UBND tỉnh Khánh Hòa vừa phê duyệt Phương án phòng, chống hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh năm 2020 với tổng kinh phí dự kiến khoảng 88,6 tỷ đồng.
Theo đánh giá tình hình, trong các tháng đầu năm 2020, trên địa bàn toàn tỉnh hầu như không mưa, tổng lượng mưa các nơi chỉ đạt dưới 10 mm, thấp hơn so với trung bình nhiều năm từ 20-30%; mực nước trên sông Cái - Nha Trang, sông Dinh - Ninh Hòa có xu thế giảm, một số sông suối nhỏ không còn dòng chảy. Trong khi đó, theo dự báo, từ nay đến hết tháng 8, nhiệt độ không khí trung bình ở mức cao hơn trung bình các năm cùng thời kỳ từ 0,5-1,0 độ C với nhiều đợt nắng nóng kéo dài từ tháng 6 đến tháng 8. Tổng lượng mưa các nơi ở mức thấp hơn trung bình các năm cùng thời kỳ với mức thiếu hụt từ 10-40%. Lượng dòng chảy trên các sông suối thiếu hụt từ 40-60% so với trung bình nhiều năm cùng kỳ, dẫn đến nguy cơ xảy ra hạn hán, thiếu nước tại các địa phương trên địa bàn tỉnh, đặc biệt nghiêm trọng ở những nơi ngoài vùng cấp nước của công trình thủy lợi. Tại các hồ chứa, sau khi kết thúc lúa vụ Đông Xuân 2019-2020, dung tích các hồ chứa sẽ chỉ còn xấp xỉ khoảng 35% (khoảng 87,5 triệu m3), chỉ đủ đáp ứng nhu cầu cấp nước sinh hoạt cho người dân và tưới một phần diện tích lúa vụ Hè Thu 2020 (tập trung tại các địa phương phía Bắc tỉnh).

Một số hồ thủy lợi trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa thiếu nước cung cấp cho sản xuất
Để ứng phó với tình hình hạn hán, nắng nóng có thể xảy ra trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa trong thời gian tới, UBND tỉnh đề ra 02 kịch bản ứng phó như sau:
Kịch bản 1: Trong các tháng tới (trước tháng 6/2020) nếu thời tiết có mưa, lưu lượng nước trên các sông, suối, đập, hồ chứa nước được cải thiện, căn cứ vào lịch thời vụ, các địa phương, đơn vị kịp thời chủ động tính toán, cân đối để điều chỉnh kế hoạch sản xuất cho phù hợp (một phần diện tích do các hồ chứa đảm nhiệm nếu hồ tích được nước; trên các sông lớn cho hoạt động lại các trạm bơm để cấp nước tưới cho khu vực sản xuất do trạm bơm đảm nhiệm). Sở Nông nghiệp và PTNT cùng Đài khí tượng Thủy văn khu vực Nam Trung Bộ phối hợp với Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi và các địa phương đánh giá tình hình nguồn nước để tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo triển khai sản xuất.
Kịch bản 2: Trong các tháng tới nếu thời tiết không có mưa, lượng dòng chảy trên các sông suối thiếu hụt từ 40-60% so với trung bình nhiều năm cùng kỳ, dung tích các hồ chứa chỉ còn 30% (75 triệu m3), thực hiện giải pháp chống hạn như sau:
- Về cấp nước sinh hoạt: Các huyện, thị xã, thành phố chủ động triển khai theo các phương án đề ra. Cụ thể: Huyện Vạn Ninh triển khai phương án được duyệt tại Quyết định số 299/QĐ-UBND ngày 25/3/2020 của UBND huyện; thị xã Ninh Hòa triển khai Phương án số 1004/PA-UBND ngày 03/4/2020 của UBND thị xã; thành phố Nha Trang triển khai phương án được duyệt tại Quyết định số 189/QĐ-UBND ngày 03/4/2020 của UBND thành phố; huyện Diên Khánh triển khai Phương án số 55/KH-UBND ngày 26/3/2020 của UBND huyện; huyện Cam Lâm triển khai Phương án số 2118/PA-UBND ngày 15/4/2020 của UBND huyện; thành phố Cam Ranh triển khai phương án được duyệt tại Quyết định số 434/QĐ-UBND ngày 15/4/2020 của UBND thành phố; huyện Khánh Vĩnh triển khai Phương án số 06/PA-UBND ngày 19/3/2020 của UBND huyện; huyện Khánh Sơn triển khai Phương án số 147/PA-UBND ngày 11/3/2020 của UBND huyện.
