Sau 2 năm triển khai, chương trình phát triển thương hiệu các sản phẩm đặc trưng của tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 đã đạt kết quả tích cực. Tuy nhiên, việc phát triển thương hiệu vẫn còn nhiều khó khăn.
Nâng cao giá trị kinh tế
Theo báo cáo của Sở Khoa học và Công nghệ (KH-CN) - đơn vị chủ trì chương trình phát triển thương hiệu các sản phẩm đặc trưng của tỉnh, đến nay, toàn tỉnh có 8 sản phẩm được xây dựng và phát triển thương hiệu gồm: sầu riêng Khánh Sơn, xoài Cam Lâm, yến sào Nha Trang, nước mắm Nha Trang, dừa xiêm Ninh Đa, hoa cúc Ninh Giang, gạo Ngọc Quang và ốc hương Khánh Hòa. Các sản phẩm này đã được đăng ký xác lập quyền bảo hộ thương hiệu tại Cục Sở hữu trí tuệ dưới các hình thức là chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận hoặc nhãn hiệu tập thể.
|
Bà Lê Vinh Liên Trang - Phó Giám đốc Sở KH-CN cho biết, qua đánh giá sơ bộ từ các địa phương có sản phẩm được xây dựng và phát triển thương hiệu, giá trị kinh tế của các sản phẩm này được nâng cao rõ rệt so với trước, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, đơn vị sản xuất. Trên thực tế, tại các phiên chợ như: phiên chợ nông sản, phiên chợ an toàn thực phẩm, những sản phẩm có nhãn hiệu luôn được người tiêu dùng đón nhận như: sầu riêng Khánh Sơn, xoài Cam Lâm… Cùng với việc xây dựng thương hiệu sản phẩm, các địa phương còn quan tâm xây dựng, từng bước hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung theo hướng mở rộng về quy mô, sản lượng, mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo ra nhiều việc làm, thu nhập ổn định cho người dân.
Ông Trần Ngọc Hiếu - Chủ tịch Hội Nông dân phường Ninh Giang cho biết: “Hoa cúc Ninh Giang ( thị xã Ninh Hòa) được cấp giấy chứng nhận bảo hộ độc quyền dưới hình thức nhãn hiệu tập thể năm 2017. Từ khi có thương hiệu, giá trị kinh tế của hoa cúc Ninh Giang cao hơn trước, sức cạnh tranh trên thị trường cũng cao hơn. Trước đây, sau mỗi vụ mùa, người trồng hoa Ninh Giang chỉ có lãi khoảng 20 triệu đồng. Hiện nay, trung bình người dân lãi hơn 30 triệu đồng. Bên cạnh đó, nông dân cũng nâng cao trách nhiệm hơn trong việc chăm sóc, ứng dụng khoa học kỹ thuật để có sản phẩm tốt, cung ứng cho thị trường. Người dân Ninh Giang đang chuẩn bị cho vụ hoa Tết. Toàn phường hiện có 314 hộ trồng hoa với số lượng dự kiến là 145.000 chậu”.
Vẫn còn khó khăn
Hiện nay, Sở KH-CN phối hợp với các địa phương tiến hành xây dựng thương hiệu và đăng ký bảo hộ thương hiệu cho các sản phẩm: bưởi da xanh Khánh Vĩnh; táo Cam Thành Nam; tỏi Vạn Ninh, Ninh Hòa; mía tím Khánh Sơn; chả cả Vạn Giã; dừa xiêm Tuần Lễ… Tuy nhiên, việc xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm này đang gặp khó khăn.
