Những bước tiến dài
Sau khi có Kết luận 53-KL/TW, ngày 24/12/2012 của Bộ Chính trị đồng ý thành lập Đăc khu, từ năm 2013 đến nay tỉnh Khánh Hòa đã chủ động liên hệ với nhiều nhà đầu tư nước ngoài để mời tham gia xây dựng ý tưởng phát triển Đặc khu kinh tế Bắc Vân Phong. Song song đó, trong thời gian này tỉnh cũng đã chủ động nghiên cứu, báo cáo xin ý kiến của các Bộ ngành Trung ương và đơn vị tư vấn trong việc xây dựng Đề án.
Mặc dù bước đầu gặp không ít khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện bởi đây là vấn đề hoàn toàn mới, chưa có thực tiễn tại Việt Nam, tuy nhiên, với sự chỉ đạo sâu sát của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh cùng với những nỗ lực kiên trì của Ban Quản lý Khu Kinh tế Vân Phong, các địa phương, sở, ngành liên quan; sau nhiều lần sửa đổi, bổ sung, lấy ý kiến của các cơ quan, đơn vị liên quan, Đề án thành lâp Đặc khu Hành chính-Kinh tế Bắc Vân Phong đã được tỉnh hoàn thành theo phương án điều chỉnh một phần diện tích tự nhiên của huyện Vạn Ninh rộng khoảng 65 nghìn ha (bao gồm: 17,4 nghìn ha đất liền và 47,6 nghìn ha mặt nước biển); 54.265 nhân khẩu và 07 khu hành chính trực thuôc là: Vạn Thạnh, Vạn Phước, Vạn Long, Vạn Bình, Vạn Thọ, Vạn Khánh, Vạn Thắng. Đề án đã được Ban Thường vụ Tỉnh uỷ thông qua và trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định báo cáo Ban Cán sự Đảng Chính phủ vào cuối tháng 10/2016 để trình Bộ Chính trị.
Ngày 24/01/2017, Ban cán sự Đảng Chính phủ có Tờ trình số 10-TTr/BCSĐ báo cáo Bộ Chính trị. Ngày 17/3/2017, Bộ Chính trị đã họp thảo luận và kết luận thống nhất thành lập ba đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt gồm: Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa) và Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) trực thuộc cấp tỉnh tại Thông báo số 21-TB/TW, ngày 22/3/2017. Triển khai thực hiện Thông báo trên, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết 16-NQ/TU, ngày 02/10/2017 về thông qua Đề án thành lập Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong thuộc tỉnh Khánh Hòa.
Ngay sau đó, UBND tỉnh Khánh Hòa đã khẩn trương xây dựng Đề án điều chỉnh địa giới hành chính huyện Vạn Ninh để thành lập Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong theo phương án (nêu ở trên) đã trình Bộ Chính trị cho chủ trương. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng Đề án và góp ý các nội dung liên quan cho dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, nhất là sau khi tỉnh được tham gia chuyến khảo sát các Đặc khu hành chính - kinh tế tại Trung Quốc do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức, đã phát sinh những yếu tố mới về diện tích, không gian phát triển Đặc khu hành chính - kinh tế sau này khi áp dụng tại nước ta nói chung và trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa nói riêng. Đặc biệt, sau chuyến khảo sát thực tế tại khu vực Bắc Vân Phong và làm việc với lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa vào ngày 25/09/2017, đồng chí Uông Chu Lưu - Phó Chủ tịch Quốc hội đã ủng hộ đề xuất của tỉnh về điều chỉnh phương án thành lập Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong trên cơ sở toàn bộ diện tích và dân số huyện Vạn Ninh. Ngoài ra, Bộ Nội vụ sau khi xem xét dự thảo Đề án cũng đã có ý kiến góp ý với tỉnh nên thực hiện theo phương án trên.
