Năm 2019 là năm Chính phủ sẽ đánh giá những kết quả chủ yếu mà Việt Nam đã đạt được trong 5 năm thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và đề ra nhiệm vụ trong giai đoạn tiếp theo. Trong sự nghiệp chung đó, Quốc hội Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy và thực hiện có hiệu quả các mục tiêu phát triển bền vững của đất nước.
Quốc hội góp phần thúc đẩy việc tham gia và thực hiện hiệu quả các mục tiêu phát triển bền vững
Ngày nay, phát triển bền vững là yêu cầu cấp thiết đối với mọi quốc gia trên thế giới. Liên hợp quốc kêu gọi các nước thành viên thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) nhằm thúc đẩy các nước, dù phát triển ở trình độ cao hoặc đang phát triển, cần chung tay xây dựng và bảo vệ Trái đất. Việc thực hiện SDGs được đề cập, lồng ghép trong chính sách phát triển kinh tế - xã hội của mỗi nước nhằm hướng tới cải thiện sức khỏe, giáo dục, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường, ứng phó hiệu quả với tình trạng biến đổi khí hậu đang diễn ra theo chiều hướng đáng lo ngại ở nhiều khu vực trên thế giới. Mặc dù vậy, theo Tổng Thư ký Liên hợp quốc, thế giới vẫn đứng trước nhiều thách thức, như nạn đói tiếp tục gia tăng, tỷ lệ nghèo cùng cực được dự đoán là 6% vào năm 2030. Như vậy mục tiêu xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực cho tất cả mọi người ở mọi nơi trên thế giới sẽ không đạt được. Phần lớn các nhóm người dễ bị tổn thương vẫn tiếp tục gặp nhiều bất lợi. Tỷ lệ thanh niên thất nghiệp cao gấp 3 lần so với người trưởng thành. Bất bình đẳng ngày càng rõ ràng. Tốc độ mất đa dạng sinh học đang ở mức báo động với khoảng 1 triệu loài đã bị tuyệt chủng. Trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Ủy ban Kinh tế và Xã hội khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Liên hợp quốc (ESCAP) cũng cho rằng, khu vực tiếp tục đối mặt với một số khó khăn, như khoảng cách giàu nghèo, vấn đề bất bình đẳng giới, biến đổi khí hậu, vấn đề nước sạch và an ninh năng lượng, việc làm bền vững. Biến đổi khí hậu đang làm cho các quốc đảo nhỏ ở Thái Bình Dương chịu nhiều thiệt hại gấp 9 lần so với mức trung bình của khu vực về gánh chịu hậu quả thiên tai. ESCAP đánh giá khu vực châu Á - Thái Bình Dương rất khó có thể đạt được SDGs vào năm 2030.
Phát triển bền vững không chỉ là cam kết của Việt Nam cùng cộng đồng quốc tế mà còn xuất phát từ nhu cầu nội tại mang tính tất yếu của nước ta, phù hợp với chủ trương xuyên suốt của Đảng là “phát triển nhanh và bền vững, đặt con người và chất lượng cuộc sống là yếu tố trung tâm trong hoạch định và thực thi chính sách”. Chính phủ Việt Nam sớm ban hành kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, đã hoàn thiện cơ cấu tổ chức bộ máy để tổ chức thực hiện. Trong tiến trình đó, Quốc hội đóng vai trò quan trọng, hoàn thiện khung pháp luật xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân và hoàn thiện các thiết chế quản trị nhà nước, đề cao vai trò giám sát của cơ quan quyền lực nhân dân.
Hội nghị quốc gia về phát triển bền vững năm 2019 thể hiện quyết tâm chính trị cũng như sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị đối với vấn đề phát triển bền vững. Hội nghị toàn quốc về phát triển bền vững vừa qua có ý nghĩa quan trọng vì năm 2019 là năm Chính phủ đánh giá những kết quả chủ yếu mà Việt Nam đã đạt được trong 5 năm thực hiện SDGs và đề ra nhiệm vụ trong giai đoạn tiếp theo. Đồng thời, đây sẽ là một kênh thông tin chính thức đến với mọi người dân trên cả nước về những thành tựu của Việt Nam trong quá trình thực hiện SDGs.
