Sáng 9-5, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị với doanh nghiệp “Cùng nỗ lực, vượt thách thức, đón thời cơ, phục hồi nền kinh tế”. Đầu cầu Khánh Hòa, các đồng chí: Nguyễn Khắc Định - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Lê Hữu Hoàng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh tham dự.
Để tốc độ tăng trưởng sớm trở lại
Hội nghị giữa Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp được xem là Hội nghị Diên Hồng trong bối cảnh nền kinh tế như “lò xo nén lại” vì dịch Covid-19 và nay đang chờ bật lên, tái khởi động. Hội nghị được truyền hình trực tuyến với 63 điểm cầu địa phương, 30 điểm cầu các bộ, ngành cũng như truyền hình trực tiếp trên Đài Truyền hình Việt Nam. Khoảng 800.000 doanh nghiệp trên toàn quốc, trên 5 triệu hộ kinh doanh và nhân dân cả nước có thể theo dõi.
|
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo về tác động của dịch Covid-19, thách thức và thời cơ, cơ hội phát triển kinh doanh và thông báo nội dung cơ bản của dự thảo Nghị quyết Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng trình bày, tổng hợp các kiến nghị, sáng kiến của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp; đánh giá hiệu quả, mức độ tiếp nhận, hấp thụ của doanh nghiệp đối với các giải pháp, chính sách hỗ trợ của Chính phủ, đồng thời đề xuất giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp.
Mặc dù dịch Covid-19 đã tác động đến mọi hoạt động của nền kinh tế. Song, Thủ tướng cho rằng, dịch bệnh đã đi qua, nhịp đập xã hội dần trở lại bình thường, nền kinh tế đã như chiếc lò xo bị nén lại và giờ là lúc sẵn sàng để bung ra. Với tinh thần đó, Thủ tướng yêu cầu phải tập trung hơn nữa, khởi động lại nền kinh tế Việt Nam, phấn đấu GDP đạt mức tăng trưởng trên 5% chứ không phải như dự báo của IMF chỉ là 2,7%, đồng thời phải kiểm soát lạm phát dưới 4%. Muốn như vậy chúng ta phải tập trung vào “5 mũi giáp công”. Một là thu hút đầu tư các thành phần kinh tế trong nước, trước hết là đầu tư tư nhân. Hai là thu hút FDI. Ba là đẩy mạnh xuất khẩu. Bốn là thúc đẩy đầu tư công. Năm là khuyến khích tiêu dùng nội địa với số dân gần 100 triệu người.
Đối với Khánh Hòa, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, các chỉ tiêu kinh tế của tỉnh 4 tháng đầu năm 2020 tăng thấp hoặc giảm so với cùng kỳ. Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 4,18% so cùng kỳ năm trước; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ giảm 30% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu du lịch giảm 56,1% với số lượt khách lưu trú giảm 69,6%. Với sự lãnh đạo Tỉnh ủy và UBND tỉnh, các sở, ban, ngành và địa phương đã kịp thời triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 nhằm hạn chế sự lây lan. Song song với đó là xây dựng kế hoạch hành động thực hiện các nhóm giải pháp nhằm giảm thiểu tác động của dịch bệnh Covid-19, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đảm bảo an sinh xã hội, an ninh, an toàn đời sống và sức khỏe của nhân dân được triển khai một cách quyết liệt.
Tháo gỡ nhanh những kiến nghị của doanh nghiệp
Trong phần tham luận, cộng đồng doanh nghiệp chia sẻ các cơ hội và thách thức, đồng thời kiến nghị nhiều nội dung quan trọng tại hội nghị. Theo đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam, đại dịch Covid-19 cũng là cơ hội để các doanh nghiệp trong ngành nhìn nhận, đánh giá về một số vấn đề về nguồn nguyên liệu, thị trường, đa dạng hóa sản phẩm… Ngành dệt may đã xây dựng mục tiêu kim ngạch xuất khẩu năm 2020 là 42 tỷ USD, tăng 8% so với năm 2019 và kế hoạch 5 năm 2020-2025 tăng bình quân 6%/năm. Tuy nhiên với tác động của dịch Covid-19, khả năng năm 2020 ngành sẽ tăng trưởng âm khoảng 5% so với năm 2019, nếu dịch bệnh được kiểm soát trong quý II/2020. Sau dịch bệnh, các doanh nghiệp sẽ tập trung khai thác các thị trường tiềm năng mới mở như CPTPP, EVFTA và tương lai gần là RCEP để phấn đầu tăng bình quân 6%/năm giai đoạn 2020-2025.
|
Hiệp hội Dệt may đề nghị nhiều vấn đề, trong đó, ngoài các nội dung về thuế, thủ tục hành chính, Bộ Công Thương sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược phát triển ngành dệt may Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến 2035. Trong đó, đặc biệt quan trọng là quy hoạch các khu công nghiệp dệt may lớn có xử lý nước thải tập trung.
