Nêu cao tính gương mẫu của cán bộ, đảng viên
Thời gian qua, nội dung rất thời sự được cử tri và nhân dân đề cập đến chính là kết quả của Hội nghị Trung ương 8, khóa XII. Nhìn chung, cử tri và nhân dân bày tỏ phấn khởi trước thành công của Hội nghị Trung ương 8, đặc biệt là những nội dung quan trọng, như: Phát triển đất nước bền vững, đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng, công tác cán bộ…
Một trong những nội dung của Hội nghị Trung ương 8 được cử tri hoan nghênh và đánh giá rất cao là việc Ban Chấp hành Trung ương đã thống nhất ban hành Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư và Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, nêu rõ 9 nội dung cần nêu gương, 9 nội dung cần nghiêm khắc với bản thân và kiên quyết chống, nhằm nâng cao sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.
Tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ sáu tại huyện Đông Anh (Hà Nội), sau khi lắng nghe từng ý kiến, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (đại biểu Quốc hội TP Hà Nội) cảm ơn đánh giá của cử tri; đồng thời nhấn mạnh, Đảng đã có nhiều quy định, quy chế, như 19 điều đảng viên không được làm, 27 biểu hiện suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" mà cán bộ, đảng viên phải chống. Cách đây hai năm, Bộ Chính trị đã ban hành quy định về nội dung này. Lần này, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, thể hiện tính chất quan trọng hơn. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, mọi cán bộ, đảng viên đều phải thực hiện những quy định đã có, nhưng lần này nhấn mạnh trách nhiệm của gần 200 đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng phải gương mẫu thực hiện trước.
|
Công nhân Công ty May 10 tích cực sản xuất hàng xuất khẩu. Ảnh: Trọng Hải. |
Trong các cuộc tiếp xúc cử tri của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH), cử tri và nhân dân tiếp tục thể hiện sự đồng tình, ủng hộ, tin tưởng, kỳ vọng vào quyết tâm chính trị và hành động quyết liệt của Đảng, Nhà nước trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng (PCTN), lãng phí. Nhiều vụ án tham nhũng lớn được đưa ra xét xử; nhiều cán bộ có hành vi lợi dụng chức vụ, kẽ hở của luật pháp để tham nhũng gây thất thoát nghiêm trọng tài sản Nhà nước đã bị xử lý. Tuy nhiên, cử tri và nhân dân cũng đề cập tới nạn “tham nhũng vặt” vẫn chưa giảm, khiến doanh nghiệp, người dân còn phải chi trả những khoản chi phí ngoài quy định khi thực hiện thủ tục hành chính. Từ đó, cử tri và nhân dân đề nghị Đảng, Nhà nước tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh công tác PCTN, lãng phí; coi trọng các giải pháp phòng ngừa; đề cao trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu; thực hiện thu hồi tối đa tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát.
Kinh tế-xã hội có nhiều điểm tích cực
Từ đầu năm 2018 tới nay, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, nền kinh tế tăng trưởng khá và chất lượng; sản xuất nông nghiệp, công nghiệp có chuyển biến tích cực; môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục được cải thiện; an sinh xã hội được chăm lo, bảo đảm; bảo vệ môi trường, công tác phòng, chống bão lũ, ứng phó với biến đổi khí hậu được tăng cường; chính trị, xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh tiếp tục được giữ vững; đối ngoại được triển khai đồng bộ, toàn diện. Đây là những đánh giá tích cực của cử tri được Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổng hợp. Nội dung này sẽ được báo cáo Quốc hội tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ sáu, ngày 22-10.
