Bắt nhịp với xu thế chuyển đổi số hiện nay, các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác tuyển sinh.
Hiệu quả từ chuyển đổi số
Việc chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyển sinh được Trường Đại học Nha Trang đặc biệt đẩy mạnh từ năm 2018, thông qua nhiều hình thức. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tô Văn Phương - Trưởng phòng Đào tạo đại học Trường Đại học Nha Trang cho biết, thay vì gửi thông báo tuyển sinh dạng văn bản đến các trường THPT, trường đã thiết kế infographics, video để đăng thông tin lên fanpage tuyển sinh, website, các báo mạng có uy tín ở trung ương và địa phương. Thay vì tư vấn tuyển sinh trực tiếp tại các trường THPT, trường đã tổ chức các buổi livestream để hướng nghiệp và quảng bá tuyển sinh; thí sinh đặt câu hỏi và được trả lời trực tuyến ngay trên fanpage. Bên cạnh đó, trường đã xây dựng hệ thống đăng ký xét tuyển online; thí sinh nhập toàn bộ thông tin chi tiết, tải các giấy tờ cần thiết lên hệ thống để trường xác nhận hồ sơ.
|
Học sinh tham gia một chương trình tư vấn tuyển sinh 2024 được thông tin trên nhiều kênh trực tuyến. |
Trước đây, việc gửi thông tin trúng tuyển, giấy báo nhập học qua đường bưu điện vốn tốn nhiều thời gian và chi phí, thậm chí có thể thất lạc vì địa chỉ không chính xác. Hiện nay, trường đã ứng dụng dịch vụ gửi tin nhắn thông tin trúng tuyển tự động đến số điện thoại của thí sinh. Ngoài ra, việc đăng ký ký túc xá, xác nhận nhập học, đóng học phí... thí sinh có thể thực hiện hoàn toàn trực tuyến. Nhờ đó, công tác tuyển sinh đã đạt những hiệu quả rõ rệt như: Tiết kiệm được nhiều thời gian; giảm thủ tục, hồ sơ rườm rà; thông tin tuyển sinh, trúng tuyển, nhập học, hồ sơ đến với thí sinh kịp thời hơn. Nếu trước đây phải mất cả tuần, giấy báo trúng tuyển và hướng dẫn nhập học mới đến tay thí sinh thì nay, các thông tin này đến thí sinh được tính bằng giây. Nhà trường cũng tiết kiệm được nhiều chi phí cho các đoàn công tác đến các trường THPT. Thông qua các infographics, video… đăng tải trực tuyến, thông tin tuyển sinh được truyền tải chuyên nghiệp, hiệu quả hơn, thu hút hơn rất nhiều so với dạng văn bản.
Từ năm 2020, do những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Trường Đại học Thái Bình Dương cũng tiến hành chuyển đổi số trong công tác dạy và học, quản lý và hoạt động tuyển sinh. Ông Nguyễn Thành Hưng - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông của trường cho biết, việc chuyển đổi số bắt đầu bằng việc chuyển dịch các hoạt động tuyển sinh đa phần từ trực tiếp với thí sinh tại các trường phổ thông sang kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến với nhiều loại hình như: Livestream, quảng cáo, trò chơi trực tuyến (gameshow) trên các mạng xã hội như facebook, google, zalo, tiktok… Thí sinh có thể thực hiện đăng ký tư vấn, đăng ký xét tuyển và tra cứu kết quả tuyển sinh trực tiếp trên nền tảng website của nhà trường. Từ năm 2022, trường bắt đầu sử dụng Odoo, một nền tảng số phục vụ mọi công tác hoạt động của trường đại học. Đối với hoạt động tuyển sinh, nền tảng này giúp cung cấp các chức năng quản lý dữ liệu, tự động hóa việc tư vấn theo từng nhóm thí sinh, tối ưu hóa việc phân phối quảng cáo - theo dõi quá trình tương tác của từng thí sinh. Đây cũng là một hệ thống liên thông kết nối dữ liệu trong mạng nội bộ trường từ việc tuyển sinh đầu vào, đến theo dõi người học, các hoạt động quản lý và vận hành nhà trường khác. Từ năm 2024, nhà trường đưa vào sử dụng app di động được tích hợp trên phần mềm Odoo giúp phụ huynh, thí sinh và sinh viên tương tác với nhà trường một cách thuận tiện nhất. Nhờ chuyển đổi số, việc quản lý dữ liệu được hiệu quả hơn, giúp trường tiết kiệm thời gian, ngân sách trong việc xử lý số liệu, lập kế hoạch trong tuyển sinh, đào tạo. Năm 2022 và 2023, kết quả tuyển sinh tăng đều ở mức hơn 35% so với năm trước.
