ năm 2020 đến 2022, trong giai đoạn dịch Covid-19, hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng, Nhà nước và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, với tinh thần “Tương thân tương ái”, “Nhường cơm sẻ áo”, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều mô hình trợ giúp mang tính nhân văn, như: “ATM gạo”, “Phiên chợ 0 đồng”, “Siêu thị 0 đồng”, “Chuyến xe 0 đồng”, “Suất ăn miễn phí”, “Túi an sinh”, “Đi chợ giúp dân”, “Bếp ăn tình thương”…
Ý nghĩa của Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc không chỉ thể hiện trong việc chăm lo đời sống nhân dân, xóa đói giảm nghèo, mà còn góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, phát triển kinh tế… góp phần cùng với Đảng, Nhà nước trong việc xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Đồng chí ĐINH VĂN THIỆU - Phó Chủ tịch UBND tỉnh: 20 năm qua, MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh đã tổ chức hiệu quả Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại khu dân cư. Đây là dịp để các đồng chí lãnh đạo các cấp được trực tiếp sinh hoạt, gặp gỡ, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, thể hiện rõ trách nhiệm của người cán bộ “gần dân, học dân, trọng dân, có trách nhiệm với dân”. Qua đó, thắt chặt mối quan hệ giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước, tạo sự đồng thuận trong xã hội, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần tích cực xây dựng và phát triển về mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Theo https://baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202311/ky-niem-93-nam-ngay-truyen-thong-mat-tran-to-quoc-viet-nam-18-11-1930-18-11-2023-dau-an-20-nam-ngay-hoi-dai-doan-ket-toan-dan-toc-8e812b6/