Song song với công tác chuyên môn, hiện nay, hầu hết các cơ sở y tế công lập trong tỉnh đã và đang thực hiện kế hoạch chuyển đổi số theo chỉ đạo của ngành Y tế nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe người dân.
Năm 2022, Bộ Y tế ban hành quyết định phê duyệt kế hoạch thúc đẩy phát triển và sử dụng các nền tảng số y tế, thực hiện Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, các nền tảng số y tế bao gồm: Hồ sơ sức khỏe điện tử; quản lý tiêm chủng; hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa; trạm y tế xã… và một số nền tảng khác.
Thực hiện quyết định của Bộ Y tế, Trung tâm Y tế huyện Diên Khánh đã và đang đẩy nhanh lộ trình ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác khám, chữa bệnh. Bác sĩ Phạm Tấn Đức - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Diên Khánh cho biết: “Ngành Y tế huyện đã và đang triển khai sổ sức khỏe điện tử cho người dân. Đến nay, toàn huyện có khoảng 67,1% người dân có sổ sức khỏe điện tử trên điện thoại thông minh. Chúng tôi đang tiến tới triển khai bệnh án điện tử, quét thẻ căn cước công dân thay cho thẻ bảo hiểm y tế; thanh toán viện phí không dùng tiền mặt. Nếu Bảo hiểm xã hội đồng ý cho quét mã thanh toán viện phí trên bệnh án điện tử, chúng tôi sẽ triển khai chữ ký số để tiến tới thực hiện bệnh án không dùng giấy…”.
Theo thống kê của Bệnh viện Đa khoa huyện Diên Khánh, lượng bệnh nhân đến khám, điều trị ngoại trú và nội trú tại bệnh viện khoảng 500 lượt người/ngày. Trước đây, tại khu vực tiếp đón của Khoa Khám luôn trong tình trạng quá tải vào đầu giờ làm việc. Từ khi áp dụng chuyển đổi số với thủ tục nhanh gọn, khu vực này thông thoáng, người bệnh hài lòng hơn. Bà Nguyễn Kim Loan (xã Diên Điền, Diên Khánh) chia sẻ: “Tôi mắc bệnh mãn tính nên thường xuyên đến đây khám bệnh. Những năm gần đây, tôi thấy bệnh viện có nhiều cải cách tốt về thủ tục giấy tờ. Nhờ đó, bệnh nhân không phải chờ lâu, thời gian khám cũng nhanh hơn”.
|
Bệnh viện Ung bướu tỉnh đang từng bước áp dụng chuyển đổi số trong hoạt động khám, chữa bệnh. |
Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, trung bình mỗi ngày, bệnh viện khám, điều trị ngoại trú và nội trú cho khoảng 1.500 lượt bệnh nhân. Vì thế, việc đẩy nhanh quá trình thực hiện chuyển đổi số lại càng cấp thiết. Trước đây, mỗi bệnh nhân đến đăng ký khám bệnh tại bệnh viện phải xuất trình 2 thẻ, gồm bảo hiểm y tế và chứng minh nhân dân (hoặc căn cước công dân) để đối chiếu. Việc nhập dữ liệu kèm thêm đối chiếu thẻ mất nhiều thời gian, nhất là những trường hợp sai sót, không trùng khớp thông tin giữa 2 thẻ. Thực hiện chuyển đổi số theo quyết định của Bộ Y tế, bệnh viện đã và đang triển khai phần mềm mới, người bệnh chỉ xuất trình 1 thẻ căn cước công dân có gắn chip, hệ thống máy quét của bệnh viện sẽ cập nhật thông tin của thẻ bảo hiểm y tế, nhờ đó giảm bớt thời gian chờ đợi cho người bệnh. Ngoài ra, bệnh viện cũng đang xây dựng phần mềm liên thông giữa bệnh viện với Bảo hiểm xã hội. Theo đó, tất cả thông tin sử dụng dịch vụ của bệnh nhân tại bệnh viện sẽ được cập nhật lên hệ thống bảo hiểm xã hội và hệ thống quản lý sức khỏe người dân của Bộ Y tế… Bác sĩ chuyên khoa II Phan Hữu Chính - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: “Theo kế hoạch của Bộ Y tế, đến tháng 9-2023, tất cả các cơ sở y tế phải triển khai các bước trong chuyển đổi số theo quy định của ngành. Chính vì vậy, bệnh viện đã và đang nâng cấp hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin từ máy chủ đến hệ thống máy các khoa, phòng để đáp ứng tốt hoạt động chuyển đổi số trong thời gian tới”.
Bệnh viện Ung bướu tỉnh cũng đang từng bước thực hiện lộ trình chuyển đổi số trong hoạt động khám, chữa bệnh. Bên cạnh những giải pháp tương tự các cơ sở y tế đang thực hiện, việc hạn chế sử dụng tiền mặt cũng là một phần trong hoạt động chuyển đổi số mà bệnh viện đang hướng tới. Bác sĩ chuyên khoa II Lê Hồng Quân - Giám đốc Bệnh viện Ung bướu tỉnh cho biết: “Bệnh viện đang phối hợp với một số ngân hàng tạo thuận lợi cho người dân trong việc thanh toán viện phí qua thẻ”.
|
Bác sĩ Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh khám cho bệnh nhân. |
Ngành Y tế tỉnh đã và đang đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, từng bước hình thành hệ thống chăm sóc sức khỏe và phòng bệnh dựa trên các nền tảng số. Tuy nhiên, theo kiến nghị của các cơ sở y tế trong tỉnh, Bộ Y tế cần có một phần mềm thống nhất dùng chung cho các cơ sở y tế trong tất cả hoạt động nói chung và khám, chữa bệnh nói riêng. Có như vậy, công cuộc chuyển đổi số của toàn ngành mới được triển khai nhanh, có sự liên kết, liên thông, tiết kiệm được nguồn lực, tài nguyên, kinh tế cho các cơ sở y tế và người dân.
Theo https://baokhanhhoa.vn/chuyen-doi-so/202304/day-manh-chuyen-doi-so-trong-kham-chua-benh-84d6a9a/