Thực hiện Nghị quyết Đại hội 12 của Đảng, Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, trong những năm qua, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ủy đã tập trung lãnh đạo các cấp ủy, tổ chức đảng triển khai thực hiện nghiêm túc các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, gắn với việc thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành nhiều văn bản triển khai công tác phòng, chống tham nhũng trên địa bàn như: Kế hoạch số 45-KH/TU thực hiện Kết luận số 10-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X), Kế hoạch số 35-KH/TU thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Kế hoạch số 08-KH/TU thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng, Quy định số 04-QĐ/TU về kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản của cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý...
Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, giám sát về phòng, chống tham nhũng, lãng phí được đặc biệt quan tâm và đưa vào Chương trình kiểm tra, giám sát hàng năm của Tỉnh ủy. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đã có 03 đoàn kiểm tra, giám sát về công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí gồm Đoàn giám sát việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo về hành vi tham nhũng; Đoàn kiểm tra việc thực hiện chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) và Đoàn kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng.

Quang cảnh buổi họp Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh
Các cấp, các ngành của tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính và có nhiều chuyển biến tích cực, qua đó giúp người dân, doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, chi phí khi thực hiện các thủ tục hành chính, đồng thời nâng cao chất lượng phục vụ Nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, hạn chế tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực. Kết quả đánh giá công tác cải cách hành chính (chỉ số PAR-index) của tỉnh trong các năm gần đây đã có sự tiến bộ rõ nét. Năm 2016, chỉ số PAR-index của tỉnh Khánh Hòa chỉ xếp vị trí 12/63 tỉnh, thành của cả nước nhưng tới năm 2017 đã tăng 6 bậc lên vị trí 6/63 tỉnh, thành, đánh dấu năm thứ 5 liên tiếp Khánh Hòa tăng vị trí xếp hạng cải cách hành chính. Có 41/54 cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh với 315 đơn vị trực thuộc đã tổ chức áp dụng hệ thống tiêu chuẩn ISO trong quản lý hành chính. Các quy định về công khai, minh bạch, nhất là trên các lĩnh vực như quản lý, sử dụng tài chính ngân sách, đầu tư xây dựng và mua sắm công, công tác tổ chức cán bộ, cải cách thủ tục hành chính, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo…, quy định về chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí đối với các cơ quan nhà nước đã được các cơ quan, đơn vị trong tỉnh thực hiện nghiêm túc. Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã tổ chức thực hiện nghiêm túc việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản theo quy định. Trong năm 2016 và 2017, có 100% cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã thực hiện kê khai tài sản, thu nhập với tổng số người kê khai lần lượt là 8.290 (đạt 99,98%) và 8.218 (đạt 99,97%) người, riêng một số trường hợp nghỉ thai sản, nghỉ hưu, mất nên không và chưa thể thực hiện việc kê khai. Các cơ quan, đơn vị của tỉnh cũng đã triển khai thực hiện tốt quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp và thực hiện chuyển đổi vị trí công tác 1.222 trường hợp cán bộ, công chức theo đúng quy định.
Công tác thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử các vụ việc, vụ án tham nhũng thời gian qua đã được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, hiệu quả, đúng quy định pháp luật. Các vụ việc, vụ án tham nhũng xảy ra trên địa bàn tỉnh được xét xử nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đảm bảo tính răn đe và phòng ngừa trong xã hội, được Nhân dân đồng tình ủng hộ. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, toàn tỉnh đã triển khai 217 cuộc thanh tra hành chính tại 590 đơn vị, qua đó phát hiện và chuyển cơ quan điều tra xử lý 02 vụ việc liên quan đến tham nhũng. Cơ quan cảnh sát điều tra các cấp thụ lý 08 vụ án với 20 bị can, đến nay đã có kết luận điều tra 05 vụ án với 07 bị can. Viện kiểm sát nhân dân các cấp thụ lý 07 vụ án với 10 bị can, trong đó đã truy tố 06 vụ án với 08 bị can. Tòa án nhân dân cấp tỉnh đã xét xử sơ thẩm 04 vụ án với 05 bị cáo về hành vi tham nhũng.