Vì vậy, trên cơ sở học tập kinh nghiệm thành lập các mô hình đặc khu của thế giới, phân tích ưu nhược điểm của từng phương án và căn cứ tình hình thực tiễn của địa phương, ngày 10/11/2017, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa đã thống nhất có Tờ trình đề xuất Bộ Chính trị, Ban Cán sự Đảng Chính phủ điều chỉnh phương án thành lập Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong theo hướng mở rộng quy mô, lấy toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của huyện Vạn Ninh. Đồng thời, Hội đồng Nhân dân tỉnh Khánh Hòa cũng ban hành Nghị quyết số 18/NQ-HĐND, ngày 07/12/2017 thông qua Đề án thành lập Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong thuộc tỉnh Khánh Hòa điều chỉnh theo phương án mới trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của huyện Vạn Ninh, rộng khoảng 111 nghìn ha (bao gồm: 56 nghìn ha đất liền và 55 nghìn ha mặt nước biển); tổng dân số khoảng 132 nghìn người; toàn huyện có 12 xã và 01 thị trấn. Trước đó, trong tháng 10/2017, UBND tỉnh Khánh Hòa cũng đã tiến hành lấy ý kiến của cử tri huyện Vạn Ninh về Đề án thành lập Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong thuộc tỉnh Khánh Hòa, kết quả có 96.995 cử tri, đạt tỷ lệ 97,05% so với tổng số cử tri toàn huyện đã đồng ý với Đề án thành lập Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số huyện Vạn Ninh.
Hiện nay, Đề án thành lập Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong đã được Thủ tướng Chính phủ giao cho các Bộ, ngành liên quan thẩm định theo phương án mới để trình Ban Cán sự Đảng Chính phủ báo cáo Bộ Chính trị để triển khai các bước tiếp theo. Trong khi chờ các cấp thẩm quyền thông qua Đề án, Tỉnh ủy cũng đã chỉ đạo UBND tỉnh chủ động tập trung hoàn thiện Đề án (bao gồm nhân sự) Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong để sớm trình cấp có thẩm quyền thông qua để triển khai thực hiện ngay khi Đề án được thông qua và Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt được ban hành, có hiệu lực.
Đẩy mạnh thu hút đầu tư, hoàn thiện hạ tầng cho Đặc khu
Đến thời điểm hiện nay, có thể khẳng định việc thành lập Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong trực thuộc tỉnh Khánh Hòa chỉ còn là vấn đề thời gian, tuy nhiên, với phương án mới là lấy toàn bộ toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số huyện Vạn Ninh để làm Đặc khu trong khi điều kiện hạ tầng của huyện Vạn Ninh nói chung và khu vực Bắc Vân Phong nói riêng chưa thực sự phát triển, nhiều công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu chưa được đầu tư nên sẽ gặp nhiều khó khăn và cần nhiều thời gian để quy hoạch đầu tư phát triển đồng bộ, hiện đại cho Đăc khu, nhất là về cơ sở hạ tầng giao thông và cảng biển. Theo đánh giá của giới chuyên môn, trong khi các đặc khu kinh tế tương lai khác như Phú Quốc (Kiên Giang) và Vân Đồn (Quảng Ninh) đều có một số công trình trọng điểm đã hoặc chuẩn bị đưa vào sử dụng như cảng hàng không hoặc cảng biển quốc tế thì lợi thế về cơ sở hạ tầng giao thông của khu vực Bắc Vân Phong mới chỉ dừng lại ở “khả năng sẵn sàng kết nối hạ tầng kỹ thuật”. Cùng với đó, các điều kiện tự nhiên thuận lợi để xây dựng cảng biển của Bắc Vân Phong cũng mới chỉ dừng lại ở mức tiềm năng, chưa có sự hiện diện của các dự án lớn, tạo động lực cho sự phát triển chung của khu vực này.