Trong khi đó, đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản nhận định có cả thách thức và cơ hội với ngành trong bối cảnh mới. Về thách thức, sức mua từ các thị trường giảm và phục hồi “thận trọng”; một số doanh nghiệp bị đào thải: đóng cửa, phá sản hay bán lại cho nhà đầu tư khác; nợ xấu có thể sẽ gia tăng; chi phí sản xuất tăng cao; chuỗi cung ứng bị gián đoạn; lao động có thể sẽ thiếu và ngày càng khó khăn… Về cơ hội, niềm tin của các nhà đầu tư, các tập đoàn nhập khẩu, bán lẻ với Việt Nam và với thủy sản Việt Nam gia tăng đáng kể sau dịch. Hiệp hội dự đoán sẽ có dịch chuyển sản xuất từ một số quốc gia sang Việt Nam, nhu cầu nguồn nguyên liệu qua sơ chế từ Việt Nam có xu hướng tăng.
Chính vì vậy hiệp hội kiến nghị Chính phủ thúc đẩy hơn nữa hoạt động cải thiện môi trường kinh doanh và tăng cường các dịch vụ công trực tuyến để giảm bớt các gánh nặng tuân thủ, tiết giảm thời gian, chi phí làm thủ tục cho doanh nghiệp và người dân…
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam tiếp tục kiến nghị Chính phủ tăng cường nguồn lực về con người và tài chính cho các Quỹ Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và đặc biệt là các Quỹ Bảo lãnh tín dụng. Cùng với đó, cần khẩn trương giải ngân số vốn đầu tư công 700.000 tỷ đồng. Các dự án nên có sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế, trong đó có doanh nghiệp nhỏ và vừa, để tăng tính hiệu quả và linh hoạt trong quá trình triển khai dự án. Đồng thời, đẩy mạnh xuất nhập khẩu qua các thị trường tiềm năng dựa trên lợi thế của các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên, cần tập trung khai thác thị trường nội địa trên tinh thần “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Cần nhanh chóng khai thác “kinh tế ban đêm” trên quy mô toàn quốc.
Đối với Khánh Hòa, tỉnh cũng kiến nghị Chính phủ có chính sách giảm thuế, miễn giảm tiền thuê đất, hỗ trợ lãi suất vay ngân hàng, giãn nợ vay ngân hàng, giãn thời gian nộp bảo hiểm xã hội mà không phải bị phạt do nộp chậm… đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Kiến nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có hướng dẫn cụ thể đối với việc tạm dừng cấp mới giấy phép lao động cho lao động nước ngoài đến từ các vùng dịch (vùng công bố dịch hay vùng có người nhiễm bệnh), thông tin các vùng, quốc gia công bố dịch để địa phương có cơ sở triển khai thực hiện. Ngoài ra, dịch Covid-19 ảnh hưởng đến thu ngân sách của tỉnh. Ước thu ngân sách năm 2020 chỉ đạt 12.472 tỷ đồng, bằng 72,2% dự toán và bằng 65,4% so với cùng kỳ. Theo đó thu ngân sách địa phương sẽ hụt thu 2.339 tỷ đồng, vì vậy, để đảm bảo nguồn chi các chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ khó khăn trong dịch Covid tỉnh đề nghị ngân sách trung ương hỗ trợ ngân sách địa phương để giảm bớt khó khăn.
Kết luận Hội nghị với doanh nghiệp, Thủ tướng cho rằng tất cả doanh nghiệp đang chờ tiếng nói giải quyết nhanh của các cơ quan Nhà nước, đặc biệt là các địa phương. Không được đổ qua, đổ lại làm mất thời cơ kinh doanh của doanh nghiệp. Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, các Bộ trưởng có liên quan phải có trách nhiệm xử lý nhanh những kiến nghị này để tháo gỡ cho doanh nghiệp.
Đối với doanh nghiệp cũng như với các cơ quan Nhà nước, Thủ tướng cho rằng hiện nay cần phải giữ 3 thứ, đó là giữ lao động; giữ thị trường và phát triển thị trường; giữ danh dự, bản lĩnh doanh nhân Việt Nam đổi mới, trung thực và quyết tâm phát triển. Trên tinh thần đó, phải cải cách, tái cơ cấu doanh nghiệp phù hợp với bối cảnh hiện nay. “Lửa thử vàng, gian nan thử sức, khó khăn bằng hai thì chúng ta phải cố gắng bằng ba để vượt qua. Chúng ta cùng đoàn kết, cùng quyết tâm, cùng nhau lập thành tích, hoàn thành nhiệm vụ cao nhất trong năm nay và các năm tiếp theo, đóng góp vào phát triển dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Theo Báo Khánh Hòa