Với tinh thần đó, thông qua việc thực hiện các chức năng lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, Quốc hội đã thảo luận, thông qua các đạo luật, các chiến lược quốc gia, quyết định ngân sách cho chương trình mục tiêu liên quan đến phát triển bền vững, đặc biệt là các lĩnh vực bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, xóa đói, giảm nghèo, nhất là chăm lo đến vùng dân tộc thiểu số, vùng chịu nhiều rủi ro do bão, lũ, biến đổi khí hậu… Nhằm thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, Chính phủ đã quyết định Chương trình phát triển kinh tế - xã hội cho nhóm 16 dân tộc thiểu số rất ít người; chỉ đạo tập trung đầu tư phát triển khoa học - công nghệ và quyết tâm đổi mới mô hình tăng trưởng để bảo đảm phát triển bền vững.
Quốc hội cũng góp phần thúc đẩy việc tham gia và thực hiện SDGs thông qua việc thẩm tra và phê chuẩn các công ước, điều ước quốc tế về quyền con người, như Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền (năm 1948), Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (năm 1966), Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa (năm 1966), Công ước của Liên hợp quốc về người khuyết tật (năm 2007), Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức trừng phạt hay đối xử tàn ác, vô nhân đạo, hoặc hạ thấp nhân phẩm (năm 1984), Công ước về xóa bỏ các hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ (năm 1979).
Về đối ngoại, Quốc hội Việt Nam đã chủ trì, phối hợp cùng Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) thông qua Tuyên bố Hà Nội từ năm 2015 về “Nghị viện với các mục tiêu phát triển bền vững: Biến lời nói thành hành động” tại Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 132 (IPU-132). Tuyên bố đã tạo bước chuyển lớn trong nhận thức của IPU, thúc đẩy IPU cùng Liên hợp quốc xây dựng “Bộ Công cụ tự đánh giá: Nghị viện và các mục tiêu phát triển bền vững” nhằm nâng cao vai trò và sự tham gia của các nghị viện thành viên của IPU vào quá trình triển khai thực hiện SDGs. Tháng 5-2017, Quốc hội Việt Nam đã cùng với IPU tổ chức Hội nghị chuyên đề khu vực châu Á - Thái Bình Dương lần thứ nhất về phát triển bền vững. Trong đó, nghiên cứu việc hoạch định chính sách phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long và Thành phố Hồ Chí Minh phải chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Hội nghị đã thông qua văn kiện cuối cùng, khẳng định nhận thức chung rằngbiến đổi khí hậu là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với phát triển bền vững, nhất là ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương; tác động nghiêm trọng đối với đời sống vật chất và tinh thần của mọi người dân, tới việc bảo đảm chăm sóc sức khỏe toàn dân ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam; ảnh hưởng tới an ninh lương thực, chất lượng nước. Quốc hội các nước có vai trò dẫn dắt thực hiện SDGs trong việc xây dựng và hình thành SDGs vào chương trình xây dựng pháp luật, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, bảo đảm phân bổ ngân sách và các nguồn lực cần thiết để thực hiện các cam kết quốc gia và SDGs ưu tiên; khuyến khích các tổ chức quốc tế và các nước phát triển hỗ trợ các nước đang phát triển nhằm đạt được những mục tiêu đề ra. Hội nghị đã đưa ra các khuyến nghị quan trọng đối với nghị viện và quốc hội các nước cần hành động mạnh mẽ và đồng bộ hơn để ứng phó với biến đổi khí hậu thông qua việc tăng cường vai trò lập pháp và giám sát, thúc đẩy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này trên quy mô khu vực và toàn cầu; đồng thời thúc đẩy hỗ trợ hơn nữa người nghèo, người yếu thế, phụ nữ, trẻ em; hỗ trợ những khu vực bị tác động mạnh mẽ bởi biến đổi khí hậu.
