Ngày 18-7, HĐND tỉnh Khánh Hòa đã thông qua Nghị quyết số 06 với 2 chính sách giảm nghèo đặc thù trên địa bàn tỉnh: hỗ trợ hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng và khuyến khích thoát nghèo bền vững.
Cần thiết và kịp thời
Theo thống kê của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH), hiện nay, toàn tỉnh có hơn 19.000 hộ nghèo (chiếm 6,53% dân số) và hơn 21.000 hộ cận nghèo (chiếm 7,36% dân số). Các hộ này đều đã được thụ hưởng những chính sách hỗ trợ giảm nghèo đa chiều của Trung ương. Tuy nhiên, đối với những hộ mới thoát nghèo và hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng, đến nay, Trung ương vẫn chưa có chính sách trợ giúp nào. Trên thực tế, những hộ mới thoát nghèo do bị thiếu vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh nên dễ có nguy cơ tái nghèo hoặc cận nghèo. Qua rà soát hàng năm, có không ít hộ gia đình đã thoát nghèo nhưng ngay năm sau đã bị tái nghèo. Nguyên nhân chủ yếu là họ chưa đủ nguồn lực đầu tư ổn định sản xuất và thu nhập hoặc do thiên tai, dịch bệnh khiến việc đầu tư bị thua lỗ, mất vốn, nợ nần. Theo khảo sát, trong số 19.000 hộ nghèo thì có hơn 8.500 hộ thiếu vốn sản xuất, kinh doanh.
Đối với hộ nghèo là người có công với cách mạng thì chỉ có người có công mới có trợ cấp hàng tháng, còn các thành viên trong gia đình lại chưa có chính sách hỗ trợ. Hiện nay toàn tỉnh có khoảng 240 hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng. Đa số đều thiếu hụt về thu nhập và tiếp cận các dịch vụ xã hội. Trong đó, nhiều hộ nghèo có thành viên là người cao tuổi, người khuyết tật nặng, người bị ốm đau bệnh tật kéo dài… không còn khả năng lao động.
Ông Võ Bình Tân - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH cho biết, việc HĐND tỉnh thông qua 2 chính sách tại Nghị quyết số 06 là rất cần thiết và sẽ góp phần tạo động lực cho các hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững.
|
Tập trung triển khai chính sách hiệu quả
Theo nghị quyết trên, đối tượng được thụ hưởng chính sách hỗ trợ hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng thuộc: các hộ nghèo có thành viên trong hộ là người có công với cách mạng, thiếu hụt về thu nhập hoặc thiếu hụt về tài sản phục vụ tiếp cận thông tin (không có ti vi, radio, máy tính và không nghe được hệ thống loa đài truyền thanh xã, thôn). Việc thực hiện trợ cấp hàng tháng cho hộ gia đình có thành viên không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp chính sách người có công gồm: người từ đủ 60 tuổi trở lên; người khuyết tật nặng trở lên (có giấy xác nhận khuyết tật theo quy định); người bị ốm đau bệnh tật kéo dài từ 12 tháng trở lên (có giấy xác nhận của cơ sở y tế từ cấp huyện trở lên). Các thành viên này phải cùng hộ khẩu và có mối quan hệ gần gũi, mật thiết với người có công với cách mạng, gồm: cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em ruột. Mức hỗ trợ là 700.000 đồng/người/tháng. Mức hỗ trợ phương tiện nghe nhìn cho các hộ thiếu hụt về tài sản phục vụ tiếp cận thông tin là 3 triệu đồng/hộ.
Đối với chính sách khuyến khích thoát nghèo bền vững thì đối tượng được thụ hưởng là hộ mới thoát nghèo được vay khoảng 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển sản xuất, kinh doanh và được hỗ trợ 50% lãi suất vốn vay (theo lãi suất của Ngân hàng Chính sách xã hội) trong vòng 3 năm kể từ khi hộ vay vốn. Dự kiến, giai đoạn 2018 - 2020 sẽ có 2.200 hộ nghèo đăng ký thoát nghèo bền vững được hưởng lợi từ chính sách này.
Ông Võ Bình Tân cho biết, nhằm triển khai hiệu quả các chính sách đặc thù của tỉnh, hiện nay, ngành đã yêu cầu các địa phương khẩn trương rà soát lại đối tượng thuộc 2 chính sách rõ ràng, minh bạch. Đồng thời, hướng dẫn các địa phương triển khai áp dụng các chính sách từ tháng 9. Cùng với đó, ngành và các địa phương sẽ triển khai lồng ghép với các chính sách, chương trình đã được ban hành nhằm đạt hiệu quả tốt nhất.
Theo Báo Khánh Hòa