- Về cấp nước sản xuất: Tổng diện tích sản xuất là 4.460 ha/18.940 ha, diện tích bỏ vụ là 14.480 ha/20.200 ha, diện tích phải bơm chống hạn cuối vụ là 1.520 ha. Trong đó, tại huyện Vạn Ninh: Sản xuất 2.160 ha/2.648 ha tại các vùng tưới của Hoa Sơn (700 ha), Đập dâng Đồng Dưới (400 ha), Đập dâng Hải Triều (92 ha), Đập dâng Phú Hội (143 ha)...; số diện tích phải bỏ vụ là 483 ha; diện tích phải bơm chống hạn vụ cuối là 1.081 ha (tập trung ở các xã Vạn Bình, Vạn Phú, Vạn Thắng và thị trấn Vạn Giã). Tại thị xã Ninh Hòa: Sản xuất 1.860 ha/9.290 ha tại các vùng tưới của hồ Tiên Du (72 ha), Đập dâng Bến Bắp (270 ha), Chị Trừ (507 ha), Sông Cái (1.005 ha) thuộc các xã, phường: Ninh Phú, Ninh Phụng, Ninh Bình, Ninh Hà, Ninh Giang, Ninh Đa, Ninh Hiệp,...; diện tích phải bỏ vụ thuộc các xã, phường còn lại khoảng 7.430 ha; diện tích phải bơm chống hạn cuối vụ là 441 ha. Tại thành thành phố Cam Ranh: Sản xuất 300 ha/824 ha tại các vùng tưới của hồ Tà Rục, một phần hồ Suối Hành; các địa phương còn lại bỏ vụ hoàn toàn (524 ha).
Trên cơ sở Phương án phòng chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa năm 2020, UBND tỉnh giao các sở, ngành, địa phương, đơn vị được phân công nhiệm vụ chủ động khẩn trương xây dựng kế hoạch chi tiết và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả. Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Phương án trên. Sở Lao động – TBXH rà soát, tổng hợp nhu cầu hỗ trợ cứu đói cho nhân dân các vùng xảy ra hạn, xâm nhập mặn, phối hợp với Sở Tài chính để xuất UBND tỉnh xem xét, quyết định hỗ trợ. Bắt đầu từ tháng 5/2020: UBND các huyện, thị xã, thành phố, các đơn vị có liên quan tổ chức phân công bộ phận thường trực để tiếp nhận và báo cáo kịp thời tình hình, kết quả khắc phục hạn hán cho Sở Nông nghiệp và PTNT vào sáng thứ tư hàng tuần.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Tỉnh Đoàn, Hội Cựu chiến binh tỉnh phối hợp với các sở, ngành, địa phương và đơn vị liên quan thực hiện tốt công tác phòng, chống hạn trên địa bàn tỉnh.
Được biết, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 04/CT-UBND ngày 20/02/2020 yêu cầu Sở Nông nghiệp và PTNT và các sở, ngành, đơn vị, địa phương, theo chức năng, nhiệm vụ của mình hướng dẫn các địa phương, đơn vị và người dân tăng cường các giải pháp cấp bách phòng, chống hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh, đảm bảo đồng bộ, hiệu quả.
CTV – Nguyên Lộc