Kể từ năm 2016, khi tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ xuất khẩu lao động (XKLĐ), số lượng người đăng ký XKLĐ có xu hướng tăng dần. Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả hơn nữa những chính sách, cũng như khai thác tiềm năng, công tác tuyên truyền, vận động cần được triển khai sâu rộng, đồng bộ.
Theo lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH), nhiều năm qua, Bộ LĐ-TB-XH luôn dành một lượng lớn chỉ tiêu cho Khánh Hòa trong tuyển dụng lao động đi làm việc ở nước ngoài. Thế nhưng, do tâm lý ngại đi xa, người muốn đi lại không đủ kinh phí nên hàng năm, tỉnh luôn bỏ lỡ nhiều đơn đặt hàng trong tuyển dụng lao động đi làm việc ở nước ngoài. Với thực trạng đó, năm 2016, UBND tỉnh đã ban hành đề án hỗ trợ người lao động trong tỉnh đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động giai đoạn 2016 - 2020. Các ngành chức năng đã tập trung tuyên truyền đến người dân, đồng thời lựa chọn những công ty XKLĐ có uy tín, được Bộ LĐ-TB-XH cấp phép để tham gia tuyển dụng đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài.
|
Theo đề án, đối tượng được vay 100% chi phí đi làm việc ở nước ngoài gồm: lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ bị thu hồi đất nông nghiệp, người dân tộc thiểu số, người lao động là thân nhân của người có công với cách mạng, bộ đội xuất ngũ. Các đối tượng còn lại được vay tối đa 80% chi phí từ nguồn ngân sách tỉnh ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội. Lãi suất được áp dụng theo lãi suất cho hộ nghèo vay vốn do Thủ tướng Chính phủ quyết định từng thời kỳ. Người lao động phải có hộ khẩu thường trú tại Khánh Hòa từ đủ 5 năm (60 tháng) trở lên mới được vay vốn và phải được cấp có thẩm quyền xác nhận. Khi vay vốn không phải thế chấp tài sản và phải trả lãi, trả nợ gốc theo thỏa thuận với Ngân hàng Chính sách xã hội. |
Ông Nguyễn Văn Danh - Giám đốc Sở LĐ-TB-XH cho biết, nhờ có chính sách hỗ trợ, đến nay, toàn tỉnh đã có 228 người lao động đi làm việc ở nước ngoài với mức thu nhập từ 20 đến hơn 30 triệu đồng/tháng. Trong đó, năm 2016 có 46 người tham gia, năm 2017 có 139 người và 4 tháng đầu năm 2018 là 43 người, dự kiến từ nay đến cuối năm sẽ có thêm khoảng 100 người xuất cảnh. Phần lớn lao động đi làm việc ở Nhật Bản. Nhiều người dân cũng đã thay đổi rõ về nhận thức. Huyện Khánh Vĩnh trước đây hầu như không có người XKLĐ, nhưng kể từ khi có chính sách hỗ trợ, đã có 30 người đi làm việc ở nước ngoài. Hiện nay, trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh có thêm hơn 20 người đăng ký XKLĐ, đa số là đồng bào dân tộc thiểu số.
Tuy nhiên, so với các tỉnh khác trong cả nước, Khánh Hòa vẫn còn ít người dân tham gia đi làm việc ở nước ngoài. Nguyên nhân là do việc khảo sát đánh giá nhu cầu người lao động ở các địa phương chưa được thường xuyên. Từ đó, dẫn đến việc xác lập chỉ tiêu kế hoạch XKLĐ hàng năm còn thiếu tính thực tiễn. Cùng với đó, công tác tuyên truyền, tư vấn cho người dân tham gia dự tuyển XKLĐ chưa có sự hợp tác tích cực từ phía chính quyền cơ sở. Có nhiều nơi, việc tuyên truyền còn đơn điệu, mang nặng tính hình thức và chưa được sâu rộng.
Ông Đặng Quang Tý - Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Dịch vụ XKLĐ và Chuyên gia (Suleco) tại TP. Hồ Chí Minh cho biết: “Chúng tôi đã có nhiều năm phối hợp với Sở LĐ-TB-XH trong việc tuyển và đưa lao động Khánh Hòa đi làm việc ở nước ngoài. Từ khi có chính sách hỗ trợ thì số người đăng ký tham gia tăng mạnh. Do đó, để có thêm nhiều người dân tham gia kênh giải quyết việc làm với thu nhập cao rất cần sự vào cuộc đồng bộ từ phía các ban, ngành, đoàn thể, địa phương trong việc tuyên truyền cho người dân nắm rõ chính sách, lợi ích của XKLĐ”.
Ông Nguyễn Văn Danh cho biết, thời gian tới, ngành chức năng sẽ đổi mới hình thức tuyên truyền trực tiếp tại từng địa phương. Đồng thời, chỉ đạo, mở rộng việc đào tạo nguồn XKLĐ trong các trường nghề; lựa chọn những doanh nghiệp tuyển dụng, đưa lao động đi làm việc ở những nước có uy tín, thu nhập cao và đảm bảo các quyền lợi…
Theo Báo Khánh Hòa