Theo báo cáo của Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Phong, tính đến tháng 12/2017, khu vực Bắc Vân Phong chỉ mới thu hút được 71 dự án với tổng số vốn đăng ký là 435,7 triệu USD còn khá khiêm tốn; nếu tính toàn bộ khu kinh tế Vân Phong thì đã thu hút 155 dự án với 4,02 tỷ USD vốn đăng ký, nhưng mới chỉ giải ngân được 635 triệu USD (đạt 15%) và có hai dự án chiếm tỷ trọng vốn lớn nhất là Nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong 1 có vốn đăng ký 2,58 tỷ USD và Tổ hợp lọc hoá dầu Nam Vân Phong có vốn đăng ký 4,8 tỷ USD thì vẫn đang trong quá trình hoàn thiện các thủ tục để triển khai. Vừa qua, UBND tỉnh Khánh Hòa đã thống nhất quy hoạch xây dựng bến cảng tổng hợp Bắc Vân Phong để làm tiền đề phục vụ quy hoạch toàn Đặc khu, song hiện dự án vẫn đang trong quá trình chuẩn bị các điều kiện để cấp phép xây dựng.
Cùng với những hạn chế về cơ sở hạ tầng và sự thiếu vắng của các dự án đầu tư lớn, mang tính chất động lực, Bắc Vân Phong cũng là khu vực còn khá hoang sơ với mật độ dân số thấp, nhiều vùng đất trống chưa xây dựng. Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, đây vừa là hạn chế nhưng đồng thời cũng là điểm mạnh của khu vực nếu tỉnh biết khai thác một cách hiệu quả, đặc biệt là sức hút của Bắc Vân Phong đến từ nguồn quỹ đất chưa sử dụng khá lớn. Điều này cho phép nhà đầu tư dễ dàng khai thác phục vụ mục đích phát triển sản xuất - kinh doanh, phát triển khu thương mại, tài chính, cảng biển tự do mà ít gặp phải những vướng mắc, khó khăn liên quan tới bồi thường, giải phóng mặt bằng. Đây là lợi thế rất lớn để thu hút các nhà đầu tư chiến lược cỡ tỷ USD để tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng cho Đặc khu sau khi Luật Đơn vị - Hành chính kinh tế được ban hành và có hiệu lực.
Có thể thấy, trước mắt vấn đề khó khăn lớn nhất của tỉnh lúc này là nguồn kinh phí để đầu tư phát triển hạ tầng hoàn thiện, nhất là các hạ tầng thiết yếu để thu hút và đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư, tuy nhiên trong điều kiện nguồn lực ngân sách còn hạn chế như hiện nay sẽ ảnh hưởng nhiều đến tiến độ xây dựng hạ tầng cho Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong. Trước tình hình đó, tỉnh cũng đã chủ động đề xuất một số cơ chế về mặt tài chính để có nguồn vốn phục vụ đầu tư xây dựng hạ tầng cho Đặc khu trong thời gian tới: (1) Cho phép để lại 100% số thu thuế xuất nhập khẩu và toàn bộ số thu nội địa phát sinh trên địa bàn Đặc khu đến năm 2030 để thực hiện các chính sách đặc thù tại đây. Sau thời gian này, sẽ xem xét lại tỷ lệ phân chia ngân sách trung ương và địa phương. (2) Ngân sách Trung ương để lại 50% các khoản thu phân chia theo tỷ lệ phần trăm giữa ngân sách trung ương và ngân sách tỉnh Khánh Hòa để bổ sung cho Đặc khu trong thời gian 05 năm kể từ ngày thành lập để đầu tư các công trình hạ tầng thiết yếu, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao,...
Như vậy, sau 05 năm triển khai thực hiện Đề án, quá trình xây dựng Đặc khu Hành chính - Kinh tế Bắc Vân Phong của tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực, song vẫn còn không ít khó khăn, thách thức phía trước. Bằng sự nỗ lực, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn thách thức, sự năng động sáng tạo của hệ thống chính trị, chính quyền và nhân dân trong tỉnh, chúng ta tin tưởng rằng trong tương lai không xa Đặc khu Hành chính - Kinh tế Bắc Vân Phong sẽ sớm hình thành và phát triển mạnh mẽ, góp phần quan trọng cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương nói riêng và cả nước nói chung để trở thành thành một Đặc khu hiện đại mang tầm quốc tế.
Quang Chính