Công nghệ thông tin (CNTT) ngày càng thể hiện vai trò rõ nét trong đổi mới quản lý giáo dục và đổi mới phương pháp dạy học. Việc ứng dụng CNTT được xác định là 1 trong 9 nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn tới của ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT).
|
Phát huy hiệu quả
Ông Lê Tuấn Tứ - Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, những năm qua, ngành GD-ĐT đã tích cực triển khai, ứng dụng CNTT trong quản lý, điều hành, bước đầu đã xây dựng cơ sở dữ liệu toàn ngành về GD-ĐT phục vụ thông tin quản lý GD. Các đơn vị, trường học đã duy trì và phát huy hiệu quả việc sử dụng hệ thống e-mail công vụ và hoạt động đưa tin tức lên website của đơn vị; phần mềm thống kê số liệu quản lý GD tại địa chỉ: http://thongke.moet.gov.vn; phần mềm thống kê chất lượng GD tiểu học. Ngành GD-ĐT cũng triển khai các dịch vụ công trực tuyến, đặc biệt là các dịch vụ công phục vụ phụ huynh, học sinh (HS) như: xét tuyển HS đầu cấp (cung cấp đầy đủ các loại mẫu đơn, nộp hồ sơ trực tuyến, công khai danh sách đăng ký, công khai kết quả xét tuyển và trả kết quả qua mạng); cung cấp miễn phí thông báo điểm học tập và rèn luyện qua tin nhắn OTT, e-mail và website trường học ở cấp học phổ thông và giáo dục thường xuyên.
Từ nền tảng CNTT, những năm qua, ngành GD-ĐT đã triển khai phần mềm quản lý hành chính điện tử (e-office) phục vụ trao đổi thông tin, văn bản chỉ đạo, quản lý điều hành qua mạng. Đồng thời, triển khai phần mềm một cửa liên thông, giúp người dân có thể đăng ký một số thủ tục hành chính qua mạng và nhận kết quả tại nhà như: đăng ký cấp lại bản sao văn bằng, chứng chỉ; thủ tục chuyển trường, đăng ký cấp phép cơ sở GD... Việc đẩy mạnh triển khai ứng dụng CNTT còn phát huy hiệu quả trong quản lý công văn, quản lý chuyên môn, tổ chức thi cử, nhất là việc trao đổi, thông tin các nhiệm vụ công tác trong toàn ngành… Nhiều thông tin của ngành được thông báo kịp thời qua mạng; trang thông tin điện tử của ngành đã phát huy tác dụng khá tốt và đang tiếp tục được cải tiến, nâng cấp.
Để tăng cường ứng dụng CNTT và truyền thông trong tổ chức và quản lý các hoạt động chuyên môn, quản lý kết quả học tập của HS; tăng cường mối liên hệ giữa nhà trường với cha mẹ HS và cộng đồng, năm học 2017 - 2018, Sở GD-ĐT đã chỉ đạo tổ chức thực hiện đại trà việc sử dụng sổ gọi tên ghi điểm điện tử được kết xuất từ chương trình Quản lý HS cho tất cả các phòng GD-ĐT và các trường THPT trực thuộc. Ngành GD-ĐT cũng tổ chức các lớp tập huấn bồi dưỡng giáo viên về đổi mới sinh hoạt chuyên môn trên website http://truonghocketnoi.edu.vn. Với việc ứng dụng CNTT thống nhất, xuyên suốt từ trung ương đến địa phương, hệ thống đã kết nối các trường học, giáo viên, HS… để chia sẻ thông tin, kinh nghiệm dạy và học. Đến nay, tất cả các phòng GD-ĐT, trường THCS và THPT trên địa bàn tỉnh đều có tài khoản sử dụng trường học kết nối; tài khoản giáo viên chiếm 91,2%, HS chiếm 77,9%.
