Kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh khóa VII sẽ diễn ra từ ngày 20/7/2023 đến ngày 21/7/2023. Dự kiến trong 02 ngày làm việc, Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh sẽ xem xét, cho ý kiến đối với 14 báo cáo thường kỳ và 29 dự thảo nghị quyết.
Trước thềm kỳ họp, đồng chí Nguyễn Khắc Toàn – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã trả lời phỏng vấn Trang thông tin điện tử Tỉnh ủy Khánh Hòa về một số nội dung xoay quanh chương trình kỳ họp.
- PV: Theo dự kiến chương trình, nhiều chính sách mới sẽ được HĐND tỉnh xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp này, trong đó có chính sách hỗ trợ xây nhà ở cho hộ nghèo. Xin đồng chí chia sẻ thêm về chính sách này.
- Đồng chí Nguyễn Khắc Toàn: Với truyền thống an cư, lạc nghiệp, nhà ở là một trong những nhu cầu thiết yếu trong đời sống con người. Trong điều kiện kinh tế hiện nay, nhà ở là tài sản có giá trị rất lớn, nên việc tự tạo lập nhà ở tương đối khang trang là vấn đề rất khó khăn đối với nhiều hộ gia đình, đặc biệt là các hộ nghèo.
Theo số liệu báo cáo, tổng số hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo sinh sống trên địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; hộ nghèo dân tộc Kinh sinh sống ở xã đặc biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có nhu cầu hỗ trợ xây nhà ở giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh là 1.470 hộ, tập trung nhiều nhất tại 02 huyện miền núi Khánh Sơn (915 hộ) và Khánh Vĩnh (482 hộ).
Với phương châm “không ai bị bỏ lại phía sau”, ngày 23/02/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 04/2023/QĐ-TTg quy định về mức hỗ trợ và cơ chế hỗ trợ sử dụng vốn đầu tư công để thực hiện một số nội dung thuộc Dự án 1 và Tiểu dự án 1, Dự án 4 của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025, trong đó nêu rõ ngân sách trung ương hỗ trợ tối đa 40 triệu đồng/hộ và ngân sách địa phương hỗ trợ tối thiểu 04 triệu đồng/hộ để xây dựng 01 căn nhà theo phong tục tập quán của địa phương, bảo đảm 3 cứng (nền cứng, khung - tường cứng, mái cứng). Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để giải quyết nhu cầu về nhà ở cho các hộ nghèo trên địa bàn tỉnh.
Nhằm cụ thể hóa Quyết định số 04/2023/QĐ-TTg, trên cơ sở mẫu thiết kế nhà ở cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh và nguồn kinh phí thực hiện, HĐND tỉnh sẽ xem xét, cho ý kiến về mức hỗ trợ xây nhà ở cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo sinh sống trên địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; hộ nghèo dân tộc Kinh sinh sống ở xã đặc biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 (mức hỗ trợ dự kiến 40 triệu đồng/hộ). Về nguồn kinh phí, đối với huyện Khánh Sơn và huyện Khánh Vĩnh, ngân sách tỉnh dự kiến hỗ trợ 100% từ nguồn vốn đầu tư theo Nghị quyết số 17/2022/NQ-HĐND; đối với các địa phương khác (gồm: Cam Lâm, Cam Ranh, Ninh Hòa, Diên Khánh), ngân sách tỉnh dự kiến hỗ trợ 70% từ nguồn vốn đầu tư công và ngân sách huyện hỗ trợ 30%.
Trong giai đoạn hiện nay, việc ban hành Nghị quyết quy định mức ngân sách địa phương hỗ trợ xây nhà ở cho hộ nghèo thuộc Dự án 1 Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 là rất cần thiết. Nghị quyết sẽ tạo điều kiện cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo sinh sống trên địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; hộ nghèo dân tộc Kinh sinh sống ở xã đặc biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có nhà ở an toàn, ổn định hơn trong cuộc sống; yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo. Từ đó, giảm tỷ lệ hộ nghèo về nhà ở; góp phần đạt được mục tiêu “giải quyết cơ bản tình trạng thiếu nhà ở, đất ở, đất sản xuất cho đồng bào” đã được HĐND tỉnh đặt ra tại Nghị quyết số 16/NQ-HĐND ngày 15/01/2021 về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.
- PV: Được biết, điểm mới tại kỳ họp này chính là HĐND tỉnh sẽ xem xét Báo cáo kết quả thực hiện Chương trình giám sát của HĐND tỉnh và Thường trực HĐND tỉnh năm 2022. Thời gian qua, các hoạt động giám sát của HĐND tỉnh đã có những đổi mới như thế nào, thưa đồng chí?
- Ông Nguyễn Khắc Toàn: Giám sát là nhiệm vụ quan trọng, là một trong những chức năng chính yếu của HĐND. Sau 01 năm triển khai thực hiện, có thể khẳng định, hoạt động giám sát của HĐND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh, các Ban của HĐND tỉnh, các Tổ đại biểu HĐND tỉnh và đại biểu HĐND tỉnh được thường xuyên quan tâm và đổi mới theo hướng cụ thể, trọng tâm, thực chất và hiệu quả. Trong đó, kết quả giám sát chuyên đề đã được cụ thể hóa bằng các nghị quyết thông qua tại kỳ họp, tạo cơ sở pháp lý quan trọng để giám sát việc thực hiện kiến nghị, kết luận sau giám sát, góp phần làm chuyển biến tích cực về mặt nhận thức, hành động và cách thức tổ chức thực hiện của cơ quan giám sát và đối tượng chịu sự giám sát, mang lại kết quả tích cực.
