Ngày 9-9, các đồng chí: Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa; Lê Hữu Hoàng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Nguyễn Anh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp nghe Sở Tài chính báo cáo phương án tổng thể sắp xếp lại và xử lý các cơ sở nhà, đất của cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp (do Nhà nước nắm giữ hơn 50% cổ phần) và địa phương đang quản lý, sử dụng.
Lên phương án sắp xếp
Tại cuộc họp, lãnh đạo Sở Tài chính cho biết, trên cơ sở báo cáo của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp và địa phương, sở đề xuất tổng số nhà, đất cần sắp xếp lại, xử lý theo Nghị định 67 của Chính phủ là 1.882 cơ sở, giảm 996 cơ sở so với các quyết định cũ; đồng thời tăng 266 cơ sở phát sinh mới (trong đó 261 cơ sở do các đơn vị đầu tư xây dựng mới và 5 cơ sở thực hiện điều chuyển giữa các cơ quan, đơn vị).
Trong 1.882 cơ sở, Sở Tài chính đề xuất tiếp tục sử dụng 1.618 cơ sở nhà, đất do các cơ quan, đơn vị còn nhu cầu sử dụng; điều chuyển 10 cơ sở; bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với 76 cơ sở các cơ quan, đơn vị không còn nhu cầu sử dụng; chuyển giao về địa phương quản lý, xử lý đối với 143 cơ sở; 3 cơ sở được đề xuất sắp xếp theo hình thức “sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức BT”; 32 cơ sở được đề xuất sắp xếp theo hình thức “tạm giữ lại tiếp tục sử dụng”.
Trụ sở Trường Cao đẳng Y tế Khánh Hòa được sắp xếp để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư theo hình thức BT.
Tránh lãng phí tài sản của Nhà nước
Đồng chí Nguyễn Bé - Phó Giám đốc Sở Tài chính cho biết, 3 cơ sở nhà, đất sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư gồm: Trường Cao đẳng Y tế Khánh Hòa, Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Nha Trang, Đài Phát thanh và Truyền hình Khánh Hòa. UBND tỉnh đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về 3 trường hợp này để tiếp tục xử lý theo quy định. Còn 32 cơ sở được đề xuất “tạm giữ lại tiếp tục sử dụng” có nhiều nguyên nhân. Ví dụ, trụ sở UBND xã Vạn Thạnh (huyện Vạn Ninh), lô ki-ốt số 8 (phường Ninh Hiệp, thị xã Ninh Hòa), cây xăng và bến xe (phường Cam Lộc, TP. Cam Ranh) thuộc trường hợp phải thu hồi đất phục vụ mục đích phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích công cộng nhưng chưa có quyết định thu hồi đất của cơ quan có thẩm quyền.
Đồng chí Nguyễn Tấn Tuân đề nghị các sở, ngành và địa phương rà soát kỹ đối với 76 cơ sở nhà, đất được đề xuất bán tài sản trên đất và chuyển nhượng quyền sử dụng đất để cập nhật vào quy hoạch là đất ở hay đất thương mại dịch vụ. Đối với các địa phương có nhu cầu giữ lại sử dụng phải có đề xuất và thực hiện lại các thủ tục pháp lý cho phù hợp. Lãnh đạo các sở, ngành khi tham gia góp ý cho các dự án phải rà soát lại nguồn gốc đất để xác định nghĩa vụ tài chính phù hợp các quy định của pháp luật. Sau khi hoàn thiện, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh sẽ trình xin ý kiến của Ban Thường vụ Tỉnh ủy phương án tổng thể sắp xếp lại, xử lý cơ sở nhà, đất công trên toàn tỉnh. Việc sắp xếp lại, bán đấu giá những cơ sở không có nhu cầu sử dụng phải đảm bảo hiệu quả, đúng quy định nhằm khắc phục tình trạng quản lý thiếu chặt chẽ, tránh lãng phí tài sản của Nhà nước, khơi dậy nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội.
Theo https://baokhanhhoa.vn/chinh-tri/202209/sap-xep-lai-va-xu-ly-cac-co-so-nha-dat-cong-8262406/