|
Học sinh tham gia một chương trình tư vấn tuyển sinh 2024 được thông tin trên nhiều kênh trực tuyến. |
Thời điểm dịch Covid-19, Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương Nha Trang cũng đẩy mạnh sử dụng các nền tảng mạng xã hội để tiếp cận thí sinh theo đúng đối tượng tuyển sinh của trường. Ông Phạm Quang Thuận - giảng viên nhà trường cho biết, nhà trường thường xuyên cập nhật các thông tin, hoạt động trên fanpage, trang zalo OA nhằm quảng bá hình ảnh, tư vấn tuyển sinh và tương tác với người học. Thời điểm đăng tải thông tin được tính toán kỹ, có chiến lược cụ thể nhằm đạt hiệu quả và tiếp cận đúng đối tượng quan tâm. Đồng thời, nhà trường xây dựng phần mềm để thực hiện các khâu từ tổ chức đăng ký tuyển sinh đến thông báo điểm. Do trường có môn thi năng khiếu nên thí sinh có thể thông qua các kênh này để tham khảo đề mẫu chuẩn bị cho việc dự thi. Việc ứng dụng công nghệ thông tin giúp công tác tuyển sinh của trường tiết kiệm chi phí, tỷ lệ tuyển sinh năm sau cao hơn năm trước.
Cần tiếp tục hoàn thiện, đồng bộ
Vài năm trở lại đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có những chuyển đổi mạnh mẽ về ứng dụng công nghệ thông tin; các quy trình tuyển sinh được thực hiện trên môi trường số, từ việc đăng ký xét tuyển trên hệ thống của bộ và trên Cổng dịch vụ công quốc gia đến xử lý nguyện vọng, xác nhận nhập học. Tuy nhiên, theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tô Văn Phương, cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực triển khai ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số vẫn còn hạn chế, chưa thực sự chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, một bộ phận thí sinh, phụ huynh chưa có kỹ năng sàng lọc thông tin trên mạng xã hội nên có thể tiếp nhận thông tin sai lệch. Một số dữ liệu phục vụ tuyển sinh chưa đầy đủ hoặc cần có sự xác thực. Để các thông tin tuyển sinh, dữ liệu xét tuyển ngày càng chuyên nghiệp và hiệu quả, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần chủ trì hoàn thiện và chia sẻ dữ liệu học bạ điện tử cho tất cả thí sinh, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số ở mọi khâu của quá trình tuyển sinh.
Theo ông Nguyễn Thành Hưng, kinh phí thực hiện các hoạt động chuyển đổi số đòi hỏi hạ tầng kỹ thuật (đầu tư hoặc thuê ngoài) thường khá tốn kém. Bên cạnh đó, chi phí để xây dựng một hệ thống đồng bộ trên toàn cơ sở đào tạo là khá lớn. Với mỗi đơn vị, loại hình hoạt động, các hệ thống cần xây dựng theo đợt đặt hàng riêng biệt chứ không như những sản phẩm thương mại đơn thuần khác. Ở góc độ cơ sở đào tạo, nhà trường đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo hoàn thiện hơn nữa hệ thống HEMIS (một hệ thống hợp nhất về quản lý, thông tin của bộ); tích hợp triệt để các phần mềm nghiệp vụ riêng như: Trang nghiệp vụ xét tuyển, trang nghiệp vụ đề án… Với chuyển đổi số, dữ liệu là nền tảng quan trọng nhất, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có hướng dẫn và công cụ hỗ trợ để các cơ sở giáo dục đại học, các sở giáo dục và đào tạo thống nhất trong nhập liệu, tổng hợp thông tin để dữ liệu có thể liên thông hợp nhất trong toàn ngành giáo dục.
H.NGÂN