Đối với trường hợp tỏi ở Vạn Ninh, Ninh Hòa, các địa phương vẫn chưa có sự đồng thuận trong việc đứng ra đăng ký với cơ quan chức năng để triển khai xây dựng thương hiệu là tỏi Ninh Vân hay tỏi Vạn Hưng hoặc lấy thương hiệu chung là tỏi Khánh Hòa; đất sản xuất bị vướng quy hoạch thành đất đô thị, đất ở, ảnh hưởng đến việc mở rộng quy mô sản xuất và phát triển thương hiệu sau này. Trong khi đó, việc xây dựng thương hiệu cho chả cá Vạn Giã cũng gặp khó do năng lực sản xuất của các hộ chưa ổn định, quy mô sản xuất nhỏ lẻ. Hoặc số lượng hội viên tham gia tổ hội sản xuất tập thể còn ít, trong khi người dân trồng táo ở Cam Thành Nam rất nhiều. Đây cũng là trăn trở trong việc vận động người dân tham gia xây dựng, bảo vệ và phát triển thương hiệu táo Cam Thành Nam sau khi được chứng nhận…
Theo chương trình phát triển thương hiệu các sản phẩm đặc trưng của tỉnh giai đoạn 2016 - 2020, tất cả các sản phẩm đặc trưng đều được hỗ trợ 100% kinh phí đăng ký bảo hộ thương hiệu. |
Bên cạnh những khó khăn khi xây dựng và đăng ký thương hiệu, việc quản lý nhãn hiệu đã được cấp cũng có nhiều vấn đề cần quan tâm. Đơn cử như nhãn hiệu dừa xiêm Ninh Đa, lãnh đạo Hội Nông dân thị xã Ninh Hòa cho biết, năm 2016, sau khi Cục Sở hữu trí tuệ cấp nhãn hiệu, 20 hộ trồng dừa thuộc tổ hợp tác đã được phát 9.000 tem để dán cho những trái dừa đạt chất lượng. Sau khi sử dụng hết số lượng tem được phát, người dân phải mua tem dán với giá 500 đồng/tem. Người dân không mặn mà với việc dán tem lên sản phẩm do phải bỏ chi phí mua tem mà giá bán không cao hơn dừa không dán tem. Vì vậy, việc dán tem chỉ được thực hiện khi khách hàng yêu cầu. Thực trạng này khiến dừa xiêm Ninh Đa bị tráo bởi dừa xứ khác, ảnh hưởng đến thương hiệu. Hoặc tại một phiên chợ nông sản, cùng là sầu riêng Khánh Sơn nhưng có sản phẩm được dán tem nhận diện thương hiệu, có sản phẩm không dán. Điều này phần nào ảnh hưởng đến nhãn hiệu đã được xây dựng và bảo hộ.
Thương hiệu gạo Ngọc Quang dù giá bán cao hơn gạo truyền thống từ 20 đến 25%, thu nhập người dân được nâng lên; nhưng Hợp tác xã Nông nghiệp Ninh Quang 1 lại đang gặp khó khăn về vốn để mở rộng diện tích sản xuất và tạm trữ lúa gạo.
Để giải quyết khó khăn, chủ sở hữu các thương hiệu kiến nghị một số vấn đề như: đầu tư vốn để thu mua lúa gạo của nông dân, mở rộng quy mô sản xuất (gạo Ngọc Quang); cấp tem nhãn cho người trồng dừa xiêm Ninh Đa; quy hoạch đất sản xuất hoa cúc Ninh Giang… Ở góc độ cơ quan quản lý, bà Liên Trang đề nghị: “Người tham gia sản xuất sản phẩm đặc trưng và chủ sở hữu nhãn hiệu phải có trách nhiệm hơn nữa với chính thương hiệu đã được xây dựng. Bên cạnh đó, sự liên kết chặt chẽ giữa cơ quan quản lý chuyên ngành, cơ quan quản lý địa phương và nông dân cũng là giải pháp để khắc phục khó khăn. Trong đó, Nhà nước cần có cơ chế, chính sách, nguồn vốn cụ thể để xây dựng các vùng chuyên canh, các nhà khoa học tích cực hỗ trợ doanh nghiệp và nông dân về kỹ thuật, nhà nông cần nắm bắt kiến thức về khoa học kỹ thuật, định hướng cho sản phẩm của mình”.
Theo Báo Khánh Hòa