Bão số 4, tên quốc tế là Noru với cường độ siêu bão, tốc độ di chuyển nhanh đang hoành hành trên biển Đông. Dự báo đêm 27, rạng sáng ngày 28-9 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Khánh Hòa là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng của bão. Công tác chủ động ứng phó đang được cả hệ thống chính trị, chính quyền địa phương và người dân triển khai quyết liệt.
Sẵn sàng ứng phó
Tại Cảng cá Đại Lãnh, huyện Vạn Ninh, một số ngư dân đang tất bật thu gom đồ đạc, gia cố một vài chi tiết trên tàu và sắp xếp các vật dụng gọn gàng, néo buộc chắc chắn để chuẩn bị di dời đến nơi tránh trú bão. Trao đổi với chúng tôi, thiếu tá Nguyễn Văn Mạn - Chính trị viên Phó Đồn Biên phòng Đầm Môn cho biết, Trạm Kiểm soát Biên phòng Đại Lãnh đang kiểm soát 255 tàu thuyền, trong đó có 41 tàu trên 15m, có khả năng đánh bắt xa bờ. Còn lại là các tàu nhỏ, đánh bắt vùng gần bờ. Các tàu cá hiện đã nắm bắt thông tin và di chuyển về khu vực Vũng Rô (Phú Yên) và khu neo đậu tránh trú bão Ninh Hải (Ninh Hòa) để tránh bão. Việc các tàu cá di dời đến nơi tránh trú hoàn tất trong chiều 26-9.
|
Đồng chí Nguyễn Thanh Sơn - Phó Chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh cho biết, đến nay công tác tuyên truyền, thông tin về cơn bão đã được phát đi rộng rãi trong nhân dân. Phương án đảm bảo an toàn, tránh trú cho khoảng 1.000 phương tiện tàu thuyền, hơn 39.000 lồng nuôi trồng thủy sản và hơn 2.700 lao động trên biển đã được rà soát, triển khai. Địa phương đã chỉ đạo, lên phương án cụ thể để di dời người dân khu vực xung yếu về sạt lở đất đến nơi an toàn. Nhất là tại khu vực chân đèo Cả thuộc xã Đại Lãnh, điểm xung yếu sạt lở khi mưa lớn, thực hiện chủ trương di dời người dân đến nơi ở mới an toàn, đến nay địa phương đã di dời được 27/30 hộ dân đến khu vực tái định cư ổn định. Còn 3 hộ dân đang trong quá trình hoàn tất các thủ tục để chuyển đến nơi ở mới. 3 hộ dân này cũng đã sẵn sàng di dời tránh trú bão khi có yêu cầu.
|
Tại Ninh Hòa, theo bà Nguyễn Thị Hồng Hải - Phó Chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa, thực hiện công điện, chỉ đạo của tỉnh, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) tỉnh, địa phương đã triển khai các phương án ứng phó đến từng địa phương, trong đó đặc biệt chú trọng đến khả năng gió lớn, sóng biển cao ở khu vực một số xã, phường ven biển. Đối với khu neo đậu tránh trú bão Ninh Hải, hiện nay đã tiếp nhận 8 tàu đánh bắt xa bờ trên 200CV neo đậu. Khu neo đậu này có khả năng tiếp nhận khoảng 250 phương tiện tàu thuyền vào tránh trú an toàn.
Không được chủ quan
Kiểm tra công tác phó bão tại huyện Vạn Ninh và thị xã Ninh Hòa vào sáng 26-9, đồng chí Đinh Văn Thiệu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao công tác chủ động triển khai phương án ứng phó của các địa phương. Với quan điểm ứng phó bão, mưa lớn chủ yếu dựa vào yếu tố “4 tại chỗ” gồm: chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ và tinh thần phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả. Trong đó, công tác ứng phó trước hết tập trung vào các hoạt động trên biển, bao gồm việc kêu gọi tàu thuyền, di dời lồng bè nuôi trồng thủy sản đến nơi tránh trú an toàn, đưa người lao động trên tàu thuyền, lồng bè vào bờ.
|
|
Đồng chí Đinh Văn Thiệu nhấn mạnh: “Theo các bản tin dự báo, Khánh Hòa không phải là địa phương bão đổ bộ trực tiếp, mà là địa phương chịu ảnh hưởng của bão. Tuy nhiên, các địa phương, ban, ngành, nhân dân không chủ quan, không loại trừ khả năng bão chuyển hướng, ảnh hưởng trực tiếp tới Khánh Hòa. Về công tác chỉ đạo, UBND tỉnh, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Khánh Hòa đã ban hành các văn bản, công điện yêu cầu các địa phương, đơn vị triển khai ngay các phương án ứng phó trên tinh thần đảm bảo an toàn tối đa cho tính mạng và tài sản của nhân dân, của nhà nước. Riêng đối với các hoạt động trên biển, kể từ 16 giờ ngày 26-9 sẽ cấm tất cả các tàu, thuyền đánh bắt thủy sản rời cảng. Kể từ 14 giờ ngày 27-9, toàn bộ hoạt động trên biển, bao gồm di dời lồng bè nuôi trồng thủy sản đến khu vực an toàn, người dân rời khỏi bè nuôi vào bờ tránh trú bão phải được hoàn tất”.
Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hồi 13 giờ ngày 26-9, bão số 4 cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 580km về phía Đông; sức gió cấp 12-13, giật cấp 15. Đến 13 giờ ngày 27-9, bão ở trên khu vực phía nam quần đảo Hoàng Sa; sức gió cấp 13-14, giật cấp 17. Đến 13 giờ ngày 28-9, bão ở trên khu vực đất liền khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi; sức gió cấp 10-11, giật cấp 13. Với dự báo này, bão Noru có cường độ và hướng di chuyển tương tự như cơn bão Xangsane đổ bộ vào Quảng Nam, Đà Nẵng sáng 1-10-2006. Bão Xangsane đã khiến 59 người chết, nhiều người mất tích; khoảng 500 người bị thương, gần 16.000 nhà sập, hơn 25.000 nhà tốc mái và 52.000 nhà bị ngập trong nước, gần 579 tàu thuyền hư hại. Ước tính tổng số thiệt hại hơn 10.000 tỉ đồng.
Theo https://baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202209/tap-trung-ung-pho-bao-so-4-8264053/