Với sự hỗ trợ của các phương tiện dạy học hiện đại như: máy chiếu projector, bảng tương tác và máy tính xách tay…, nhiều trường học đã ứng dụng CNTT vào giảng dạy, thực hiện việc soạn giảng giáo án điện tử nhằm đem lại nhiều tiết học sinh động, tạo hứng thú cho HS. Hiện nay, hơn 90% trường tiểu học trong tỉnh được trang bị máy chiếu projector, 12 trường được trang bị bảng tương tác phục vụ cho việc ứng dụng CNTT vào giảng dạy.
|
Tránh lạm dụng công nghệ thông tin trong dạy và học
Sở GD-ĐT đã ký thỏa thuận hợp tác với Chi nhánh Viettel Khánh Hòa về ứng dụng CNTT trong ngành GD-ĐT giai đoạn 2017 - 2020. Vừa qua, sở tham gia sân chơi Giờ lập trình và giao lưu CNTT thuộc dự án “Tăng cường kỹ năng CNTT cho giới trẻ hội nhập và phát triển - YouthSpark Digital Inlusion” và đạt 2 giải sản phẩm xuất sắc, 2 giải giáo viên xuất sắc, 1 giải giáo viên tích cực, 1 giải trường học tích cực, 1 giải khoảnh khắc ấn tượng. Sở cũng phối hợp với Trường Đại học Khánh Hòa mời các chuyên gia GD sáng tạo Microsoft tổ chức khóa tập huấn cho giáo viên THPT với chủ đề “Kích hoạt sáng tạo và nâng cao kỹ năng ứng dụng CNTT trong giảng dạy”. |
Bên cạnh những mặt tích cực, việc ứng dụng CNTT trong quản lý GD vẫn còn những mặt hạn chế như: một số nội dung, phần mềm chưa được triển khai đầy đủ ở các đơn vị, trường học; một số trang thông tin điện tử của đơn vị còn nghèo nàn và ít tiện lợi, chưa làm được vai trò quảng bá và là cầu nối thiết thực giữa nhà trường với gia đình, xã hội… Trong giảng dạy còn gặp khó khăn, vướng mắc về trình độ, kỹ năng của giáo viên, dẫn đến sự lúng túng khi đơn thuần chuyển từ đọc - chép sang chiếu - chép. Bên cạnh đó, điều kiện tiếp xúc với máy tính của nhiều HS còn hạn chế; thiếu kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho việc dạy Tin học và ứng dụng CNTT của nhà trường...
Nhằm tiếp tục triển khai có hiệu quả việc ứng dụng CNTT trong quản lý và hỗ trợ dạy học, ngành GD-ĐT tỉnh đã đề ra những định hướng trong phát triển hệ thống hạ tầng CNTT theo hướng đồng bộ, hiện đại và đảm bảo an toàn thông tin mạng. Theo đó, đảm bảo 100% các đơn vị trực thuộc, phòng GD-ĐT và văn phòng Sở GD-ĐT ứng dụng 100% hệ thống e-office để số hóa quy trình văn thư, lưu trữ. Bên cạnh đó, khai thác hệ thống phần mềm quản lý HS, quản lý nhân sự nhằm tiết kiệm kinh phí, giảm đi lại cho cán bộ và giáo viên cũng như tạo ra một kênh thông tin công khai đến tất cả mọi đối tượng quan tâm. Sở cũng yêu cầu các trường phổ biến, hướng dẫn giáo viên, HS khai thác kho bài giảng của Bộ GD-ĐT tại địa chỉ http://elearning.moet.edu.vn nhằm đổi mới nội dung, phương pháp dạy học. Đây là kho bài giảng có tính tương tác cao, giúp HS tự học, tự ôn tập nâng cao kiến thức và giáo viên tham khảo đổi mới nội dung, phương pháp dạy học. Việc ứng dụng CNTT trong đổi mới phương pháp dạy học thực hiện theo hướng giáo viên tự tích hợp CNTT vào từng môn học nhưng phải tránh lạm dụng hoặc ứng dụng CNTT một cách miễn cưỡng. Sở sẽ tiếp tục tổ chức nâng cao kỹ năng ứng dụng CNTT cho cán bộ, giáo viên và HS.
Theo Báo Khánh Hòa