Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, ngày 31-10, Quốc hội dành thời gian một ngày để thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021.
Theo đó, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường trình bày Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021.
Sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021.
|
Tham gia thảo luận ở hội trường về nội dung này, Đại biểu Lê Hữu Trí - Tỉnh ủy viên, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa bày tỏ mong muốn Quốc hội, Chính phủ quyết liệt chỉ đạo làm rõ các vi phạm, thất thoát, lãng phí...; đồng thời, sớm có giải pháp để xử lý dứt điểm các tồn tại đã nêu trong báo cáo giám sát. Trong đó, cần thiết phải làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân và có phương án khắc phục, xử lý đối với 3.085 dự án sử dụng vốn nhà nước (giai đoạn 2016-2021) có thất thoát, lãng phí; 79.670 ha đất các công ty nông, lâm nghiệp đã có quyết định thu hồi nhưng chưa có phương án sử dụng; 305.043 ha đất các công ty nông, lâm nghiệp chưa có quyết định thu hồi và chưa có phương án sử dụng đất. Tập trung xử lý các dự án không hiệu quả, chậm tiến độ, vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đối với 52 dự án, cụm dự án đầu tư công và sử dụng vốn nhà nước khác không hiệu quả; 21 dự án, chuỗi dự án trọng điểm lĩnh vực dầu khí, điện, than chậm tiến độ; 18 dự án đất đai hoang hoá, lãng phí và 908 dự án, công trình khó khăn, vướng mắc không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm tiến độ đưa đất vào sử dụng. Xử lý dứt điểm các tồn động các dự án BT, BOT đang triển khai dở dang gặp nhiều khó khăn vướng mắc. Làm rõ trách nhiệm và có phương án xử lý sớm đối với các dự án đã hoàn thành nhưng không đưa vào sử dụng, không phát huy hiệu quả, chất lượng không bảo đảm; nhất là các dự án trọng điểm của của quốc gia về xây dựng hạ tầng giao thông, các bệnh viện trọng điểm cấp Trung ương…Đẩy nhanh quá trình điều tra, xét xử, thu hồi tiền, tài sản của nhà nước bị thất thoát.
Ngoài ra, Đại biểu Lê Hữu Trí đề nghị Quốc hội bổ sung nội dung lãng phí chưa được đề cập trong báo cáo, đó là: Các thủ tục hành chính rườm rà không những là lực cản lớn cho sự phát triển kinh tế xã hội mà còn là mầm móng của tiêu cực, tham nhũng và gây ra sự lãng phí lớn về tiền bạc, thời gian của doanh nghiệp, của xã hội. Vấn đề sách giáo khoa ở các cấp học phổ thông đã gây ra một sự lãng phí lớn của xã hội cần xem xét, sửa đổi một cách nghiêm túc; vấn đề này gây nhiều bức xúc cho xã hội từ nhiều năm nhưng càng đổi mới chương trình giảng dạy, càng đổi mới sách giáo khoa thì lãng phí cho xã hội nhiều hơn và gây ra càng nhiều hơn sự bức xúc của xã hội; vì vậy, đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần quan tâm đánh giá một khách quan, khoa học và khắc phục sớm vấn đề này. Với hệ thống pháp luật liên quan đến việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đồ sộ nhưng việc thực hiện kỷ cương, kỷ luật trong thực hành tiết kiệm không nghiêm; sự lãng phí trên nhiều lĩnh vực ngày càng nghiêm trọng hơn. Điều đó cho thấy, hệ thống pháp luật, chính sách, biện pháp tổ chức thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí là chưa bảo đảm tính pháp chế, tính kỷ luật, kỷ cương và chưa đạt hiệu quả. Trên thực tế, công tác này còn lãnh đạo, chỉ đạo theo kiểu hô hào phong trào, hình thức, chưa có biện pháp đủ mạnh để xây dựng ý thức tiết kiệm trong từng hành động của mỗi con người, mỗi tổ chức. Vì vậy, Quốc hội, Chính phủ cần rà soát các hệ thống pháp luật hiện hành và các chính sách quản lý nhà nước trên các lĩnh vực gây ra sự lãng phí lớn tài sản của nhà nước và của xã hội, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến thực hành tiết kiệm, chống lãng phí bảo đảm đồng bộ, thống nhất và phù hợp thực tiễn để kịp thời điều chỉnh các bất cập, mâu thuẫn nhằm sớm hạn chế sự lãng phí các nguồn lực quốc gia và xã hội. Điều quan trọng và cốt lỗi hơn là Đảng và Nhà nước ta phải xây dựng cho được trong nhận thức và hành động của mỗi cá nhân, mỗi cơ quan, mỗi tổ chức và toàn xã hội ý thức tiết kiệm, tư duy làm việc hiệu quả (dù là việc nhỏ nhất); gắn với việc thực hiện nghiêm kỷ cương, kỷ luật và có chế tài mạnh đối với các hành vi gây lãng phí thì mới tạo được sự chuyển biến tích cực về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong thời gian tới.
Theo https://www.baokhanhhoa.vn/chinh-tri/202210/siet-chat-ky-luat-ky-cuong-triet-de-tiet-kiem-chong-lang-phi-8267618/