Những năm qua, công tác quản lý về đất đai, trật tự xây dựng, quản lý cư trú còn hạn chế nên những khu dân cư tự phát ở TP. Nha Trang ngày càng phình to nhanh chóng kéo theo nhiều hệ lụy. Mới đây, Thường trực HĐND tỉnh thành lập đoàn công tác khảo sát vấn đề này đối với 5 xã trên địa bàn TP. Nha Trang để phục vụ cho hoạt động chất vấn tại kỳ họp bất thường HĐND tỉnh.
Quản lý không xuể
Sau hơn 4 tháng xảy ra vụ sạt lở kinh hoàng làm nhiều người chết và nhiều nhà bị sập tại khu vực xóm Núi (thôn Thành Phát, xã Phước Đồng), đoàn công tác của Thường trực HĐND tỉnh đến khảo sát thực tế tại khu vực dân cư tự phát này. Hiện trạng vẫn ngổn ngang xà bần, đất đá, tôn hỏng. Tuy có mặt rất đông thành viên đoàn công tác cùng đại diện các sở, ngành và chính quyền địa phương nhưng một hộ vẫn sửa chữa nhà ở. Nằm sát mấy căn nhà có người chết trong đợt mưa lũ, căn nhà này cũng đã sập hết khu vực phía sau và gia đình đang sửa lại; đồng thời, định xây một bức tường chắn đơn giản để bảo vệ.
|
Cách đó không xa, gia đình ông Lê Văn Sửu cũng vừa sửa lại căn nhà ngay ven suối cho vợ chồng người con ở tạm. Họ ở trong tình trạng phải mua từng thùng nước sinh hoạt, nơm nớp lo lắng nguy hiểm nhưng khi hỏi nguyện vọng vẫn nói chồng con làm nghề biển và làm thuê nên muốn được ở lại. Trước đây, ở TP. Hồ Chí Minh nhưng 3 năm nay, ông Trần Nam chuyển tới sinh sống cùng người nhà ở xóm Núi. Tuy suýt chết trong trận mưa lũ vừa qua nhưng ông vẫn bày tỏ mong muốn được tái định cư tại chỗ vì “không biết đi đâu, tiền đâu mướn nhà”.
Trên địa bàn xã Phước Đồng có 2 khu dân cư tự phát ở thôn Thành Phát (xóm Núi) và thôn Thành Đạt (xóm Mũi) nằm ngoài vùng quy hoạch khu dân cư Hòn Rớ I với 694 hộ trên tổng diện tích lấn chiếm gần 20ha. Cả 2 điểm dân cư này được hình thành từ năm 2000 đến nay, do các hộ tự ý chuyển đất rừng, đất vườn sang làm nhà ở. Phần lớn dân cư là lao động có thu nhập thấp, đã được tái định cư tại các dự án nhưng sau đó đã chuyển nhượng và đến khu vực này lấn chiếm đất, xây dựng nhà ở và cư trú tự phát ở đây. Người dân ở đây được các hộ sinh sống tại Khu tái định cư Hòn Rớ 1 bảo lãnh cho đăng ký tạm trú. Tại khu vực này không được đầu tư hệ thống điện, nước, công trình giao thông nên người dân tự kéo đường dây điện, bắt nước từ các hộ khác tại Khu tái định cư Hòn Rớ 1.
|
Tại khu vực Đồng Trâm (thôn Đất Lành, xã Vĩnh Thái) có khá nhiều nhà cửa; nhiều thửa đất căng dây, xây đá phân lô cắm biển bán đất, thậm chí có lô xây tường bao cao cả mét. Ông Nguyễn Trường Nhật Nguyên - Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thái cho biết, khu vực này có hơn 40 hộ, trong đó có khoảng 70 khẩu đăng ký tạm trú dạng bảo lãnh ở Khu tái định cư Đất Lành; một số nhà ở không xác định được chủ. Ông Lê Vũ Tâm cho biết, ông mua đất ở đây từ năm 2009. Sau nhiều năm vợ chồng với 2 con nhỏ đi thuê nhà, thấy nhiều người xây nhà ở, năm ngoái, vợ chồng ông cũng về đây cất nhà. “Tôi cũng biết khu vực này không được phép xây dựng, nhưng thấy người ta xây thì mình cũng xây, xung quanh cũng nhiều nhà kiên cố, chừng nào không được ở nữa thì tính sau. Hộ khẩu của tôi ở nơi khác nhưng gia đình đăng ký tạm trú ở thôn Đất Lành”. Sau khi đoàn công tác rời đi, chúng tôi quay lại khu vực này thì bắt gặp tốp thợ đang trộn vữa xây nhà. Căn nhà kiên cố đã sắp hoàn thành nhưng khi hỏi thăm về chủ nhà, nhóm thợ này đều trả lời chỉ làm công nên không biết.