Trong năm 2022, HĐND tỉnh đã tổ chức giám sát 02 chuyên đề, gồm chuyên đề về “Công tác quản lý và sử dụng quỹ đất công ích 5% trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa” và chuyên đề về “Tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 07/NQ-HĐND ngày 11/5/2018 của HĐND tỉnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 05/NQ-HĐND ngày 29/6/2012 về Quy hoạch phát triển hệ thống giáo dục và đào tạo tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2012 – 2020 và tầm nhìn đến năm 2025”. Các Ban của HĐND tỉnh đã thực hiện giám sát 07 chuyên đề liên quan đến các vấn đề phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Các đoàn giám sát đã chỉ ra nhiều khó khăn, vướng mắc, bất cập, trong các lĩnh vực và kịp thời kiến nghị, đề xuất các giải pháp và đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương khẩn trương phối hợp khắc phục.
Cùng với đó, hoạt động giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân cũng được Thường trực HĐND tỉnh chú trọng thực hiện, phát huy hiệu quả. Trong năm 2022, Thường trực HĐND tỉnh đã phân công Ban Pháp chế HĐND tỉnh tiến hành 02 đợt giám sát quá trình giải quyết đối với 05 đơn (01 đơn trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh và 04 đơn trên địa bàn thành phố Nha Trang). Qua giám sát, Thường trực HĐND tỉnh đã kịp thời phát hiện, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của địa phương trong quá trình giải quyết đơn của công dân; kiến nghị nâng cao trách nhiệm trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, đảm bảo đúng quy định của pháp luật về thẩm quyền và trình tự, thủ tục. Đồng thời, kết quả giám sát là cơ sở quan trọng để Thường trực HĐND tỉnh thực hiện xếp lưu đơn, góp phần rút ngắn quá trình xử lý đơn thư.
Một trong những hoạt động giám sát luôn nhận được sự quan tâm từ đông đảo cử tri và Nhân dân chính là chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp. Việc lựa chọn “đúng”, “trúng” những vấn đề trọng tâm, bức xúc, phù hợp với yêu cầu của thực tế đã làm cho hoạt động giám sát đi vào đời sống xã hội, được cử tri và Nhân dân ghi nhận, đánh giá cao. Kết thúc phiên chất vấn, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết về hoạt động chất vấn, trong đó đặt ra yêu cầu, giải pháp cụ thể và thời hạn hoàn thành để các cơ quan thực hiện. Đây cũng là một trong những đổi mới quan trọng, giúp cho việc giám sát thực hiện lời hứa sau chất vấn được kịp thời, khả thi và có căn cứ.
- PV: Trong năm 2024, HĐND tỉnh dự kiến giám sát những chuyên đề gì và tiêu chí lựa chọn như thế nào, thưa đồng chí?
- Đồng chí Nguyễn Khắc Toàn: Ngày 12/9/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã ban hành Nghị quyết số 594/UBTVQH15 về hướng dẫn hoạt động giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, Ban của HĐND, Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND. Theo đó, các tiêu chí lựa chọn chuyên đề giám sát được quy định như sau:
- Thứ nhất, là vấn đề bức xúc ở địa phương hoặc vấn đề ảnh hưởng lớn đến đời sống nhân dân, phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh được đại biểu HĐND, cử tri và Nhân dân quan tâm; gắn với việc xây dựng, thi hành chính sách, pháp luật, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại địa phương.
- Thứ hai, không thuộc phạm vi điều chỉnh của các luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của UBTVQH, văn bản quy phạm pháp luật khác của các cơ quan nhà nước cấp trên, nghị quyết của HĐND cùng cấp mới có hiệu lực thi hành trong thời gian 12 tháng tính đến thời điểm đề xuất, trừ các vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách, pháp luật cụ thể để giải quyết vấn đề cấp bách về thiên tai, dịch bệnh, các vấn đề cấp thiết khác.
- Thứ ba, không trùng nội dung với các chuyên đề giám sát đã được HĐND cùng cấp tiến hành giám sát trong khoảng thời gian ít nhất là 02 năm tính đến thời điểm đề xuất, trừ trường hợp giám sát lại nội dung đã được giám sát do đối tượng chịu sự giám sát không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các kiến nghị giám sát.
- Thứ tư, không trùng lặp về đối tượng giám sát của cơ quan nhà nước cấp trên vào cùng thời điểm giám sát giữa HĐND, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, Tổ đại biểu HĐND cùng cấp.
- Thứ năm, bảo đảm tính toàn diện, sự cân đối và phù hợp giữa các lĩnh vực.
- Thứ sáu, các tiêu chí khác do HĐND, Thường trực HĐND, Ban của HĐND quyết định phù hợp với yêu cầu giám sát và thực tiễn của địa phương.
Từ những quy định trên, căn cứ khả năng thực hiện của các cơ quan cuả HĐND tỉnh và đặc điểm tình hình năm 2024, Thường trực HĐND tỉnh đã dự kiến 02 chuyên đề để trình HĐND tỉnh xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 10, cụ thể:
Chuyên đề 1: Giám sát công tác quản lý, sử dụng, khai thác các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.
Chuyên đề 2: Giám sát việc thực hiện quy hoạch thủy sản để đẩy mạnh phát triển kinh tế biển tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh theo Nghị quyết số 73/NQ-HĐND ngày 07/12/2020 của HĐND tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2021 - 2025.
Thực hiện: BBT Website