Quyết liệt chống “sim rác”
Là người đầu tiên trả lời chất vấn của đại biểu Đinh Duy Vượt (Gia Lai), Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Sau một năm nhận nhiệm vụ Bộ trưởng, Bộ TT&TT đã đầu tư, xây dựng vận hành trung tâm giám sát an toàn mạng quốc gia. Trung tâm này có hai chức năng gồm giám sát các cuộc tấn công mạng vào Việt Nam và giám sát thông tin trên không gian mạng.
“Khả năng xử lý tin là 100 triệu tin/ngày và có thể phân loại, đánh giá được tỷ lệ thông tin tiêu cực, tích cực. Trước đây, tỷ lệ thông tin tiêu cực trên mạng đánh giá là trên 30%, bây giờ chúng ta nhìn thấy và có tác động điều chỉnh, các tiêu cực cơ bản nằm dưới 10%”, Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng.Ảnh: TH.
Câu chuyện thứ hai, theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, là đấu tranh với các trang mạng nước ngoài, trong khi họ chưa có văn phòng đại diện tại đây, chưa đóng thuế, chưa thực thi luật pháp. Thời gian qua, Bộ đã rất tích cực, cụ thể, với Facebook trước đây, Nhà nước đưa ra yêu cầu thực hiện được khoảng 30%, bây giờ tỷ lệ thực hiện yêu cầu của Facebook đối với chính quyền là 70 - 80%; Youtube tuân thủ tốt hơn, trước đây 60%, bây giờ là 80 - 85%, Apple thì trước không thực hiện, bây giờ gần như thực hiện 75% các yêu cầu…
Liên quan đến câu chuyện “sim rác”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, đây là câu chuyện lớn, xảy ra nhiều năm, và trong những năm qua, chúng ta đã cắt bỏ sim không đủ thông tin, song thừa nhận giờ vẫn còn lượng sim lớn đang nằm trên các kênh bán lẻ. Bộ trưởng cho biết, từ nay đến tháng 9, các cơ quan truyền thông sẽ tập trung giải quyết chuyện sim rác bằng cách các nhà mạng mua lại. Giải pháp mới cho chuyện sim rác là giao trách nhiệm trực tiếp đến tổng giám đốc công ty truyền thông. “Nếu như còn tồn tại sim rác trên các nhà mạng nhà mạng sẽ không được cấp phép các dịch vụ mới…”, Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng cho hay, hiện nay, các mạng xã hội Việt Nam có khoảng 65 triệu thuê bao, trong một năm tăng trưởng khoảng 30%. Các mạng xã hội cộng lại là khoảng 90 triệu. Với tốc độ tăng trưởng hiện nay của mạng xã hội nước ta, Bộ trưởng cho biết, trong khoảng năm 2020 – 2021 có thể đạt được mục tiêu trên với tỷ lệ tăng trưởng hiện tại của các mạng xã hội trong nước..
Đang bố trí 1.000 tỷ đồng cho giảm nghèo dân tộc thiểu số
Đại biểu Giàng Thị Bình (Lào Cai) chất vấn về mục tiêu giảm nghèo bền vững đã được thực hiện thế nào? Đề án hỗ trợ dân tộc thiểu số đã được thực hiện thế nào?
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, Đỗ Văn Chiến. Ảnh: TH.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, Đỗ Văn Chiến đánh giá kết quả đạt khá tốt, tốc độ giảm khoảng 4-5%/năm, song so với yêu cầu thì còn nhiều việc.
Nói về nguyên nhân khiến việc giảm nghèo của đồng bào dân tộc thiểu số còn thiếu bền vững, Bộ trưởng cho biết: Hiện tại, cả nước có 1,3 triệu hộ nghèo, trong đó có 720.000 hộ dân tộc thiểu số. Nguyên nhân chủ yếu là thiếu tư liệu sản xuất và sinh kế. Bên cạnh đó, chính sách phân tán, nhiều đầu mối quản lý, chưa bố trí được nguồn lực; có nhiều hộ dân tộc thiểu số vẫn di cư…
Bộ trưởng Đỗ Văn Chiến thông tin: Quốc hội đã đồng ý bố trí vốn trung hạn khoảng 1.000 tỷ đồng để thực hiện các quyết định của Thủ tướng về giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Số tiền này đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư bố trí.
Siết chặt quản lý xuất khẩu lao động
Đại biểu tỉnh Bắc Giang Trần Văn Lâm cho biết, vừa qua, cử tri phản ánh người lao động Việt Nam đi lao động nước ngoài phải trả chi phí môi giới cao hơn nhiều lần so với các nước khác trong khối ASEAN, việc bảo vệ quyền lợi người lao động gặp nhiều khó khăn. ĐB Lâm cũng nêu thực trạng có nhiều trường hợp khi đưa người lao động tới nơi thì không liên lạc được với môi giới ở nhà…
Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung. Ảnh: TH.
Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết năm 2017 xấp xỉ 127.000 người, con số năm 2018 khoảng 143.000 người Việt Nam sang lao động tại nước ngoài. Không chỉ số lượng, địa bàn lao động cũng được mở rộng ngoài địa bàn truyền thống đã mở rộng sang các địa bàn tiềm năng như: Australia, Đức, Romania và gần đây nối lại với Czech sau một thời gian gián đoạn. Điều này cho thấy việc đưa người lao động xuất khẩu lao động nước ngoài đã chuyển từ xu thế hoàn toàn thụ động sang cơ bản chủ động.
Đề cập đến việc có tình trạng vi phạm trong môi giới lao động hay không, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho hay, thời gian vừa qua Bộ đã siết rất chặt vấn đề này. Hiện nay, có khoảng 350 doanh nghiệp tham gia vào hoạt động đưa người Việt Nam sang nước ngoài làm việc. Về cơ bản các doanh nghiệp thực hiện tốt. Tuy nhiên, có một số địa bàn chi phí môi giới cao hơn là đúng. Bởi tại một số nước, các doanh nghiệp chỉ đưa người lao động đi sang nước ngoài lao động là hết trách nhiệm. Trong khi đó, tại Việt Nam, các doanh nghiệp ngoài môi giới còn phải có trách nhiệm quản lý, thậm chí tham gia xử lý những việc liên quan đến người lao động khi có vấn đề xảy ra.
Bộ trưởng khẳng định, chi phí môi giới căn cứ vào các quy định pháp luật Việt Nam và Hiệp định lao động giữa 2 nước.
Đối với tình trạng lao động Việt phá vỡ hợp đồng, tự ý bỏ ra ngoài làm việc, Bộ trưởng Dung thông tin câu chuyện này chủ yếu xảy ra ở Hàn Quốc. Thời điểm cao nhất năm 2016 có tỷ lệ lao động bỏ ra ngoài cao nhất, ở mức 55%. Sau đó, đã tiến hành rất nhiều biện pháp, từ việc xử lý đóng quỹ ở nhà, xử lý các doanh nghiệp hai bên… Qua 2 năm thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt giữa hai bên, đến nay, Bộ trưởng vui mừng cho hay con số này còn 33% và nước bạn cho rằng tỷ lệ chấp nhận được…/.
Theo Dangcongsan.vn