Tại xã Vĩnh Thái, mấy năm nay nóng nhất về vi phạm trật tự xây dựng, cư trú trái phép là khu vực quy hoạch Trung tâm Hành chính tỉnh tại thôn Vĩnh Xuân. Cơ quan liên quan cũng như chính quyền địa phương không đưa ra được con số chính xác số nhà ở hiện nay tại khu vực này. Theo lãnh đạo UBND TP. Nha Trang, trong khu vực 3,6ha này hiện có vài trăm nhà. Theo quan sát, rất nhiều nhà ở khu vực này là nhà tạm bằng tôn lắp ghép giống nhau, chỉ số ít có người ở, còn phần lớn không có người ở, treo biển cho thuê hoặc chuyển nhượng có kèm số điện thoại. Khu vực này vốn là đất nuôi trồng thủy sản. Tuy đã có quyết định thu hồi đất nhưng người dân tự ý đổ đất san lấp đìa, phân lô, chuyển nhượng. Những căn nhà tôn thi công lắp ghép chỉ vài giờ xong nên mọc lên như nấm.
Khó giải quyết
Theo Thượng tá Nguyễn Văn Trí - Phó Trưởng Công an TP. Nha Trang, đối với các khu dân cư tự phát không giải quyết đăng ký thường trú, tạm trú mà chỉ lập danh sách để quản lý về mặt con người. Một số hạn chế trong công tác quản lý cư trú hiện nay là công tác phối hợp trao đổi thông tin giữa Công an thành phố và UBND các xã chưa kịp thời; việc xử lý các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng trái phép chưa đến nơi đến chốn, nhiều trường hợp vi phạm nộp phạt xong lại tiếp tục xây; công tác quản lý cư trú, nắm dân của công an một số xã chưa kịp thời. Công an thành phố kiến nghị UBND các xã tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai. Tại các khu vực không được xây dựng nhà ở phải có sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ để không hình thành các khu vực cư trú tự phát. Đối với các khu vực cư trú tự phát có nguy cơ sạt lở vào mùa mưa lũ kiến nghị di dời người dân đến nơi ở mới để đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, việc di dời số lượng lớn hộ dân các khu dân cư tự phát rất khó khăn. Vừa qua, UBND thành phố đã trình UBND tỉnh phương án xây dựng chung cư nhà ở xã hội nhưng UBND tỉnh yêu cầu thành phố rà soát lại, phân loại đối tượng và nghiên cứu đề xuất thêm một số phương án.
Ông Lê Xuân Thân - Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh: Qua khảo sát, đoàn sẽ kiến nghị tăng cường công tác quản lý đất đai để hạn chế tình trạng vi phạm trật tự xây dựng tràn lan hiện nay; đồng thời, tăng cường công tác quản lý nhà nước về dân cư; công khai quy hoạch, các dự án cho người dân biết. Bên cạnh đó, sẽ kiến nghị UBND tỉnh thành lập Ban chỉ đạo xử lý vi phạm trật tự xây dựng và đất đai, tập trung xử lý quyết liệt trong một thời gian nhất định. |
Theo ông Trần Mạnh Dũng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, phải rà soát phân loại đối tượng và có biện pháp vận động, ngăn chặn người dân ở khu vực nguy cơ sạt lở, đặc biệt là thôn Thành Phát quay về nơi ở cũ. UBND tỉnh nên có cơ chế hỗ trợ các xã cả về con người, phương tiện để giám sát, xử lý tốt hơn. Theo ông Võ Tấn Thái - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, nếu không có biện pháp cương quyết, tình trạng cư trú cũng như xây dựng trái phép ở các khu dân cư tự phát còn phức tạp hơn nữa. Sắp tới, sở sẽ tham mưu UBND tỉnh chỉ thị về vấn đề này; đồng thời, sẽ rà soát lại các dự án.
Ông Lê Xuân Thân - Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh, đây là vấn đề nóng, kéo dài nhiều năm và giải quyết rất khó khăn. Ngành chức năng và chính quyền địa phương cần áp dụng các biện pháp giải quyết tình trạng cư trú trái phép, xây nhà không phép hiện nay vì nếu để tiếp tục kéo dài sẽ lan tới các khu vực khác và ngày càng phức tạp.
Theo Báo Khánh Hòa