Tháng 12-2018, Quốc hội Việt Nam tổ chức Hội nghị “Quốc hội Việt Nam và các Mục tiêu phát triển bền vững”, nội dung bao hàm các chính sách phát triển kinh tế - xã hội và môi trường, vấn đề bình đẳng giới, phụ nữ và trẻ em gái, đặt người dân là trung tâm giám sát những chính sách bảo đảm đời sống của người nghèo, xóa bỏ những rào cản chính sách, phát huy quyền con người và không để ai bị bỏ lại phía sau. Diễn đàn này có sự tham gia của Tổng Thư ký IPU, đại diện cơ quan phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam, gần 200 đại biểu Quốc hội và đại diện thường trực hội đồng nhân dân các địa phương trên cả nước, cùng đại diện của hầu hết các bộ, ngành đang trực tiếp triển khai các nhiệm vụ trong kế hoạch hành động vì phát triển bền vững. Các đại biểu Quốc hội cũng đã phát huy vai trò “cầu nối” với người dân, phản ánh các nguyện vọng của người dân, của cử tri đến Quốc hội; thường xuyên tiếp xúc với cử tri, đối thoại với nhiều đối tượng xã hội, nghe ý kiến của cử tri phản ánh về hiệu quả chính sách tại địa phương, về các nguồn lực bảo đảm thực hiện chương trình, tạo điều kiện để người dân giám sát việc thực hiện SDGs ở các cấp trong cả nước, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội.
Quốc hội Việt Nam là thành viên đầu tiên trong IPU dịch sang tiếng Việt và phổ biến nội dung Bộ Công cụ tới các đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhằm nâng cao nhận thức về vai trò, nhiệm vụ của các đại biểu trong lĩnh vực phát triển bền vững. Đây là văn bản có tính định hướng để các đại biểu nắm chắc những nội dung về phát triển bền vững, vai trò, trách nhiệm của mình, từ đó đưa ra những kế hoạch triển khai thực hiện nhằm phát huy tốt nhất quyền và nghĩa vụ theo quy định. Bộ Công cụ bao gồm các nội dung: các mục tiêu phát triển bền vững; đưa các mục tiêu này đến cấp địa phương; lồng ghép vào hoạt động nghị viện; thông qua luật nhằm hỗ trợ thực hiện SDGs; vấn đề về nguồn lực tài chính cho phát triển; giám sát việc thực hiện và bảo đảm SDGs phục vụ các nhóm dễ bị tổn thương nhất. Việc xây dựng Bộ Công cụ nhằm giúp các nghị sĩ nâng cao năng lực trong thực hiện SDGs với thông điệp chính là “Không để ai bị bỏ lại phía sau”. Mỗi quốc gia cần xác định các chiến lược phù hợp và các ưu tiên chung để thể chế hóa các mục tiêu; tăng cường năng lực nghị viện để lồng ghép SDGs; bảo đảm các công tác thực hiện các mục tiêu này của Nghị viện hoàn toàn phù hợp với khung nhân quyền, phản ánh các nguyên tắc cơ bản của nhân quyền về tính phổ quát, bình đẳng và không phân biệt đối xử; chọn đối tượng đánh giá chính; xác định những yêu cầu hỗ trợ từ IPU và Chương trình phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) khi cần thiết và chia sẻ kết quả thông qua các Ủy ban Thường trực IPU về các vấn đề của Liên hợp quốc.
Để ứng dụng Bộ Công cụ trên thực tế và nhằm triển khai thực hiện các cam kết và nhóm giải pháp, tháng 3-2019, Đoàn công tác của Quốc hội và Liên hợp quốc tại Việt Nam đã khảo sát về tình hình thực hiện công tác xóa đói, giảm nghèo và phát triển bền vững tại tỉnh Sơn La, hướng tới chọn địa bàn thí điểm thực hiện 3 nội dung: 1- Phát triển nông nghiệp bền vững, tiếp tục thực hiện và triển khai nhân rộng mô hình trồng rừng bằng cây ăn quả nhằm vừa phủ xanh đất trống, đồi trọc, vừa giảm nghèo bền vững, tạo sinh kế lâu dài cho người dân; 2- Thống kê về giảm nghèo đa chiều ở khu vực miền núi, qua đónghiên cứu các giải pháp hỗ trợ thực hiện; 3- Nghiên cứu tổ chức tập huấn dành cho đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân tỉnh, huyện về Bộ Công cụ và các công cụ đánh giá về vai trò của các đại biểu hội đồng nhân dân đối với việc thực hiện SDGs ở địa phương.
