Tại phiên họp UBND tỉnh Khánh Hòa thường kỳ tháng 3-2018, ông Lê Đức Vinh - Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương phải cố gắng hơn nữa, quyết liệt hơn nữa trong công tác cải cách hành chính (CCHC); nâng cao chất lượng thực thi công vụ của bộ máy nhà nước, đội ngũ cán bộ, công chức (CB-CC). Bởi, năm 2017, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Khánh Hòa chỉ tăng được 1 bậc, xếp thứ 23/63 tỉnh, thành.
Có thể nói, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI là thước đo cụ thể nhất về kết quả công tác CCHC, thể hiện trên các mặt chất lượng điều hành kinh tế, xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh. Ai là người thực hiện những nội dung ấy? Không ai khác, chính là đội ngũ CB-CC Nhà nước. Đội ngũ công chức hành chính là những người trực tiếp tiếp xúc với dân, giải quyết công việc phục vụ nhân dân. Năng lực thực thi công vụ của đội ngũ này có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc xây dựng, tạo nên sức mạnh của bộ máy hành chính nhà nước.
Trong hoạt động thực thi công vụ, chỉ khi CB-CC nhận thức rõ mình là người của dân, vì dân mới có thái độ, tinh thần trách nhiệm cao, giải quyết công việc của dân một cách chất lượng, hiệu quả.
|
Có thể nói, vấn đề then chốt của CCHC chính là chất lượng thực thi công vụ. Muốn nâng cao chất lượng, bắt buộc phải nâng cao năng lực thực thi công vụ của từng bản thân CB-CC. Điều này phụ thuộc vào kiến thức, kỹ năng và thái độ của CB-CC đối với công việc; công tác tổ chức CB-CC; môi trường tổ chức, sử dụng, đào tạo, khen thưởng, kỷ luật CB-CC...
Tuy nhiên, hoạt động thực thi công vụ của đội ngũ CB-CC hiện còn nhiều hạn chế, phần nào tác động tiêu cực tới hiệu quả, hiệu lực của bộ máy hành chính nhà nước, làm chậm tốc độ CCHC. Nhiều CB-CC cho rằng CCHC là việc có tầm... vĩ mô, không phải của mình. Một số CB-CC thiếu năng động, sáng tạo, làm việc quan liêu, nói không đi đôi với làm, ứng xử thiếu văn hóa... làm giảm niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo, điều hành của nhà nước. Do đó, mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về thái độ, tinh thần phục vụ, kết quả làm việc của đội ngũ CB-CC, của bộ máy nhà nước còn thấp là điều không khó hiểu.
Hệ lụy là gì? Phải chăng, tốc độ, quy mô thu hút đầu tư của Khánh Hòa hiện đang ở mức thấp chính là sự thể hiện chưa hài lòng của nhà đầu tư, doanh nghiệp về môi tường đầu tư kinh doanh của Khánh Hòa? Câu chuyện này rất đáng suy ngẫm.
Còn nhớ, trong nhiều phiên họp UBND tỉnh, ông Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Đức Vinh thiết tha kêu gọi từng CB-CC các sở, ngành, địa phương cố gắng hết sức mình vì sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp. “Các đồng chí không nhiệt tình, quyết liệt, chúng tôi không thể làm gì được!”, chủ tịch luôn tha thiết như vậy. Nhưng, nhiều nội dung công việc qua nhiều kỳ họp vẫn cứ phải nhắc đi nhắc lại mà chưa thể chốt được hướng xử lý.
Nhiều ý kiến cho rằng, phải quy trách nhiệm một cách cụ thể, để có hướng xử lý cụ thể, không phải chỉ có người đứng đầu cơ quan, đơn vị mới chịu trách nhiệm cá nhân. Đơn cử như Khánh Hòa hiện vẫn tồn tại Quy hoạch phát triển ngành thủy sản đến năm 2015, có tính đến năm 2020. Còn đề án Quy hoạch phát triển ngành thủy sản tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2016 - 2025, định hướng đến năm 2035 hiện vẫn đang trong giai đoạn lấy ý kiến, chưa được phê duyệt. Hiện nay đã là năm 2018. Người nuôi trồng thủy sản bối rối, thiệt thòi, do không được vay vốn ngân hàng. Trách nhiệm thuộc về ai? Cần làm cho rõ.
Một trong những giải pháp được quan tâm hiện nay là thường xuyên thanh tra, kiểm tra công vụ; tăng cường sự giám sát của nhân dân. Ngoài ra, nâng cao chất lượng thực thi công vụ; hoàn thiện chế độ công vụ hướng tới xây dựng hệ thống chuẩn mực đạo đức công vụ đang là những nhiệm vụ rất nặng nề của cả hệ thống chính trị hiện nay.
Theo Báo Khánh Hòa