Nhìn chung, tổ chức bộ máy và chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức của các cơ quan thực hiện chức năng phòng, chống tham nhũng như Ban Nội chính Tỉnh ủy, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Thanh tra từng bước được kiện toàn và nâng cao chất lượng, nhất là về trình độ chuyên môn, bản lĩnh chính trị, cơ bản đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay. Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị liên quan cũng đã triển khai thực hiện hiệu quả quy chế phối hợp trong công tác phòng, chống tham nhũng như quy chế phối hợp Ban Nội chính Tỉnh ủy với Đảng đoàn Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Thanh tra tỉnh, Đảng ủy Công an tỉnh, Ban Cán sự đảng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, Ban Cán sự đảng Tòa án nhân dân tỉnh.
Cùng với sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các cấp, vai trò, trách nhiệm của Mặt trận và các đoàn thể, các cơ quan báo chí và người dân trong công tác phòng, chống tham nhũng thời gian qua ngày càng được nâng cao, trong đó Mặt trận, đoàn thể các cấp của tỉnh đã tổ chức thực hiện hiệu quả hoạt động giám sát, phản biện xã hội trên các lĩnh vực và tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền theo Quyết định số 217-QĐ/TW và Quyết định số 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị. Phối hợp với chính quyền cùng cấp chủ động triển khai, thực hiện Pháp lệnh Quy chế dân chủ, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân trong việc tham gia các vấn đề ở địa phương theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Báo Khánh Hòa, Đài Phát thanh - Truyền hình Khánh Hòa tích cực tuyên truyền, phổ biến các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, xây dựng các chuyên mục, chuyên đề thông tin về các vụ việc, vụ án tham nhũng, phản ánh những yếu kém, tiêu cực đồng thời cổ vũ, nêu gương người tốt, việc tốt, nhân tố mới, điển hình tiên tiến trong công tác đấu tranh, phòng, chống tham nhũng, thường xuyên tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của công dân và kịp thời thông tin, chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, công tác phòng, chống tham nhũng hiện nay vẫn còn tồn tại những hạn chế như: Một số giải pháp phòng ngừa tham nhũng hiệu quả còn thấp. Việc phát hiện hành vi tham nhũng thông qua công tác tự kiểm tra nội bộ của các cơ quan, tổ chức, đơn vị vẫn còn là khâu yếu, số vụ việc có dấu hiệu tham nhũng được phát hiện qua công tác thanh tra còn ít. Thời gian giải quyết một số vụ việc, vụ án tham nhũng bị kéo dài quá quy định…
Trong thời gian tới, để ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng và thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng thực sự hiệu quả, đòi hỏi phải có quyết tâm chính trị cao và sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, trong đó cần tập trung một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:
Thứ nhất, tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Các cấp ủy, tổ chức đảng phải xác định công tác đấu tranh, phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng và là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đồng thời đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong phòng, chống tham nhũng.
Thứ hai, thực hiện hiệu quả các giải pháp về phòng, chống tham nhũng theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, gắn với thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Chú trọng xây dựng các chuyên đề tuyên truyền chuyên sâu về phòng, chống tham nhũng, lãng phí; đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào chương trình giảng dạy tại Trường Chính trị tỉnh, các trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện và các trường học trên địa bàn.
Thứ ba, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với công tác thanh tra kinh tế xã hội, thanh tra vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám định tư pháp và giải quyết các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế. Phát huy hơn nữa vai trò giám sát của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong phòng, chống tham nhũng, đồng thời nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cơ quan thông tin đại chúng và Nhân dân tham gia đấu tranh, phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
Công tác phòng, chống tham nhũng trong những năm tới sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức và đòi hỏi phải thực hiện lâu dài với quyết tâm cao hơn nữa, bền bỉ, kiên trì và hiệu quả hơn nữa. Từ những kết quả, kinh nghiệm có được trong thời gian qua, với quyết tâm của toàn Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong tỉnh, công tác phòng, chống tham nhũng của tỉnh Khánh Hòa chắc chắn sẽ tiếp tục có những chuyển biến tích cực; góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Xuân Thỏa - Văn phòng Tỉnh ủy