Tập trung nguồn lực để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững
Trong giai đoạn tiếp theo, để tiếp tục thực hiện các chương trình, kế hoạch nhằm đạt được SDGs một cách hiệu quả trên thực tế, Việt Nam cần phải nỗ lực và tập trung nguồn lực đối với những nhiệm vụ sau:
Một là, tiếp tục hoàn thiện thể chế về năng lực quản trị của các cơ quan nhà nước, tiếp tục rà soát hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, các tiêu chí đánh giá việc thực hiện SDGs tại Việt Nam.
Hai là, xác định các ưu tiên trong tiến trình thực hiện SDGs tại Việt Nam trong giai đoạn tới, phù hợp với nguồn lực và nền tảng phát triển khi thực hiện 17 mục tiêu và 169 chỉ tiêu cụ thể. Đồng thời, chú trọng hoàn thiện các tiêu chí hướng dẫn lồng ghép SDGs vào chính sách phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong cả nước.
Ba là, cần nhận diện những nguyên nhân sâu xa, những vấn đề cốt lõi của những thách thức, hạn chế để cùng khắc phục trong thời gian tới. Hiện nay, Việt Nam có nhiều thuận lợi trong thực hiện SDGs, như toàn Đảng, toàn dân quyết tâm chính trị cao, môi trường an ninh chính trị, trật tự xã hội ổn định, Việt Nam đã có kinh nghiệm thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, uy tín và vị thế quốc gia ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế. Tuy nhiên, Việt Nam còn đứng trước nhiều thách thức, đó là xuất phát từ yêu cầu phát triển nội tại nền kinh tế, nguồn lực tài chính, nguồn nhân lực có mặt còn hạn chế. Trong khi đó, Việt Nam phải chịu tác động nghiêm trọng do biến đổi khí hậu. Tình hình này đặt ra những thách thức đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực khắc phục, giải quyết.
Bốn là, Quốc hội Việt Nam sẽ tăng cường hoạt động của các đại biểu Quốc hội, hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố nâng cao nhận thức về phát triển bền vững, tổ chức xây dựng khung đánh giá phát triển bền vững, tiến hành giám sát định kỳ tiến độ triển khai Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, tổ chức các hoạt động khảo sát thực tế tại địa phương, khuyến khích các chính sách phát triển kinh tế đi đôi với yếu tố bền vững về môi trường và xã hội.
Năm là, về cơ chế phối hợp, việc tăng cường kết nối thông tin, phối hợp hành động giữa Chính phủ và Quốc hội cần được thực hiện chặt chẽ và thường xuyên hơn. Trong năm 2020, cần tổ chức để Chính phủ báo cáo Quốc hội việc sơ kết 5 năm thực hiện SDGs. Đây là cơ sở để Quốc hội xem xét thông qua Nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn tiếp theo. Ngoài ra, Hội đồng quốc gia vì phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh tiếp tục thúc đẩy cơ chế liên ngành, trong đó cần có sự tham gia của các cơ quan của Quốc hội mà Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội giữ vai trò điều phối.
Sáu là, phát huy cơ chế hợp tác, quan hệ đối tác với các tổ chức trong nước và quốc tế, các nước đối tác nhằm bổ sung nguồn lực, kinh nghiệm trong quá trình triển khai thực hiện SDGs.
Với vai trò và chức năng của mình, Chính phủ nỗ lực và quyết tâm trong điều hành, quyết định các chương trình mục tiêu phát triển nhanh và bền vững. Quốc hội sẽ tiếp tục đồng hành cùng Chính phủ, đôn đốc các cơ quan của Quốc hội tham gia có hiệu quả hơn vào quá trình thực hiện SDGs để đạt những kết quả thực chất, đáp ứng thành công những cam kết của Việt Nam đối với Liên hợp quốc, IPU, vì sự phát triển đất nước và hạnh phúc của nhân dân. Quốc hội đánh giá cao các cơ quan đại diện ngoại giao, các tổ chức đại diện của IPU và Liên hợp quốc tại Việt Nam đã luôn hợp tác, đồng hành, hỗ trợ tích cực để Quốc hội Việt Nam thực hiện các nhiệm vụ của mình trong thúc đẩy việc tham gia và thực hiện SDGs tại Việt Nam./.