Xu hướng tự động hóa kết hợp với thông minh hóa cùng trí tuệ nhân tạo (AI) đang tác động đến các ngành nghề, mọi khía cạnh của đời sống. Trong đó, sự phát triển của khoa học và công nghệ (KH và CN), kỹ thuật và nguồn nhân lực trình độ cao của mỗi quốc gia sẽ là điều kiện quyết định cho sự thành công của quá trình chuyển đổi số.
Sinh viên Trường đại học Bách khoa Hà Nội trong giờ thực hành tại Phòng thí nghiệm hệ thống điều khiển công nghiệp. Ảnh: TRẦN THANH
Đánh giá từ các chuyên gia cho thấy, việc ứng dụng tự động hóa và AI vào hệ thống sản xuất đang ngày càng trở nên phổ biến, giúp thực hiện những nhiệm vụ khó khăn và nguy hiểm có thể ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Nhưng mặt khác, việc tự động hóa sẽ khiến phần lớn nhân lực, nhất là lao động phổ thông trong những quy trình làm việc trở nên thừa, gây ra những bất lợi với người lao động, không đáp ứng được sự thay đổi, dẫn tới nhiều nghề nghiệp sẽ không còn tồn tại, số lượng người thất nghiệp sẽ tăng lên. Một dự báo từ Mckinsey (Tập đoàn hàng đầu thế giới về lĩnh vực tư vấn chiến lược kinh doanh) cho thấy, sẽ có khoảng 800 triệu lao động trên thế giới sẽ mất việc làm dưới tác động của tự động hóa và AI.
Nhưng nếu nhìn lại lịch sử của các cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) trước đây cho thấy, trong ngắn hạn, thị trường lao động sẽ bị ảnh hưởng, nhưng sau đó là sự phục hồi và phát triển. Vì vậy, có thể nói các cuộc CMCN không phải tạo ra tình trạng mất việc mà thực tế tạo ra quá trình chuyển đổi nghề nghiệp. Khi đó con người và máy móc sẽ cùng làm việc với nhau, người lao động có thể tập trung vào những lĩnh vực đòi hỏi sự sáng tạo, các kỹ năng xã hội và trí tuệ cảm xúc, còn nhiệm vụ nguy hiểm hoặc có tính chất lặp lại sẽ do máy móc và hệ thống tự động làm. Do đó, để chuyển đổi số thành công, cần có những phương án đầu tư cho nghiên cứu KH và CN, đổi mới sáng tạo và đào tạo nhân lực trình độ cao có khả năng thích ứng dẫn dắt công cuộc chuyển đổi số. Ðiều này chỉ có thể làm được nhờ sự chung tay của Nhà nước, doanh nghiệp và nhà trường.
Trong các cuộc CMCN trước đây, những nước đi sau luôn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận công nghệ mới, công nghệ cốt lõi và công nghệ nền tảng, cho nên rất khó có thể vượt lên, nắm bắt và làm chủ trào lưu phát triển để hưởng lợi từ thành tựu của KH và CN. Nhưng đối với cuộc CMCN lần thứ tư, trong trào lưu chuyển đổi số, nơi công nghệ tiên tiến được lan tỏa đến khắp mọi ngõ ngách của cuộc sống, thì không khó để tiếp cận mà cần làm thế nào có thể nhanh chóng làm chủ công nghệ. Từ đó kết hợp với các ý tưởng sáng tạo, đột phá tạo ra những công nghệ, sản phẩm và dịch vụ có giá trị, góp phần phát triển mạnh mẽ kinh tế - xã hội đất nước. Theo PGS, TS Tạ Hải Tùng, Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin và truyền thông (Trường đại học Bách khoa Hà Nội), ở Việt Nam, do ngành công nghiệp còn chưa thật sự phát triển mạnh mẽ, các doanh nghiệp chủ yếu là quy mô vừa và nhỏ, với sản phẩm dịch vụ còn đơn giản và dừng lại ở gia công sản phẩm. Mặc dù gần đây đã xuất hiện một số tập đoàn công nghiệp lớn, với tham vọng vươn lên mạnh mẽ, nhưng thực tế các doanh nghiệp chưa chú trọng đến hoạt động nghiên cứu và phát triển, đổi mới sáng tạo. Trong bối cảnh đó, các trường đại học là nơi không chỉ đóng góp các ý tưởng công nghệ đột phá, mà còn tạo nguồn nhân lực có tiềm năng công nghệ, đầy sức trẻ với tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ, được coi là hạt nhân của cả hệ sinh thái KH và CN gắn với đổi mới sáng tạo. Việc đầu tư cho hoạt động nghiên cứu khoa học tại trường đại học không chỉ đầu tư cho nguồn nhân lực chất lượng cao, có thể thích ứng mà còn có tiềm năng dẫn dắt sự phát triển KH và CN của đất nước. Nguồn nhân lực trình độ cao này đòi hỏi phải được tiếp cận với KH và CN tiên tiến ngay từ khi ngồi ghế nhà trường, được tham gia vào các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học và phát triển sản phẩm trong quá trình học. Học thông qua trải nghiệm, học thông qua giải quyết vấn đề là khâu cốt yếu trong đào tạo trình độ cao, đào tạo ra những thủ lĩnh công nghệ tương lai.
Như vậy đầu tư cho nghiên cứu khoa học tại các trường đại học đóng vai trò then chốt trong việc phát triển KH và CN, đổi mới sáng tạo, và nhất là sẽ tạo dựng được một đội ngũ nhân lực chất lượng cao, sẵn sàng cho quá trình chuyển đổi số đang diễn ra hằng ngày trên thế giới. Ðiều đó sẽ góp phần tạo ra những bước phát triển mạnh mẽ và đột phá kinh tế - xã hội đất nước.
Theo Nhandan.com.vn