Thực hiện nhiệm vụ phát triển chính quyền số và bảo đảm an toàn thông tin mạng của tỉnh Khánh Hòa năm 2022, các sở, ngành, địa phương đang nỗ lực triển khai những nội dung liên quan để hoạt động chuyển đổi số đạt kết quả tích cực.
Nhiều đơn vị khẩn trương triển khai
Nhiệm vụ chuyển đổi số của các sở, ngành, địa phương của tỉnh trong năm 2022 tập trung vào những nhóm công việc: Lập đề án công nghệ thông tin (CNTT); xây dựng các dự án CNTT; thực hiện các nhiệm vụ về CNTT. Trong đó, các ngành ưu tiên chuyển đổi số như: Du lịch, Tài nguyên và Môi trường, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Giáo dục và Đào tạo… tiến hành khảo sát, lập và trình phê duyệt đề án chuyển đổi số ngành; còn các địa phương: Nha Trang, Cam Ranh, Ninh Hòa, Cam Lâm tổ chức khảo sát, lập và trình phê duyệt đề án xây dựng địa phương theo mô hình đô thị thông minh.
Các đại biểu tham quan triển lãm chuyển đổi số ứng dụng công nghệ ngành du lịch được tổ chức tại TP. Nha Trang.
Tại phiên họp lần thứ nhất Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh mới đây, đồng chí Bùi Xuân Minh - Giám đốc Sở Y tế cho biết, thời gian qua, ngành đã thực hiện ứng dụng CNTT trong khám, chữa bệnh và thanh toán bảo hiểm y tế tại các trung tâm y tế tuyến huyện, bệnh viện tuyến tỉnh; kết nối với các cơ sở cung ứng thuốc trên địa bàn tỉnh để kiểm soát việc kê đơn thuốc và bán thuốc theo đơn. Thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số, thời gian tới, ngành Y tế sẽ tập trung phát triển nền tảng hỗ trợ khám, chữa bệnh từ xa, nền tảng kết nối mạng lưới các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, ngành sẽ triển khai bệnh viện thông minh, bệnh án điện tử để hình thành hệ thống chăm sóc sức khỏe, phòng bệnh và quản trị y tế thông minh dựa trên các công nghệ số. Cùng với đó, ngành cố gắng hoàn thiện hành lang pháp lý để tạo điều kiện khám, chữa bệnh từ xa và đơn thuốc điện tử cho người dân.
Theo đồng chí Võ Hoàn Hải - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, trong năm nay, ngành sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành giáo dục và đào tạo để thu thập, tích hợp, chia sẻ, liên thông, lưu trữ, thống kê dữ liệu…, trong đó có kết nối với cơ sở dữ liệu ngành của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Cùng với đó, ngành tập trung xây dựng trung tâm điều hành về giáo dục và đào tạo của tỉnh nhằm hỗ trợ công tác quản lý giáo dục và tự động hóa công tác báo cáo về quản lý giáo dục; tạo giao thức kết nối, tích hợp cho phép các ứng dụng quản lý giáo dục tích hợp với trung tâm điều hành giáo dục.
Đồng chí Phạm Duy Lộc - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết, với vai trò là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh, năm nay, bên cạnh tiếp tục thực hiện một số nhiệm vụ được chuyển tiếp từ năm 2021, sở còn thực hiện 9 nhiệm vụ mới như: Triển khai hệ thống ngăn chặn tấn công có chủ đích cho hệ thống thông tin tại Trung tâm Dữ liệu tỉnh; đầu tư bổ sung hạ tầng kỹ thuật phục vụ vận hành các hệ thống phần mềm dùng chung tại Trung tâm Dữ liệu tỉnh; mua sắm bản quyền phần mềm quét lỗ hổng bảo mật ứng dụng web, phần mềm sao lưu dữ liệu. Đồng thời, xây dựng bộ phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu kết quả giải quyết thủ tục hành chính phục vụ việc số hóa; đầu tư hạ tầng CNTT phục vụ số hóa, lưu trữ, kết nối, chia sẻ dữ liệu kết quả giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử; nâng cấp hạ tầng vận hành Cổng Thông tin điện tử tỉnh…
Đẩy nhanh tiến độ lập đề án chuyển đổi số
Ngày 12-5, UBND tỉnh có thông báo kết luận của đồng chí Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh tại phiên họp lần thứ nhất. Theo đó, đồng chí yêu cầu Sở Thông tin và Truyền thông sớm hoàn thiện các dự thảo kế hoạch để trình UBND tỉnh ban hành; đồng ý cho sở thành lập Tổ hỗ trợ chuyển đổi số tỉnh Khánh Hòa để huy động nguồn nhân lực CNTT triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số của tỉnh. Đối với các ngành: Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Du lịch, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường… và các địa phương được giao nhiệm vụ xây dựng đô thị thông minh cần tập trung chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ lập đề án chuyển đổi số giai đoạn 2021 - 2025 của ngành, địa phương để sớm trình UBND tỉnh phê duyệt làm cơ sở tổ chức triển khai thực hiện. Sở Du lịch cần chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng thuộc các bộ, ngành, cơ quan liên quan triển khai thực hiện nền tảng quản trị và kinh doanh dịch vụ du lịch.
Đồng chí Nguyễn Tấn Tuân cũng yêu cầu, trong thời gian tới, các ngành, địa phương khi tổ chức triển khai những nhiệm vụ, dự án mới, cần nghiên cứu, đưa vào ứng dụng các giải pháp công nghệ mới, phục vụ chuyển đổi số trong hoạt động quản lý, điều hành, góp phần nâng cao hiệu suất, hiệu quả dự án, công trình đầu tư. Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu, đề xuất phương án đầu tư trụ sở khi tham mưu triển khai nhiệm vụ xây dựng Trung tâm Giám sát điều hành thông minh tỉnh. Tỉnh dành kinh phí từ 1 đến 1,5% tổng chi ngân sách tỉnh cho hoạt động chuyển đổi số, phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số.
Theo https://www.baokhanhhoa.vn/khoahoc-congnghe/202205/thuc-day-nhanh-chuyen-doi-so-8251578/