Cử tri và nhân dân đồng tình với việc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tăng cường đối thoại, điều chỉnh chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Cử tri và nhân dân ghi nhận việc cơ cấu lại ngành nông nghiệp được triển khai đúng hướng, sản xuất nông nghiệp đạt mức tăng trưởng khá, chương trình xây dựng nông thôn mới đạt kết quả rõ nét, đời sống của người dân tiếp tục được cải thiện, số hộ nghèo giảm nhanh…
Cử tri và nhân dân đề nghị Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế, nhất là khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ; tập trung tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, chính sách, luật pháp, cắt giảm điều kiện kinh doanh một cách thực chất, rút ngắn thời gian xử lý thủ tục hành chính, nhất là các thủ tục về đầu tư, thuế, hải quan, tạo điều kiện thuận lợi đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; tạo niềm tin thu hút mạnh hơn nữa đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các tập đoàn lớn đầu tư vào những lĩnh vực công nghệ cao, thân thiện với môi trường.
Theo đánh giá của Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) Nguyễn Thanh Hải, những kết quả đạt được trong phát triển KT-XH có liên quan tới việc giải quyết những kiến nghị, phản ánh của cử tri và nhân dân. Lấy ví dụ cụ thể trong lĩnh vực nông nghiệp, đồng chí Nguyễn Thanh Hải nói: “Có thể nói tất cả chính sách mà cử tri phát hiện, yêu cầu đề nghị bổ sung, sửa đổi trong lĩnh vực nông nghiệp cho đến nay đã được giải quyết 100%, các văn bản đã được ban hành. Vì vậy, kết quả trong sản xuất nông nghiệp hình thành được chuỗi giá trị, xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới. Đặc biệt, đầu nhiệm kỳ tăng trưởng nông nghiệp là âm, nhưng đến bây giờ con số tăng trưởng đã đạt cao nhất trong vòng 12 năm qua”.
Công tác giám sát tạo ra chuyển biến tích cực
Trong các cuộc tiếp xúc cử tri, vai trò giám sát của Quốc hội, HĐND các cấp và hệ thống MTTQ Việt Nam được cử tri và nhân dân đánh giá cao, cho rằng đó là yếu tố quan trọng mang lại những chuyển biến tích cực trên tất cả các mặt.
Nhiều nội dung dư luận xã hội quan tâm đã được Quốc hội, UBTVQH lựa chọn làm nội dung giám sát chuyên đề; đưa ra chất vấn tại các kỳ họp của Quốc hội, các phiên họp của UBTVQH; ĐBQH góp ý trực tiếp khi cho ý kiến về các vấn đề KT-XH, ngân sách Nhà nước hay cho ý kiến về từng dự án, đề án cụ thể.
Trao đổi với chúng tôi, cử tri Phạm Thị Thúy (Đông Anh, Hà Nội) cho rằng, sự không ngại va chạm, thẳng thắn thể hiện ý chí, nguyện vọng của cử tri, nhân dân gửi gắm và thể hiện trách nhiệm trước quốc gia, dân tộc của nhiều vị ĐBQH tâm huyết đã tạo ra hiệu ứng tích cực trong quản lý, điều hành cũng như trong toàn xã hội; tiết chế những hành vi gây hại cho lợi ích chung của quốc gia, dân tộc, cộng đồng, xã hội. Những chuyển biến sau các phiên chất vấn và trả lời chất vấn; những đổi thay trong và sau khi có hoạt động giám sát chuyên đề, như về BOT, về vệ sinh an toàn thực phẩm, quản lý và sử dụng đất đai… đã cho thấy rõ điều đó.
Những đánh giá tích cực và cả những ý kiến kiến nghị, phản ánh nêu rõ những bất cập, hạn chế cần khắc phục mà cử tri, nhân dân nêu ra cho thấy, cử tri và nhân dân luôn dõi theo, đồng hành cùng Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền trong một nỗ lực chung xây dựng Việt Nam thành đất nước giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Chính sự tin tưởng, sự đồng hành của cử tri và nhân dân là nền tảng rất quan trọng cho mọi thắng lợi mà nước ta đã đạt được trong suốt thời gian qua.
Theo Quân đội nhân dân Online